Sau thảm họa đau lòng tại vụ cháy chung cư mini ở số 37 ngách 29/70 phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân (Hà Nội) khiến 56 người tử vong, nhiều câu hỏi được đặt ra về quản lý, cấp phép xây dựng chung cư mini, nhà nhiều căn hộ tại thủ đô.
Những câu hỏi này được đặt ra khi loại hình nhà ở này chưa có những quy định an toàn đi kèm.
Chưa có tên trong bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn nhà chung cư
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Vũ Ngọc Anh - vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường, Bộ Xây dựng - cho rằng tòa chung cư mini trên phố Khương Hạ bị hàn "chuồng cọp" kín.
Chung cư này có những căn hộ không trang bị thang dây nên khó tiếp cận thoát sang nhà hàng xóm khi có cháy. Khi xảy ra cháy, nhiều người phải liều mình nhảy sang mái tôn nhà hàng xóm để thoát thân.
Ông Anh cũng cho hay chung cư mini chưa có tên trong bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn nhà chung cư nhưng các công trình này có đầy đủ đặc điểm của một nhà chung cư, có cầu thang sử dụng chung, có hành lang chung, có phần sở hữu chung, phần sở hữu riêng. Vì vậy, chung cư mini phải được thiết kế an toàn cháy theo quy định của nhà chung cư.
Theo đó, với tòa chung cư vừa bị cháy tại phố Khương Hạ, theo nghị định 79, nghị định 36 hướng dẫn Luật Phòng cháy chữa cháy thì công trình này thuộc diện phải thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy.
Theo quy định, thang bộ của chung cư mini này phải được đặt trong buồng thang kín, khói và lửa không lan vào được để bảo đảm an toàn cho cư dân thoát hiểm khi có sự cố.
Để bảo đảm an toàn cháy nổ với nhà chung cư mini, trong trường hợp chủ đầu tư không thể lắp đặt thang bộ thoát hiểm thứ hai bên ngoài thì phải lắp đặt, xây dựng tường ngăn cháy cho thang bộ trong tòa nhà. Thang bộ thoát hiểm trong tòa nhà phải có lối thoát riêng để khi xảy ra sự cố, người dân có thể thoát ra an toàn.
Nhưng qua kiểm tra, chung cư mini vừa bị cháy ở phố Khương Hạ có nhiều yếu tố chưa bảo đảm an toàn phòng cháy chữa cháy. Ông Anh cũng thông tin theo báo cáo của TP Hà Nội thì trên địa bàn hiện có hơn 300 chung cư mini đang sử dụng, nhưng con số này có thể chưa đầy đủ.
Bên cạnh đó, ông Anh chỉ rõ giấy phép xây dựng cấp cho chủ đầu tư chung cư mini vừa bị cháy là giấy phép xây nhà riêng lẻ sáu tầng, một tum, mật độ xây dựng 70% nhưng chủ đầu tư đã xây chín tầng, một tum với mật độ xây dựng 100%. Việc để giếng trời tại tòa chung cư mini vừa bị cháy cũng rất nguy hiểm do khói độc xộc lên nhanh.
Siết chặt quản lý công trình chuyển đổi công năng
Sau vụ cháy chung cư mini tại Hà Nội, UBND TP.HCM cũng đã chỉ đạo khẩn trương, tổng kiểm tra các công trình, dự án chung cư, nhà trọ trên địa bàn.
Trong đó đáng chú ý với những chỉ đạo về việc thẩm định, cấp phép xây dựng công trình, nhất là các công trình hoán đổi công năng. Bởi có thể thấy TP.HCM rất phổ biến tình trạng "biến tấu" nhà ở riêng lẻ thành chung cư, khu trọ.
Đại diện Phòng cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PC07) Công an TP.HCM cho biết phòng trọ hoặc những căn nhà ở riêng lẻ mà chúng ta thường gọi là "chung cư mini" có những căn phòng với diện tích nhỏ, chật hẹp, nằm trong một tòa nhà, không đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy và quy định đầu tư xây dựng.
Tuy vậy, do điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều người không có đủ điều kiện để ở những nơi "khang trang" nên họ vẫn chọn nơi này để thuê trọ.
Bên cạnh đó, nhiều nhà trọ, chung cư mini nằm trong các hẻm sâu, hẹp, cách xa nguồn nước, không đảm bảo các điều kiện về an toàn phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ như: lối thoát nạn, bố trí, sắp xếp vật dụng, hàng hóa, hầm để xe... Người thuê trọ còn chủ quan, lơ là, bất cẩn trong việc sạc pin điện thoại, xe máy điện, xe đạp điện... xuyên đêm.
Để hạn chế tình trạng cháy nổ ở các dạng chung cư này, đại diện PC07 khuyến cáo ban quản lý, chủ nhà trọ phải thực hiện nghiêm các quy định về phòng cháy chữa cháy khi xây dựng: thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy (nếu thuộc diện).
Đối với hệ thống điện phải được lắp đặt, sử dụng an toàn và thường xuyên kiểm tra thay thế, khắc phục. Quy định chặt chẽ việc sạc điện đối với xe đạp, xe máy điện tại tầng hầm, khu vực để xe...
Đảm bảo có lối thoát an toàn và dễ dàng tiếp cận cho tất cả cư dân, người trọ. Không lắp đặt "chuồng cọp" bít lối thoát nạn. Bố trí các loa thông báo, chuông báo cháy... để thông báo cho tất cả cư dân trong trường hợp có sự cố.
Trong khi đó, một đơn vị quản lý địa bàn - đại diện Đội cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an quận 5 nhận định "không có nhà nào an toàn phòng cháy tuyệt đối 100%" nên tất cả đều phải đảm bảo một số quy định cơ bản về phòng cháy chữa cháy.
Phải quy hoạch lại loại hình nhà ở này
Trong khi đó, GS Đặng Hùng Võ - nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - cho rằng để bảo đảm an toàn cho các tòa chung cư mini thì việc quy hoạch cụ thể khu vực được xây dựng là rất cần thiết.
Hơn nữa, việc quản lý xây dựng chung cư mini phải bảo đảm tuân thủ đúng các quy chuẩn kỹ thuật. Từ vụ cháy chung cư mini trên phố Khương Hạ cho thấy chính quyền quận Thanh Xuân đã không tuân thủ quy định khi cấp phép tòa nhà này, không thể cấp phép xây dựng chung cư mini nằm sâu trong con ngõ nhỏ mà xe chữa cháy không vào được.
"Tòa chung cư mini vừa bị cháy vi phạm đủ thứ: xây vượt tầng, không có thang thoát hiểm nên trách nhiệm của chính quyền cấp quận, cấp phường trong cấp phép, quản lý bị buông lỏng, làm ngơ cho xây vượt phép, vượt tầng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới thiệt hại vụ cháy nặng nề hơn", ông Võ nói.
Cũng theo ông Võ, với loại hình chung cư mini, trong quá trình phát triển đô thị chưa hoàn chỉnh hiện nay có thể cho phép xây dựng nhưng dần dần cần loại bỏ trong quá trình phát triển đô thị để hướng tới một đô thị hiện đại.
Cùng với đó, để khắc phục tồn tại, vi phạm về phòng cháy chữa cháy tại hàng trăm chung cư mini ở Hà Nội hiện nay, TP cần kiểm tra, rà soát, chung cư mini nào thiếu thang thoát hiểm cần yêu cầu lắp đặt thang thoát hiểm thứ hai trước khi tiếp tục đưa vào sử dụng.
Tuy nhiên, có một thực tế cần thừa nhận là tình trạng khan hiếm nhà ở những năm qua đã dẫn tới việc đầu tư chung cư mini quá dễ dãi, ngay cả người mua cũng chấp nhận sự mất an toàn để vào ở nên hậu quả của các vụ cháy là không lường trước được.
Còn trung tướng Nguyễn Minh Đức, phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội, cho rằng một trong những giải pháp cần được tiếp tục tăng cường để hạn chế thiệt hại về người qua các vụ cháy là nâng cao kỹ năng cho chính mỗi người dân.
Ông nói nếu mỗi người dân được trang bị đầy đủ kỹ năng thì sẽ bình tĩnh, không hoảng loạn, xử lý các tình huống khi xảy ra cháy nổ.
Bên cạnh đó, cần phải mạnh tay, siết các quy định về an toàn phòng cháy đối với chung cư mini cũng như các tòa nhà lớn với quan điểm đảm bảo tính mạng cho người dân sinh sống.
Ai cũng phải phòng cháy
Theo trung tướng Nguyễn Minh Đức, các cơ quan chức năng đã tuyên truyền nhiều về phòng cháy chữa cháy nhưng vấn đề thực hiện vẫn là điều đáng bàn. Ông cũng đề nghị với các chung cư mini hay nhà đông người ở cần lập các tổ, đội an ninh trật tự để thường xuyên phối hợp, kiểm tra nhắc nhở việc thực hiện phòng cháy.
Các cơ quan chức năng của địa phương, công an địa phương cũng phải làm nghiêm theo quy định, thường xuyên kiểm tra công tác phòng cháy tại các tòa nhà, nhất là tòa nhà đông người ở...
TP.HCM có 42.200 nhà trọ, nhà ngăn phòng cho thuê
Tại họp báo kinh tế - xã hội chiều 14-9, thượng tá Lê Mạnh Hà - phó Phòng tham mưu, Công an TP.HCM - cho biết theo quy định chưa có khái niệm chung cư mini mà có thể hiểu là diện nhà trọ, nhà ngăn phòng cho thuê.
Hiện TP.HCM có khoảng 42.200 cơ sở nhà trọ, nhà ngăn phòng cho thuê, đa số đều được trang bị, lắp đặt hệ thống phòng cháy chữa cháy tuy nhiên vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ.
"Nguy hiểm nhất là nhà cho thuê cao tầng có hầm giữ xe nhưng không được thiết kế lắp đặt hệ thống phòng cháy chữa cháy và giải pháp an toàn khi có cháy xảy ra, dễ xảy ra các vụ cháy gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người", thượng tá Lê Mạnh Hà thông tin.
Thực hiện theo tinh thần của Thủ tướng, Bộ Công an, Chủ tịch UBND TP, Công an TP đã triển khai cấp bách các kế hoạch kiểm tra chuyên đề tổng kiểm tra, rà soát các mô hình nhà trọ tập trung đông người. Trên tinh thần kiên quyết nếu có sai phạm thì sẽ xử lý triệt để.
Cũng theo ông Hà, với những chung cư chưa nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy đã đưa vào sử dụng, lực lượng công an sẽ tiến hành xử phạt vi phạm hành chính, tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động với phần nhà hoặc toàn bộ nhà vi phạm.
Đồng thời, lực lượng công an sẽ phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện biện pháp cưỡng chế những chung cư vi phạm. Những chủ đầu tư cố tình kéo dài sẽ củng cố hồ sơ, khi có dấu hiệu của tội phạm sẽ chuyển cơ quan cảnh sát điều tra điều tra, xử lý.
Chi chít chung cư mini, chi chít hiểm họa
Ghi nhận của Tuổi Trẻ tại khu vực đường Dương Quảng Hàm (Cầu Giấy, Hà Nội) - nơi có nhiều sinh viên, người lao động thuê trọ, hàng loạt nhà ở nhiều căn hộ dạng chung cư mini được xây lên chi chít.
Cụ thể, tại ngõ 79 đường Dương Quảng Hàm, càng đi vào sâu trong ngõ, các căn nhà trọ, chung cư mini cho thuê ngày càng nhiều, dù lối đi vào ngõ rất nhỏ, chừng khoảng 1,5m.
Theo đó, các căn nhà cho thuê đều có đặc điểm là tầng 1 được trưng dụng cho thuê cửa hàng, mặt bằng buôn bán, kinh doanh; các tầng khác cho thuê trọ. Điều đáng nói, ở khu vực ban công các căn nhà trên đều được quây kín bởi khung sắt kiên cố, không có thang, lối thoát hiểm.
Tại một căn chung cư mini trong ngõ 105 Yên Hòa, theo ghi nhận, tòa nhà này cao sáu tầng, mỗi tầng có ba phòng cho thuê.
Dù số lượng phòng lớn nhưng toàn bộ căn nhà chỉ có ba bình chữa cháy mini được chủ nhà đặt ở lối lên cầu thang tầng 1 của căn hộ. Đáng chú ý, căn chung cư trên được kẹp hai bên bởi hai tòa nhà khác, không có lối thoát hiểm phụ.
Tại xung quanh khu vực xảy ra vụ cháy ở quận Thanh Xuân, hàng loạt chung cư mini cho thuê được xây dựng trong các ngõ nhỏ hẹp, xung quanh có nhiều nhà dân vây kín.
Tại con hẻm 29/62/23 nhỏ trên đường Khương Hạ (Thanh Xuân), theo ghi nhận, chung cư mini mọc lên như nấm. Nhiều căn chung cư mini cao tầng đan xen với chi chít phòng, không có cửa thoát hiểm.
Trong đó có những căn chung cư mini cao tận tám tầng dù nằm trong hẻm, ngõ nhỏ. Còn anh Nguyễn Như Huynh (Hải Dương) cho biết chung cư mini nơi anh đang ở không có lối thoát hiểm nên sau vụ cháy cảm giác "rất sợ hãi". Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế chưa cho phép nên vẫn phải ở đây.
Tại TP.HCM, không khó để tìm thuê một căn hộ mini. Khi đến xem một căn hộ như thế này trên đường Hoàng Hoa Thám (quận Bình Thạnh), thực chất đó là nhà ở riêng lẻ của một người phụ nữ, có ba tầng và được cải tạo lại mỗi tầng hai phòng chỉ khoảng 18m².
Cầu thang đi lên các tầng chỉ vừa đủ cho hai người luồn qua nhau. Không hệ thống báo cháy cũng chưa có bất kỳ thiết bị phòng cháy chữa cháy nào.
Chưa hết, tại TP.HCM cũng có nhiều dạng chung cư ban ngày thì an toàn nhưng về đêm lại có nguy cơ mất an toàn phòng cháy chữa cháy, thoát nạn khi vào buổi tối đều đóng cửa thoát hiểm để phòng trộm, các nhà để xe cũng sẽ khóa cửa sau 11h đêm.
Tự thay đổi khi thấy nguy hiểm
Được xây dựng trước năm 1975, thuộc cấp B, chung cư 450 Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3, TP.HCM) vẫn đảm bảo về chất lượng công trình cũng như hệ thống phòng cháy chữa cháy. Chung cư có chín tầng, mỗi tầng có khoảng 8-10 phòng, với diện tích mỗi phòng 28-35m².
Một số phòng đủ điều kiện đã được cấp sổ hồng. Được xây dựng san sát với các khu nhà xung quanh khiến chung cư chỉ có lối đi duy nhất là cầu thang bộ từ nhà xe lên.
Nhận thức được nguy hiểm nếu có sự cố cháy nổ từ nhà xe hoặc các tầng thấp, ban quản lý chung cư đã cho xây dựng các cầu thang thoát hiểm bên hông chung cư ở mỗi tầng nên hầu hết người dân sống tại đây đều an tâm khi được hỏi về việc quản lý, phòng ngừa sự cố cháy nổ.
"Chung cư có trang bị đầy đủ bình chữa cháy, hệ thống báo cháy, camera và kiểm định an toàn đều đặn nhưng tôi thấy quan trọng hơn hết vẫn là giải pháp thoát hiểm, phải thật sự thiết thực chứ không làm cho có.
Vì mỗi nhà đều sinh hoạt, nấu nướng, tai nạn hay cháy nổ đôi khi làm sao mình kiểm soát được" - bà T., một cư dân tại đây, chia sẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận