31/10/2013 07:46 GMT+7

Siết chặt đấu thầu thuốc chữa bệnh

VÕ VĂN THÀNH
VÕ VĂN THÀNH

TT - Ngày 30-10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật đấu thầu (sửa đổi).

Hai bộ đá quả bóng giá thuốc

Một trong những vấn đề mới của dự thảo Luật lần này là về mua thuốc của các cơ sở y tế và đã quy định thành mục riêng. Cụ thể, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, dự án luật quy định một số nội dung mang tính nguyên tắc về mua thuốc sử dụng vốn nhà nước, quỹ bảo hiểm y tế và các nguồn thu hợp pháp khác của các cơ sở y tế công lập. Bao gồm: lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc (ngoài các hình thức lựa chọn nhà thầu đã được quy định, dự án luật còn bổ sung quy định về hình thức đàm phán giá), mua thuốc tập trung, ưu đãi trong mua sắm thuốc và thanh toán chi phí mua thuốc cho các cơ sở y tế ngoài công lập.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Văn Tiên nói: “Với việc bổ sung quy định về đấu thầu thuốc, hi vọng từ đây không có bộ ngành nào còn đổ lỗi cho việc mua thuốc chữa bệnh mà người mua vẫn phải tuân theo các quy định như mua ximăng, sắt thép và cũng không mất cán bộ do sai sót đấu thầu thuốc như thời gian vừa qua ở một số tỉnh”. Tuy nhiên, ông Tiên bày tỏ lo ngại việc triển khai hai nguyên tắc mới được đưa vào luật là đàm phán giá, mua thuốc tập trung có “tương lai mịt mù” vì luật chưa quy định lộ trình, số lượng và chủng loại cần phải đấu thầu... Ông Tiên đề nghị quy định rõ giá thuốc mua từ ngân sách phải do Bộ Y tế chịu trách nhiệm. Cùng với đó là quy định rõ trách nhiệm của cơ quan bảo hiểm xã hội trong quá trình đấu thầu mua thuốc từ nguồn bảo hiểm y tế.

Ông Tiên nhận xét: “Trong dự thảo luật có quy định về hội đồng tư vấn quốc gia về quản lý thuốc, tuy nhiên nếu hội đồng do Bộ Y tế thành lập và Bộ Y tế là chủ tịch thì tôi nghĩ là không có hiệu quả. Vì trong kiểm soát giá thuốc thì chưa bao giờ Bộ Y tế kêu ca về giá thuốc, chưa bao giờ Bộ Y tế nói là giá thuốc cao quá mà Bộ Y tế và Bộ Tài chính luôn đá quả bóng cho nhau về cái này. Nếu mà hội đồng này do Bộ Tài chính hay Bảo hiểm xã hội làm chủ tịch thì mới có hiệu quả”.

Đừng để “trách nhiệm thuộc về tất cả”

Trước thực tế thi hành Luật đấu thầu những năm qua cho thấy hình thức chỉ định thầu được áp dụng phổ biến hơn so với các hình thức khác khi lựa chọn nhà thầu (số lượng gói thầu áp dụng hình thức chỉ định thầu chiếm khoảng 70% so với tổng số gói thầu), ông Nguyễn Văn Giàu cho biết dự thảo luật đã có những quy định cụ thể hơn nhằm thể hiện quản lý chặt chẽ chỉ định thầu, tránh chỉ định thầu tràn lan.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc) cho rằng trong đấu thầu còn quan tâm nhiều đến yếu tố giá, cho nên rất nhiều nhà thầu Trung Quốc trúng thầu với giá rẻ. Tình hình này không những không khuyến khích được các nhà thầu trong nước mà còn dẫn đến việc đưa công nghệ lạc hậu vào, cuối cùng giá thành sản phẩm rất cao không thể cạnh tranh trên thị trường.

Ông Bảo đề nghị cần có quy định làm rõ hơn nữa trách nhiệm trong đấu thầu, tránh trường hợp mua thiết bị cũ, hư hỏng từ nước ngoài về rất tốn kém ngân sách nhưng không dùng được và cũng rất khó quy trách nhiệm, nếu vụ án có liên quan không được phanh phui thì “trách nhiệm thuộc về tất cả”. Theo đại biểu Trần Xuân Vinh (Quảng Nam), nên bổ sung vào dự thảo luật quy định trường hợp có bằng chứng về việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để can thiệp thì phải hủy thầu.

Dự thảo Luật đấu thầu (sửa đổi) dự kiến được Quốc hội xem xét thông qua ngày 26-11.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

VÕ VĂN THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên