14/02/2025 08:40 GMT+7

Siết kiểm soát chất lượng trái cây xuất khẩu

Các địa phương, vùng xuất khẩu nông sản phải chuẩn hóa quy trình sản xuất, tiêu chuẩn hóa sản phẩm, mẫu mã, cũng như giám sát chăm sóc, thu hoạch, bảo quản và đóng gói trái cây nếu muốn duy trì hoạt động xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc.

Siết kiểm soát chất lượng trái cây xuất khẩu - Ảnh 1.

Những thùng sầu riêng được kiểm tra kỹ lại trước khi xuất khẩu sang Trung Quốc tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn - Ảnh: NAM TRẦN

Siết kiểm soát chất lượng trái cây xuất khẩu - Ảnh 2.

Ông Đoàn Thanh Sơn

Ông Đoàn Thanh Sơn, phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, đã khuyến cáo như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ liên quan đến việc Trung Quốc yêu cầu kiểm soát chặt tiêu chuẩn trái cây, trong đó sầu riêng xuất khẩu phải có giấy kiểm định chất vàng O.

Ông Sơn nói: Chúng tôi luôn tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp, thương nhân đủ điều kiện về thủ tục, tiêu chuẩn nhưng phải đảm bảo quy định, tiêu chuẩn khi xuất khẩu hàng hóa, trái cây, đặc biệt là với thị trường Trung Quốc.

* Vừa qua, phía Trung Quốc có bổ sung kiểm tra vàng O trong sầu riêng, liệu hoạt động xuất khẩu sầu riêng của các doanh nghiệp có bị gián đoạn lâu không, thưa ông?

- Các cơ quan chức năng Trung Quốc ngày càng kiểm soát rất chặt chẽ tiêu chuẩn, chất lượng nông sản, trái cây xuất khẩu vào thị trường này, mới đây nhất là quy định về kiểm tra chất vàng O trong sầu riêng.

Ban đầu, các doanh nghiệp chưa tiếp cận được ngay với thông tin mới dẫn đến tình trạng sầu riêng xuất khẩu vào Trung Quốc chưa đáp ứng yêu cầu kiểm nghiệm chất vàng O (cuối tháng 1-2025). Tuy nhiên đến nay phía Trung Quốc công nhận 9 cơ sở kiểm nghiệm liên quan đến chất vàng O, việc xuất khẩu sầu riêng diễn ra thông suốt nếu đáp ứng quy định.

* Nhưng việc kiểm soát chất lượng không chỉ áp dụng với trái sầu riêng mà tất cả các loại trái cây được xuất sang Trung Quốc?

- Thị trường Trung Quốc đã đưa ra các tiêu chuẩn, quy chuẩn rất rõ ràng, cả về chất lượng sản phẩm, bao bì, đóng gói, đồng thời nhiều lần thông báo, khuyến cáo cho nhà xuất khẩu Việt Nam. Tuy nhiên vẫn có thương nhân chưa cập nhật, thay đổi thói quen, cải tiến sản phẩm kịp thời, dẫn tới khó khăn khi xuất khẩu hàng hóa.

Chính quyền tỉnh Lạng Sơn cũng thường xuyên khuyến nghị đến các địa phương, vùng xuất khẩu nông sản về việc chuẩn hóa quy trình sản xuất, tiêu chuẩn hóa sản phẩm, mẫu mã cũng như giám sát chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, đóng gói trái cây.

Các doanh nghiệp cần chuyển phương thức xuất nhập khẩu từ tiểu ngạch sang chính ngạch bằng các hợp đồng ngoại thương chính thức, giảm thiểu rủi ro và tranh chấp, qua đó giữ vững thị trường xuất khẩu, trong đó thị trường lớn là Trung Quốc.

Các hợp đồng này phải ràng buộc trách nhiệm các bên, xác định phương thức thanh toán, bảo lãnh, tránh việc chuyển hàng tới cửa khẩu rồi chờ thương nhân Trung Quốc tới mua.

* Nhiều loại trái cây Việt Nam sắp bước vào chính vụ thu hoạch, Lạng Sơn có những giải pháp gì để giảm ùn tắc tại cửa khẩu, thưa ông?

- Lưu lượng thông quan trung bình đối với tỉnh Lạng Sơn khoảng 1.200 - 1.400 xe/ngày, cao điểm lên đến 1.600 - 1.700 xe/ngày. Do vậy, chúng tôi đã có các phương án điều tiết, đáp ứng lưu lượng xe xuất nhập khẩu tăng cao, thậm chí lên tới trên 2.000 xe/ngày với các cơ sở hạ tầng bến bãi mới hình thành như Công viên logistics Viettel mới hoạt động từ tháng 12-2024.

Bên cạnh mô hình thông quan truyền thống, chúng tôi cũng đang tích cực triển khai mô hình cửa khẩu thông minh, trong đó sẽ có luồng thông quan riêng biệt, ưu tiên các mặt hàng nông sản, linh kiện điện tử xuất khẩu với hệ thống xe dẫn đường thông minh, cẩu gắp container tự động, hệ thống thông quan thông minh thực hiện 24 giờ/ngày.

Mô hình này góp phần tăng lưu lượng thông quan hằng ngày và giảm chi phí lưu kho bãi, trả hàng cho doanh nghiệp.

* Tiến độ triển khai mô hình cửa khẩu thông minh này đến nay ra sao?

- Chúng tôi đang kêu gọi đầu tư hai dự án bến bãi, cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ việc vận hành cửa khẩu thông minh tại khu vực cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị. Đã có nhiều tập đoàn lớn đang quan tâm nghiên cứu đầu tư như Viettel, VNPT...

Chủ trương của tỉnh là kêu gọi tất cả các thành phần kinh tế chứ không chỉ là giới hạn trong Việt Nam hay nước nào đó. Bởi mô hình cửa khẩu thông minh cần nguồn lực lớn cho đầu tư hạ tầng logistics, phương tiện, trang thiết bị máy móc như xe dẫn đường thông minh, cẩu gắp container, hệ thống giám sát tự động, hệ thống viễn thông 5G, hệ thống thông quan thông minh...

Việc đồng bộ về dữ liệu với phía Trung Quốc khi thực hiện mô hình cửa khẩu thông minh cũng rất quan trọng.

Do vậy, Lạng Sơn, các bộ ngành, cơ quan đang khẩn trương thúc đẩy, nghiên cứu, xây dựng quy định về quy trình, thủ tục hải quan và giám sát, kiểm soát hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu qua cửa khẩu thông minh. Trong đó có sự tham gia của các ngành tài chính, hải quan, quốc phòng...

Theo ông Đoàn Thanh Sơn, Chính phủ đã giao cho Bộ NN&PTNT chủ trì, nghiên cứu, đề xuất của phía Trung Quốc về việc xây dựng trung tâm kiểm định, kiểm nghiệm chất lượng nông sản trước khi xuất khẩu, dự kiến có thể đặt tại khu vực Đồng Đăng, tỉnh Lạng Sơn.

Đây là trung tâm của các lối thông quan, đường chuyên dụng thuộc cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị. Như vậy, nông sản Việt trước khi xuất sang Trung Quốc đã có kết quả kiểm nghiệm, chứng nhận theo quy định.

Những vấn đề thuộc thẩm quyền của tỉnh như thủ tục hành chính, điều tiết phương tiện..., chúng tôi sẽ tạo thuận lợi nhất, hạn chế thấp nhất việc ùn tắc tại khu vực cửa khẩu.

Siết kiểm soát chất lượng trái cây xuất khẩu - Ảnh 3.Đề xuất mở rộng các loại trái cây Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc

Sáng 29-9, Lễ hội trái cây Việt Nam lần thứ nhất tổ chức tại Bắc Kinh, Trung Quốc khai mạc với kỳ vọng mở ra cơ hội xuất khẩu trái cây nhiều hơn vào thị trường này.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên