19/11/2019 11:07 GMT+7

Siết chặt quản lý nội dung trên YouTube, có bảo vệ được trẻ em?

ĐỨC THIỆN
ĐỨC THIỆN

TTO - Mạng xã hội YouTube vừa thay đổi chính sách mới buộc các nhà sáng tạo nội dung (creator) phải đánh dấu nội dung video của họ có dành cho trẻ em hay không.

Siết chặt quản lý nội dung trên YouTube, có bảo vệ được trẻ em? - Ảnh 1.

Một số kênh YouTube được nhiều trẻ em theo dõi - Ảnh chụp màn hình

Tôi thấy việc thêm tùy chọn video có lựa chọn dành cho trẻ em hay không dành cho trẻ em rất đúng. Đây là điều nên làm để bảo vệ trẻ trên các nền tảng video.

Phan Phước Quốc (người quản lý kênh GenZ)

Đây là động thái được xem là siết chặt quản lý nội dung video của YouTube nhằm bảo vệ đối tượng trẻ em theo Đạo luật bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em trên mạng (COPPA) và/hoặc các luật hiện hành khác.

Phải đánh dấu tất cả video trên YouTube

Theo thông báo của YouTube, từ ngày 14-11, tất cả người sáng tạo đều phải đánh dấu xem nội dung của mình dành cho trẻ em hay không dành cho trẻ em trong trình quản lý kênh (YouTube Studio) của mình.

Theo đó, tùy thuộc vào số lượng nội dung dành cho trẻ em trên kênh mà nhà làm nội dung có thể xác định đối tượng của mình ở cấp kênh hoặc cấp video. YouTube đã bổ sung một mục cài đặt mới để người quản lý kênh có thể phân loại đối tượng trong YouTube Studio.

Cụ thể, nếu chọn ở cấp độ kênh, cách này sẽ đặt toàn bộ nội dung hiện có và sau này của creator là dành cho trẻ em hay không dành cho trẻ em.

Còn nếu kênh video có cả nội dung không dành cho trẻ em lẫn cho trẻ em thì creator phải thiết lập ở cấp video. Nếu chọn tùy chọn này thì creator sẽ cần phải đặt từng video hiện có cũng như sau này là dành cho trẻ em hay không.

Theo YouTube, quy định này cũng áp dụng cho "cả những người sáng tạo không tạo nội dung cho trẻ em cũng cần phải đặt đối tượng người xem". Nghĩa là tất cả những YouTuber có kênh trên YouTube đều phải thực hiện quy định mới này.

Từ tháng 1-2020, YouTube sẽ bắt đầu giới hạn dữ liệu mà họ thu thập từ nội dung dành cho trẻ em nhằm tuân thủ pháp luật.

Điều quan trọng nhất trong việc thực thi chính sách này là YouTube sẽ không phân phát quảng cáo được cá nhân hóa đối với nội dung dành cho trẻ em, theo yêu cầu của COPPA và/hoặc các luật hiện hành khác.

Việc không phân phát quảng cáo này chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng không hề nhỏ đến doanh thu của những nhà sáng tạo có đánh dấu nội dung của họ là dành cho trẻ em.

YouTube cũng cho biết họ có thể thay đổi lựa chọn cài đặt về đối tượng người xem nếu phát hiện các creator nhầm lẫn hoặc lạm dụng tùy chọn này. YouTube cũng nêu rõ biện pháp xử phạt các kênh vi phạm nếu không đặt đúng đối tượng người xem cho nội dung.

Siết chặt quản lý nội dung trên YouTube, có bảo vệ được trẻ em? - Ảnh 3.

Một số kênh YouTube được nhiều trẻ em theo dõi - Ảnh chụp màn hình

YouTuber ủng hộ dù khó kiếm tiền hơn

Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều creator thừa nhận chính sách mới của YouTube sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến doanh thu của các kênh, đặc biệt là các kênh có nội dung trẻ em.

Quản lý một kênh YouTube có nội dung trẻ em (đề nghị không nêu tên) tiết lộ đang "đau đầu" với chính sách mới bởi doanh thu của kênh sẽ bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng.

"Kênh có thể bị tắt tính năng kiếm tiền, thậm chí bị xóa kênh nếu YouTube cho rằng nội dung không có giá trị. Đó là chưa kể chúng tôi cũng không được chạy quảng cáo để gia tăng lượng người đăng ký theo dõi kênh cũng như tăng lượt xem cho các video của mình. Từ đó ảnh hưởng rất lớn đến doanh thu" - người này chia sẻ.

Đại diện một kênh YouTube có nội dung trẻ em khác cũng cho biết: "Các kênh có nội dung trẻ em sẽ phải thực hiện các video chất lượng và có giá trị thì mới mong thu hút người xem vì họ không thể chạy quảng cáo này kia được nữa".

Mặc dù vậy, rất nhiều creator tỏ ra ủng hộ chính sách mới của YouTube bởi nó không chỉ giúp bảo vệ tốt cho trẻ em nói chung mà còn góp phần làm trong sạch môi trường YouTube, loại bỏ bớt các thành phần làm video kiểu câu view, không tốt cho trẻ em hoặc lợi dụng trẻ em...

Anh Nguyễn Lạc Huy - người quản lý Schannel - cho rằng: "Đây là một trong những bước đi mạnh nhất của YouTube từ trước đến nay. Tôi rất mong chính sách này có hiệu quả để loại bỏ các video tiêu cực".

Tuy nhiên, theo chuyên gia marketing Huỳnh Thanh Phi - giám đốc Công ty truyền thông Leo Brothers, việc YouTube gắn mác nội dung video có dành cho trẻ em hay không là điều rất đáng hoan nghênh, nhưng song song đó họ cũng phải quyết liệt với các video cố tình vi phạm.

"Thực tế, rất nhiều creator có khả năng lách luật rất khéo. Và chỉ cần một kẽ hở nhỏ trong khâu quản lý của YouTube cũng có thể khiến mạng xã hội này tràn ngập các video vi phạm quy định, qua đó gây tác động tiêu cực đến trẻ em.

Bên cạnh đó, một thực tế còn rất phổ biến hiện nay là nhiều bậc cha mẹ vẫn cho con mình xem YouTube qua tài khoản của cha mẹ - tức đối tượng xem là người lớn. Khi đó, trẻ em vẫn có thể được xem những video có gắn mác không dành cho trẻ em dễ dàng. Nếu video đó có nội dung tiêu cực thì chính sách gắn mác video để bảo vệ trẻ em của YouTube cũng vô nghĩa" - ông Phi nhận định.

Siết chặt quản lý nội dung trên YouTube, có bảo vệ được trẻ em? - Ảnh 4.

Một số kênh YouTube được nhiều trẻ em theo dõi - Ảnh chụp màn hình

Thế nào là video nhắm đến trẻ em?

Theo hướng dẫn của Ủy ban Thương mại liên bang về COPPA, một video được coi là nhắm đến trẻ em (mà chúng tôi gọi là "dành cho trẻ em") nếu video đó nhắm đến đối tượng chính là trẻ em (ví dụ: video dành cho trẻ mẫu giáo) hoặc video đó nhắm đến trẻ em nhưng trẻ em là đối tượng phụ (ví dụ: video hoạt hình chủ yếu nhắm đến trẻ vị thành niên nhưng đồng thời cũng nhắm đến trẻ nhỏ tuổi hơn).

YouTube chi 200 triệu USD dàn xếp nội dung sai phạm liên quan trẻ em? YouTube chi 200 triệu USD dàn xếp nội dung sai phạm liên quan trẻ em?

TTO - Google, công ty mẹ của YouTube, đã đồng ý trả đến 200 triệu USD để dàn xếp vụ điều tra của Ủy ban thương mại liên bang Mỹ (FTC) về cáo buộc vi phạm quyền riêng tư trên mạng của trẻ em.

ĐỨC THIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên