19/11/2019 06:25 GMT+7

Siết tin nhắn, cuộc gọi rác: Sẽ làm nhưng khó... hết rác!

THANH HÀ
THANH HÀ

TTO - Hành lang pháp lý chưa đầy đủ, chưa có định nghĩa cụ thể, khó chặn hết tin nhắn rác, một số quy định về tin nhắn, cuộc gọi rác gây khó khăn cho doanh nghiệp...

Siết tin nhắn, cuộc gọi rác: Sẽ làm nhưng khó... hết rác! - Ảnh 1.

Một cô gái đang liên tục gọi điện mời mua bất động sản trên băng sau xe buýt - Ảnh: N.C.T.

Đại diện các nhà mạng đã trả lời như trên khi nói về dự thảo nghị định của Chính phủ về phòng chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác... (, Tuổi Trẻ ngày 18-11).

Thế nào là cuộc gọi rác?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một đại diện Viettel cho rằng hành lang pháp lý cho việc phòng chống cuộc gọi rác còn chưa đầy đủ. Hiện mới chỉ có nghị định 90 và 77 về chống thư rác và tin nhắn rác.

Nhà mạng VinaPhone thì đánh giá hiện chưa có văn bản quy định cụ thể về định nghĩa cuộc gọi quảng cáo rác, cuộc gọi từ tổng đài tự động và chế tài xử lý đi kèm. Dự thảo nghị định đã có các định nghĩa, chế tài đi kèm và đã được Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) góp ý cụ thể.

Đại diện MobiFone cũng cho rằng định nghĩa càng rõ thì các nhà mạng càng có căn cứ pháp lý xác đáng cho việc chặn tin nhắn/cuộc gọi rác và việc chặn càng hiệu quả hơn. Cụ thể, MobiFone đề xuất: "Theo định nghĩa trước đây, cuộc gọi rác và tin nhắn rác là các cuộc gọi và tin nhắn mà khách hàng không mong muốn nhận. Vì vậy, nhà mạng rất khó có cơ sở chặn tin nhắn rác và cuộc gọi rác".

Sao đẩy trách nhiệm cho nhà mạng?

Đại diện MobiFone cho rằng nghị định mới cần có chế tài xử lý nghiêm các đối tượng là cá nhân/doanh nghiệp phát tán tin nhắn rác tới khách hàng, thay vì quy toàn bộ trách nhiệm cho nhà mạng. "Các nhà mạng không có căn cứ để xác định đâu là tin nhắn lừa đảo/vi phạm pháp luật, vì vậy nghị định mới cần xem xét đưa nội dung này ra khỏi trách nhiệm của nhà mạng" - vị này nói.

Đại diện MobiFone cũng lưu ý việc dự thảo nghị định quy định "nhà mạng chỉ được phép gửi nội dung quảng cáo tới các đối tượng đồng ý nhận quảng cáo; không được phép gửi quá 3 tin nhắn quảng cáo, 3 thư điện tử quảng cáo, 1 cuộc gọi quảng cáo tới một địa chỉ điện tử trong vòng 24 giờ, trừ trường hợp đã có thỏa thuận khác với người nhận". Vị này cho rằng quy định trên gây khó khăn và giới hạn nhà mạng trong việc gửi tin nhắn quảng cáo tới khách hàng...

Về phía đơn vị soạn thảo nghị định, ông Vũ Khắc Lịch, phó cục trưởng Cục An toàn thông tin - Bộ TT-TT, cho biết: "Bộ đang tích cực chỉ đạo, phối hợp với các doanh nghiệp để đưa ra giải pháp ngăn chặn cuộc gọi rác gây phiền phức cho khách hàng thông qua việc hoàn thiện hành lang pháp lý về đối tượng cuộc gọi rác".

Ông Lịch đánh giá: "Trong các buổi họp do Bộ TT-TT chủ trì với các nhà mạng liên quan tới việc chặn cuộc gọi rác, các nhà mạng đều thống nhất cao với bộ, cam kết đồng nhất việc xây dựng tiêu chí chặn cuộc gọi rác và mong muốn luật hóa các tiêu chí này".

"Hiện Bộ TT-TT đang hoàn thiện các nội dung liên quan tới cuộc gọi rác; xác định tiêu chí, cách thức chặn và yêu cầu đối với các hệ thống kỹ thuật của nhà mạng phải tối thiểu chặn được các cuộc gọi rác khi đã xác định rõ các tiêu chí "- ông Vũ Khắc Lịch nói. Ông cho hay dự kiến dự thảo nghị định thay thế sẽ được trình Chính phủ trong tháng 12-2019.

Viettel "thấy được trách nhiệm"

Tuổi Trẻ đặt câu hỏi: "Tại sao các nhà mạng chưa chặn được tin nhắn rác, SIM rác, chưa định danh được hết thuê bao, thậm chí nhiều người cho rằng thấy các tin nhắn, cuộc gọi rác nhận được ngày càng nhiều hơn?". 

Đại diện VinaPhone cho biết: "Hiện VinaPhone đang áp dụng quy trình hỗ trợ khách hàng theo các bước tiếp nhận phản ảnh, xác minh hiện tượng, nhắc nhở các công ty quảng cáo/nhà đất... khi có các cuộc gọi quảng cáo làm phiền khách hàng và được khách hàng phản ảnh về tổng đài chăm sóc khách hàng của VinaPhone".

Về cuộc gọi rác, ông Vũ Khắc Lịch cho biết Bộ TT-TT đã yêu cầu các nhà mạng đồng bộ triển khai các hệ thống kỹ thuật dựa trên nền tảng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy (machine learning) để chặn cuộc gọi rác.

Đại diện nhà mạng đang có số lượng thuê bao di động lớn nhất là Viettel cũng cho hay: "Thấy được trách nhiệm phải xây dựng các giải pháp nhằm hạn chế và ngăn chặn các cuộc gọi khách hàng không mong muốn và sẽ sớm đưa vào áp dụng trong thời gian sớm nhất".

MobiFone cho hay đã cam kết cùng với hai nhà mạng VinaPhone và Viettel đưa ra các tiêu chí ngăn chặn sim kích hoạt trước và kế hoạch xử lý sim nghi ngờ kích hoạt sẵn từ tháng 6-2019. Tuy nhiên, đại diện MobiFone cũng nhận định: chặn tin nhắn rác cũng giống như quét rác trong nhà, chỉ hạn chế tối đa chứ không thể triệt để 100%.

Đã chặn được 90% tin nhắn rác?

Với việc phòng chống tin nhắn rác, VinaPhone cho hay đang nghiêm túc phối hợp với Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT) và các nhà mạng khác. Hãng này khẳng định lượng tin nhắn rác đã giảm hơn 90% so với trước. Thời gian tới, VNCERT sẽ tiếp tục điều hành để các nhà mạng kết nối, sử dụng và chia sẻ cơ sở dữ liệu mẫu tin nhắc rác để tối ưu hóa công tác ngăn chặn.

Với MobiFone, hãng này đang có các biện pháp chặn tin nhắn rác gồm: không cho đại lý đăng ký thông tin quá 3 thuê bao/chứng minh nhân dân (nếu khách hàng có nhu cầu sử dụng 4 thuê bao thì phải đăng ký tại hệ thống cửa hàng của MobiFone); chặn không cho đại lý đăng ký quá 100 thuê bao/user và chặn giới hạn không quá 1 giao dịch/phút/user...

Ông Ngô Vi Đồng (phó chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam - VNISA):

Nhà mạng phải có trách nhiệm

Vấn nạn tin nhắn rác đã tồn tại từ rất lâu và đến giờ vẫn còn dai dẳng dù có giảm ít nhiều. Nhưng gần đây lại có thêm các cuộc gọi rác "tấn công" người dùng di động. Rõ ràng, trách nhiệm của các nhà mạng di động là rất lớn. Dù có thể các định nghĩa về tin nhắn rác, cuộc gọi rác chưa thật sự rõ ràng nhưng các nhà mạng cũng không thể "đá bóng" trách nhiệm của mình cho cơ quan quản lý nhà nước. Nếu thật sự muốn bảo vệ những khách hàng chân chính của mình, các nhà mạng hoàn toàn có thể áp dụng nhiều biện pháp để ngăn chặn tin nhắn rác, cuộc gọi rác, cũng như xử lý các đối tượng gây ra vấn nạn này.

ĐỨC THIỆN

Làm sao khóa những cuộc gọi quảng cáo với tiếp thị bất kể giờ giấc? Làm sao khóa những cuộc gọi quảng cáo với tiếp thị bất kể giờ giấc?

TTO - Thời gian gần đây, các cuộc gọi, tin nhắn rác (quảng cáo nhà đất, bảo hiểm...) gia tăng “khủng bố” rất nhiều người dùng điện thoại. Dự thảo nghị định mới được kỳ vọng sẽ “tổng tấn công” các cuộc gọi, tin nhắn rác.

THANH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên