TTO xin trích đăng một số ý kiến:
Phóng to |
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời chất vấn trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 26-3 - Ảnh: Lê Kiên |
* Đừng để bệnh nhân chết oan vì cấm chuyển viện
Tôi là người theo dõi từng bước đi trong công việc của Bộ trưởng Bộ Y tế từ khi bà nhậm chức nói riêng và của ngành y tế 20 năm nay nói chung. Tôi đã từng hy vọng khi bà xuống tận cơ sở để mục tại sở thị công việc và bà có nói rằng chỉ có những bệnh viện có thương hiệu mới quá tải và cần nhân rộng các bệnh viện này.
Vậy mà bà đã không làm tới cùng ý tưởng đó, bà lại định phát triển y tế tuyến cơ sở và đưa ra đề nghị gây khó khăn cho người bệnh khi muốn chuyển tuyến trên. Rất tiếc là bà đang đi theo vết xe đổ của nhiều ngành là không làm được thì cấm.
Theo tôi được biết thì từ năm 2007 ngành y tế đã đầu tư rất nhiều tiền của để trang bị cho y tế tuyến huyện và xã, điều này rất lãng phí bởi vấn đề quan trọng nhất là con người thì với kiểu phân cấp nửa chừng như tuyến huyện, xã sẽ không thể có người giỏi được. BS tuyến huyện và tuyến xã chủ yếu do học chuyên tu. Và thực tế chứng minh là đề án đó đến nay không mang lại chút hiệu quả nào.
* Không nên áp dụng quy chế chuyển viện ngặt nghèo
Theo tôi không nên áp dụng quy chế chuyển viện ngặt nghèo vì:
Thứ nhất, ép buộc người dân trong việc chọn nơi khám và điều trị bệnh, có ai muốn lên tuyến trên đầu vừa xa nhà, chi phí còn tăng gấp mấy lần ở tuyến quận (huyện) tỉnh.
Thứ hai, quyết định trên đã vô tình tạo áp lực cho bác sĩ và diều dưỡng, đã có rất nhiều vụ việc người nhà bệnh nhân lớn tiếng đe dọa bác sĩ và điều dưỡng.
Thứ ba, người dân không tin vào khả năng chữa trị ở tuyến quận (huyện) tỉnh, rất nhiều trường hợp bệnh nhân tử vong chỉ vì sai sót không đáng có của bác sĩ, họ đã mất niềm tin quá lớn vào các bệnh viện tuyến dưới.
* Bộ trưởng nói chưa ổn
Tôi thấy Bộ trưởng Bộ Y tế trả lời trước Quốc hội như thế là không ổn, nó rập khuôn cái gì không quản được thì cấm và gây khó khăn cho người dân. Bởi lẽ, khi người dân cảm thấy bất an cho tính mạng mình thì họ phải tìm đến nơi có đủ điều kiện và có chuyên môn cao để khám chữa bệnh, đây là qui luât và nhu cầu tất yếu.
Để khắc phục căn cơ hơn thì ngành y tế phải có cái nhìn tổng quan về hai mặt cơ sở vật chất và chuyên môn của bác sĩ. Nếu ở huyện, xã mà có đầy đủ hai yếu tố này thì người dân cũng chẳng dại gì hành thân cho cực khổ để đi lên tuyến trên cho mất thời gian và công sức.
Rất cần có một tấm lòng và một trình độ để lo cho dân. Ngành y tế nên nhanh chóng đưa ra kế hoạch và chiến lược huy động sức người sức của để cải tạo và đầu tư các cơ sở khám chữa bệnh địa phương. Song song việc làm đó, ngành cũng cần xem xét bồi dưỡng tay nghề và y đức cho các bác sĩ, có chính sách đãi ngộ thích hợp và xứng đáng để tạo sự cạnh tranh học tập lẫn nhau tạo nên một phong trào "vừa hồng vừa chuyên", tránh cào bằng gây sự bất mãn và không có ý chí vươn lên.
Tóm lại, chỉ cần có tấm lòng và mọi người chung tay thì lo gì mà không giúp được ngành y tế cải thiện và hoàn thiện trong tương lai, và người dân chúng tôi chỉ mong được như thế.
* Liệu Bộ trưởng có dám nằm viện tuyến dưới?
Bà Bộ trưởng Y tế vừa tuyên bố việc chuyển viện từ tuyến dưới lên tuyến trên phải ngặt nghèo trong khi tuyến bệnh viện huyện, khu vực thực tế vừa thiếu thốn đủ thứ, vừa yếu về chuyên môn nên người bệnh không an tâm. Qua đây cũng thấy rằng, Bộ trưởng nói nhưng chưa chắc đã dám nằm viện cấp huyện?
* Đừng bắt dân đùa với sinh mạng của chính mình
Tôi đồng tình với ý kiến bạn Hoài Thuận, đây là "sinh mạng con người" chứ không đùa. Nếu bệnh viện tuyến trên quá tải thì Bộ phải có cách xử lý thế nào chứ bắt dân đùa với sinh mạng mình sao được.
* Sức khỏe người dân phải được coi trọng
Thiết nghĩ vấn đề sức khỏe của nhân dân cần phải được coi trọng hàng đầu, đó là quyền lợi chính đáng mà Nhà nước và các tổ chức liên quan cần phải có chính sách phù hợp để quan tâm.
Tại sao Bộ Y tế không chú trọng nâng cấp các bệnh viện tuyến dưới, cả về cơ sở vật chất lẫn chất lượng chuyên môn để đáp ứng nguyện vọng của nhân dân khi khám, chữa bệnh mà lại dùng biện pháp hạn chế? Nếu chất lượng khám chữa bệnh ở tuyến dưới tốt thì không dại gì người dân lại phải lên tuyến trên cho nó tốn kém thêm về đi lại và nhiều chi phí liên quan khác.
Hãy biết tôn trọng người dân và để họ có quyền quyết định về sức khỏe của họ, đó mới là công bằng và văn minh!
* Như bài viết đã đề cập, tôi không bình luận thêm. Theo tôi ngành y cần củng cố thêm về thiết bị hỗ trợ chẩn đoán và nhân lực có trình độ chuyên môn thực..
Một số bệnh viện tuyến dưới có đội ngũ y bác sỹ có trình độ cao nhưng không đủ trang thiết bị để chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh.
Phần lớn các bệnh viện tuyến dưới không có trình độ vì không thu hút được nhân tài do nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân thứ nhất là không cho đào tạo nâng cao trình độ như báo đã nêu. Nguên nhân thứ hai là do hệ thống giáo dục tạo ra cơ chế cào bằng trong văn bằng giữa các hệ đào tạo. Một y sĩ trung cấp ở tuyến xã có thể trở thành một bác sĩ chuyên khoa ở tuyến tỉnh nhờ đào tạo lại.
* Nên luân chuyển cán bộ
Theo tôi nên luân chuyển cán bộ bệnh viện trung ương về tỉnh, cán bộ bệnh viện tỉnh về huyện với dạng đi công tác 1-2 tuần, họ vẫn được hưởng lương tại bệnh viện mình đang làm, vừa có công tác phí, vừa giúp được tuyến dưới về chuyên môn. Việc làm này phải liên tục, thường xuyên, bắt buộc tất cả các bác sĩ phải thực hiện nghĩa vụ của mình, không được né tránh.
Chỉ cần làm 1 thời gian thì khoảng cách giữa các tuyến sẽ hẹp dần.
* Xin Bộ trưởng hãy đặt trường hợp mình là bệnh nhân, đừng áp đặt quy chế hành chính vào như người đứng ngoài vậy. Tình trạng bệnh viện tuyến trên quá tải đã xảy ra từ lâu, giống như tình trạng kẹt xe trong nội thành.
* Việc khó phải tim cách giải quyết, đừng siết chặt rồi cấm
Thực sự đọc bài báo này tôi rất buồn. Tôi biết tình trạng quá tải ở những bệnh viện lớn ở Trung ương rất khổ cho cán bộ bệnh viện ở đó, nhưng khổ nỗi người dân như chúng tôi cũng đâu muốn đi bệnh viện, mà đã phải nhập viện rồi thì cũng chẳng muốn chuyển đi tuyến trên. Điều đó không nói ra chắc bà Bộ trưởng Bộ Y tế cũng hiểu. Chắc quý Bộ cũng rất đau đầu với bài toán "quá tải" trong nhiều năm qua nên quý Bộ mới đưa ra quy chế chuyển viện tuyến dưới lên tuyến trên phải ngặt nghèo để giải quyết tạm thời.
Nhưng ai sẽ là người chịu trách nhiệm trước mạng sống của bệnh nhân khi mà quy chế đó được ban hành nếu trường hợp đáng tiếc xảy ra?
Rất nhiều trường hợp đáng tiếc đã xảy ra với các bệnh nhân ở cấp cơ sở. Tôi chỉ mong sao "quy chế" này sẽ không được ban hành để người dân chúng tôi cảm thấy "quyền lựa chọn trước sinh mệnh của mình và người thân" vẫn còn.
Phóng to |
Do quá tải, tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM bệnh nhân đến điều trị phải nằm dưới gầm giường - Ảnh tư liệu |
* Quản lý vấn đề an toàn thực phẩm và phòng dịch từ xa
Việc đầu tiên cần làm để giảm thiểu số bệnh nhân là quản lý lại vấn đề an toàn thực phẩm và phòng dịch từ xa. Mà việc này muốn thực hiện được phải có lương bổng hợp lý, chăn nuôi sản xuất nông nghiệp theo quy trình theo phân khu hợp lý. Việc này liên quan đến nhiều ngành chứ không riêng Bộ Y tế.
Để làm việc hiệu quả lâu dài là làm sao cho người dân ít bị bệnh chứ không phải tạo ra nhiều bác sĩ để giải quyết hậu quả bệnh tật.
Theo thông tin mà báo Tuổi Trẻ đăng gần đây ta thấy thịt cá thối - thuốc siêu nạc chạy vòng quanh đất nước mà có ai quản lý được? Buồn thật, ăn cũng không biết mình ăn thứ gì. Còn phòng dịch thì làm qua loa (tuyên truyền, băngrôn) là nhiều (vì không có kinh phí và chưa được đào tạo bài bản), vậy hỏi làm sao mà không bệnh được.
* Xây dựng thêm 3 bệnh viện hiện đại ở 3 miền
Muốn giải quyết được vấn đề yếu kém của ngành y hiện nay, chúng ta phải xây dựng bệnh viện hiện đại. Trong cả nước xây thêm ba bệnh viện hiện đại ở ba khu vực Bắc, Trung, Nam. Ba bệnh viện này phải xây ở ngoại ô thành phố theo dạng cụm bệnh viện đủ mọi chuyên khoa sát với nhau.
Nếu làm được điều này sẽ thu hút bác sĩ giỏi và tháo gỡ được tình trạng quá tải bệnh viện như hiện nay. Người dân ai cũng muốn mình được khám chữa bệnh ở nơi tốt nhất, không ai muốn khám chữa bệnh ở những bệnh viện tuyến dưới (như quận huyện).
Nhưng đồng tiền phải được đáp ứng đúng giá của nó, đừng tiền mất tật mang như hiện nay khi khám chữa bệnh ở tuyến dưới.
* Nâng thu nhập bác sĩ bệnh viện công
"Có thực mới vực được đạo"!, câu này bao giờ, ở đâu cũng đúng. Muốn cải tổ, thay đổi tính chất của một sự việc luôn luôn phải đặt yếu tố đầu tiên là "tiền đâu?", nếu không có thì mọi phương sách chỉ là "bánh vẽ" mà thôi!
Đáng tiếc là trong đóng góp ít ai nêu chuyện này ra, nên cũng thật tội nghiệp cho bà bộ trưởng rơi vào cảnh "trăm dâu đổ đầu tằm"! Quý vị có biết chăng?!
Theo tôi, việc trước nhất là tìm cách nâng lương cho xứng đáng vai trò bác sĩ tại các bệnh viện công. Khi nào có được yếu tố "đầu tiên" này thì mới nói tới chuyện nâng tay nghề, kỷ luật y đức...! Còn nếu không thì... "mèo vẫn hoàn mèo" như mấy chục năm qua mà thôi!
* Tại sao không nâng cấp đầu tư tuyến dưới?
Nhu cầu chữa bệnh là cần thiết, được lành bệnh để sống. Tại sao lại ép người dân phải điều trị một nơi toàn bác sĩ kém, thiếu điều kiện, phương tiện, dụng cụ? Tại sao không nâng cấp, đầu tư cho cơ sở y tế tuyến dưới?
Thử hỏi bộ trưởng xuống tuyến xã, phường khám bệnh sẽ biết sự lạc hậu ấy là như thế nào. Hàng loạt bác sĩ yếu kém, chữa bệnh dẫn đến chết người, ai chịu trách nhiệm?
Làm không khéo vô tình tạo cho các phòng khám tư nhân, cò trục lợi, phát sinh tiêu cực.
Phải đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng bệnh viện nhiều hơn nữa.
* Tuyến dưới thiếu đủ thứ, tuyến trên quá tải là chuyện thường
Tình trạng chuyên môn, cơ sở vật chất thiếu thốn, trang thiết bị lạc hậu ở tuyến dưới là lý do làm tuyến trên quá tải trong nhiều năm nay.
Chưa kể viện phí bằng nhau nhưng chất lượng khám và điều trị khác nhau tất nhiên người bệnh có quyền lựa chọn bệnh viện. Ai lại giao sinh mạng mình cho nơi không tin cậy?
Tất cả là do điều kiện, mà điều kiện là do con người tạo ra, theo ý kiến của bộ trưởng thì vấn đề chuyển tuyến mà sao không nghĩ chúng ta cần đầu tư tốt hơn cho nhân lực, vật lực ở tuyến dưới.
Bạn có ý kiến như thế nào về vấn đề này, hãy chia sẻ ý kiến của bạn về cho chúng tôi qua phần ý kiến bạn đọc phía dưới hoặc gửi về email [email protected]. Cảm ơn |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận