Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phát hành tín phiếu trên thị trường mở. Lũy kế hút ròng đến 18-3 đạt 90.000 tỉ đồng. Đây là ẩn số mà thị trường chứng khoán cần theo dõi, khi tỉ giá còn "căng".
Hút tín phiếu chưa đủ, cần làm gì?
Trong báo cáo vừa công bố, đội ngũ phân tích SSI Research cho rằng việc phát hành tín phiếu nhằm điều chỉnh trạng thái thanh khoản ngắn hạn.
Việc hút bớt thanh khoản thị trường 2 (liên ngân hàng) nhằm giảm áp lực đầu cơ tỉ giá ngắn hạn. Từ đó hạn chế tác động lên mặt bằng lãi suất trên thị trường 1 (nơi diễn ra các giao dịch giữa ngân hàng với doanh nghiệp, người dân).
Thanh khoản hệ thống khá dồi dào do tín dụng 2 tháng đầu năm giảm 0,72% so với cuối năm 2023, Ngân hàng Nhà nước có thể tiếp tục duy trì hoạt động này ít nhất trong vòng 2 tuần tới, theo dự báo của SSI Research.
Sau khi đã hút 90.000 tỉ đồng, vì sao vẫn cần duy trì hoạt động này?
Theo các chuyên gia SSI Research, dù phát hành tín phiếu nhằm ổn định tâm lý và thu hẹp chênh lệch lãi suất USD và VND, hạn chế xu hướng đầu cơ, tuy nhiên áp lực trên thị trường quốc tế vẫn khá mạnh.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước có thể phải thực hiện các biện pháp mạnh mẽ hơn. Bao gồm cân nhắc tăng kỳ hạn tín phiếu hay thanh tra việc mua bán ngoại tệ ở các ngân hàng thương mại.
Giá USD tự do giữ chênh lệch lớn so với giá ngân hàng - Dữ liệu: WiGroup, TTO
Đến nay tỉ giá USD-VND liên ngân hàng tăng 0,3% trong 1 tuần và kết thúc phiên 15-3 tại 24.722 đồng/USD - tăng 1,9% so với cuối năm 2023.
Tỉ giá niêm yết của Vietcombank mới đây cũng đóng cửa quanh mức 24.540 - 24.910 đồng, tăng 2% so với cuối năm 2023. Đến 19-3, tỉ giá được Vietcombank niêm yết ở mức 24.545 - 24.895 đồng.
Tỉ giá trên thị trường tự do tiếp tục dao động quanh vùng đỉnh lịch sử, mua và bán lần lượt 25.450 - 25.550 đồng mỗi USD, cách biệt giá ngân hàng 600-700 đồng.
Nhiều chuyên gia lên tiếng lo ngại tỉ giá căng thẳng ở thị trường chợ đen, nhưng nếu không kiểm soát tốt sẽ "lách luật" tuồn USD ngân hàng ra chợ đen.
Bà Trần Thị Khánh Hiền, giám đốc nghiên cứu MBS, cho biết có nhiều yếu tố tác động lên tỉ giá vừa qua. Trong đó có thể kể tới việc USD vẫn duy trì sức mạnh so với các loại tiền tệ khác.
Đồng USD, thông qua chỉ số DXY, tăng tới 0,7% trong tuần qua và các đồng tiền chủ chốt đều giảm giá so với USD như JPY (-1,35%), EUR (-0,46%). Các đồng tiền trong khu vực châu Á cũng có diễn biến tương tự như THB (-1,49%), KRW (-0,78%) hay TWD (-0,66%).
Ngoài ra theo bà Hiền, tỉ giá áp lực khi giá vàng trong nước và quốc tế tiếp tục chênh lệch, cùng các hoạt động giao dịch chênh lệch lãi suất tiền tệ.
Năm | Số lần thực hiện | Số ngày/đợt hút ròng | Giá trị hút ròng bình quân (tỉ đồng) | Giá trị hút ròng lớn nhất (tỉ đồng) |
---|---|---|---|---|
2018 | 13 | 8 | 28.792 | 120.100 |
2019 | 13 | 10 | 27.151 | 68.997 |
2020-2021 | 3 | 22 | 37.247 | 146.989 |
2022 | 12 | 10 | 48.873 | 191.100 |
2023 | 6 | 17 | 96.170 | 239.163 |
Hút ròng tín phiếu từ 2018 - 2023 - Dữ liệu: BSC
Vì sao chứng khoán "dè chừng" tín phiếu?
Hút tín phiếu không đồng nghĩa với đảo chiều chính sách tiền tệ, nhưng nhìn lại phản ứng thị trường chứng khoán quá khứ thì đây vẫn là ẩn số trong năm 2024.
Ông Trần Thanh Long, giám đốc phân tích Chứng khoán BIDV (BSC), cho biết từ giai đoạn 2018 đến 2023, Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần thực hiện nghiệp vụ hút ròng tín phiếu. Dữ liệu cho thấy Ngân hàng Nhà nước hút ròng giá trị trung bình đạt 47.647 tỉ đồng/chu kỳ.
Trong đó, giá trị hút ròng lớn nhất/chu kỳ là 239.163 tỉ đồng vào năm 2023 (giai đoạn 21-9 đến 8-11). Đây cũng là lúc chứng kiến thị trường chứng khoán nhiều pha chao đảo.
Chuyên gia BSC tính toán khi giá trị hút ròng dưới 100.000 tỉ đồng, xác suất VN-Index giảm trong chu kỳ hút là 33,33%. Khi giá trị hút ròng hơn 100.000 tỉ đồng, xác suất VN-Index giảm gần 67%.
Với tín phiếu, để không lo sợ hay chủ quan quá mức, chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư quan sát thêm tỉ giá (gồm cả chính thức và tự do), USD Index; quy mô hút ròng và lãi suất phát hành cùng với lãi suất liên ngân hàng qua đêm...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận