Phóng to |
Giao gas cho khách hàng tại quận Phú Nhuận, TP.HCM - Ảnh: T.T.D. |
Theo ông Đông, việc yêu cầu các cửa hàng kinh doanh gas thuộc hộ kinh doanh cá thể chỉ được ký hợp đồng với một tổng đại lý kinh doanh gas theo công văn 290 là cần thiết để minh bạch thị trường gas, từ nguồn cung đến tay người tiêu dùng. Khi xảy ra các sự cố hay gian lận về gas, việc quy trách nhiệm trở nên dễ dàng đối với cửa hàng cũng như thương hiệu gas. “Những cửa hàng của hộ kinh doanh cá thể hiện nay thực hiện theo hình thức thuế khoán, khá mập mờ về nguồn cung gas. Việc quy định các cửa hàng này chỉ được lấy hàng qua hệ thống tổng đại lý sẽ minh bạch được nguồn gốc lượng cung hàng hóa” - ông Đông nói. Cũng theo ông Đông, quy định này không đi ngược mà chỉ làm rõ quy định 107 về kinh doanh gas, bởi các cửa hàng của hộ kinh doanh cá thể không đáp ứng đủ điều kiện để có thể trực tiếp ký với ba thương nhân đầu mối theo quy định.
Cũng tại buổi làm việc, ông Trần Văn Nghị - chủ tịch Chi hội gas miền Nam - cho rằng việc xáo trộn là điều khó tránh khỏi nhưng là cần thiết để thay đổi và đưa hệ thống phân phối gas đi vào ổn định. Theo ông Nghị, TP.HCM hiện có khoảng 1.300 cửa hàng kinh doanh gas, trong đó có gần 1.000 cửa hàng hoạt động theo hình thức kinh doanh hộ cá thể. “Những hộ cá thể này hiện có quyền lấy hàng từ thương nhân đầu mối đến tổng đại lý, đại lý dẫn đến tình trạng khó kiểm soát nguồn gốc hàng hóa. Đặc biệt, hiện tượng các cửa hàng dễ dàng gian lận khi trộn gas giả, sang chiết lậu, thiếu trọng lượng” - ông Nghị nói. Tuy nhiên, ông Nghị cũng kiến nghị Sở Công thương giãn lộ trình thực hiện để các cửa hàng quy hoạch lại khách hàng cũng như lựa chọn tổng đại lý phù hợp với nhãn hiệu gas mà cửa hàng đang kinh doanh.
Ông Trần Minh Loan, phó chủ tịch Chi hội gas miền Nam, khẳng định thông tin các cửa hàng sẽ tăng giá gas do phải lấy hàng thông qua tổng đại lý thay vì lấy hàng trực tiếp từ công ty gas là “ngụy biện”. Theo ông Loan, giá gas bán lẻ đến tay người tiêu dùng do công ty gas niêm yết và được cơ quan chức năng giám sát. Do đó, nếu cửa hàng tự ý tăng giá là vi phạm. Ông Nguyễn Phương Đông cũng cam kết sẽ tổ chức kiểm tra, giám sát, không để tình trạng tăng giá gas xảy ra.
Cuối năm 2013, theo công văn 290 do Sở Công thương TP.HCM ban hành về việc chấn chỉnh hoạt động kinh doanh gas vừa được triển khai, theo đó các thương nhân kinh doanh gas đầu mối, tổng đại lý và đại lý kinh doanh gas phải rà soát lại hệ thống phân phối và đăng ký rõ hệ thống này. Ngoài ra, các cửa hàng kinh doanh gas thuộc hộ kinh doanh cá thể chỉ được ký hợp đồng với một tổng đại lý kinh doanh gas. Sau khi được công bố, công văn này đã vấp phải sự phản ứng của giới kinh doanh gas. Nhiều cửa hàng gas đã có đơn kiến nghị gửi UBND TP.HCM, Sở Công thương yêu cầu thu hồi văn bản với lý do văn bản trái luật và gây xáo trộn thị trường gas, có thể khiến giá gas tại các cửa hàng tăng cao. Phản ảnh với chúng tôi, ông Lê Văn Cương - chủ cửa hàng kinh doanh gas Quốc Phong (Q.Thủ Đức) - cho rằng về cơ bản, cửa hàng này vẫn được bán ba thương hiệu gas nhưng không được lựa chọn nữa mà phải theo những thương hiệu do tổng đại lý gas đang liên kết. “Chúng tôi không thể buộc khách hàng phải theo chúng tôi vì họ đã chọn thương hiệu mà họ yêu thích rồi. Như vậy, chúng tôi có nguy cơ mất khách hàng lâu năm” - ông Cương nói. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận