10/01/2021 07:22 GMT+7

Siết bán hàng quốc tế qua sàn thương mại điện tử?

NGỌC AN - NHƯ BÌNH
NGỌC AN - NHƯ BÌNH

TTO - Những sàn thương mại điện tử lớn ở VN hiện đều cho phép người tiêu dùng đặt mua hàng từ nước ngoài qua sàn.

Siết bán hàng quốc tế qua sàn thương mại điện tử? - Ảnh 1.

Nhiều sàn thương mại điện tử hiện đều cho đặt mua hàng từ nước ngoài với nhiều ưu đãi - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Với nhiều shop ngoại trên các sàn, khách Việt giờ ngồi nhà ngày càng dễ mua hàng quốc tế.

Dễ mua, giá rẻ...

Nhiều người cho biết trước đây, để mua hàng từ các sàn quốc tế họ phải đặt qua công ty trung gian. Tuy nhiên, với sự hiện diện của các sàn thương mại điện tử quốc tế ở VN, giờ người dùng dễ dàng mua sắm trên shop quốc tế với giá cả chênh lệch không nhiều so với trước, thậm chí còn rẻ hơn vì các ưu đãi của sàn khá nhiều.

Thùy Vân (23 tuổi, ngụ TP.HCM, thường mua hàng xuyên quốc gia) cho biết shop quốc tế trên sàn TMĐT VN chủ yếu từ Trung Quốc, giá rất rẻ, mẫu mã phong phú. Có điều mua hàng ở shop nước ngoài thời gian giao hàng lâu hơn, mất từ 4 ngày đến 1 tuần, hàng mua rồi khó được đổi trả và một số sàn không hỗ trợ giải quyết khiếu nại.

Ông Nguyễn Thành Tâm, chủ một doanh nghiệp hàng may mặc ở TP.HCM, cho biết cạnh tranh hàng ngoại - hàng nội hiện nay trong thế giới click chuột đang rất quyết liệt dù nhìn bề mặt không đáng gờm. 

"Nhiều khách hàng quen của tôi không còn đặt mẫu ở xưởng nữa, mà ngồi ở VN họ vẫn "đánh" hàng Trung Quốc thông qua các sàn TMĐT" - ông Tâm nói.

Ông Lê Thiết Bảo, chuyên gia thương mại điện tử, cho biết sau gần 10 năm phát triển, với sự tham gia của nhiều tay chơi quốc tế, thị trường thương mại điện tử VN giao hàng không còn khó khăn. thương mại điện tử, với bản chất là kinh doanh xuyên biên giới trên nền tảng công nghệ, giúp người bán hàng có thể tiếp cận người dùng bất kỳ đâu.

So với trước đây, các nhà bán hàng đã am hiểu về công nghệ bán hàng online hơn trước, những cửa hàng ở Quảng Đông (Trung Quốc) không còn phải đợi người từ VN sang lấy hàng, mà hiện nay có thể lên sàn ở Shopee hay Lazada để giao dịch mua bán cả sỉ lẫn lẻ từ quần áo thời trang đến đồ dùng gia đình, đồ dùng nhà bếp...

Lo cho sản xuất trong nước

Dù chiếm chưa tới 5% giá trị thị trường bán lẻ nhưng thươ ng mại điện tửluôn tăng trưởng hai con số. Cạnh tranh là bình thường, nhưng việc nhiều sàn lớn hoạt động ở VN có vốn từ Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản... đặt ra không ít cảnh báo hàng Việt có thể mất chỗ đứng trên kênh thương mại trực tuyến.

Lãnh đạo Cục thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công thương) khi trả lời Tuổi Trẻ cho rằng việc đầu tư vốn gây ra lo ngại về việc chiếm lĩnh thị trường thương mại điện tử. Nhiều cơ quan, tổ chức, chuyên gia đã cảnh báo thị trường thương mại điện tử VN đang được quản lý không tương đồng với thương mại bán lẻ, trong khi bản chất đều là hoạt động phân phối hàng hóa đến tay người tiêu dùng.

Bộ Công thương cũng nêu rõ gần đây nhận được ý kiến quan ngại về việc nhà đầu tư nước ngoài chi phối lĩnh vực thương mại điện tử có thể dẫn đến nhiều hệ lụy với hệ thống thương mại, sản xuất nội địa và an ninh kinh tế, thông tin quốc gia. 

Ví dụ, với việc nắm các cơ sở dữ liệu liên quan đến hàng trăm nghìn người bán và hàng triệu người mua, nhà đầu tư nước ngoài có thể khai thác một lượng lớn dữ liệu của người dân và kiểm soát được thông tin, tác động đáng kể đến sản xuất, tiêu dùng.

"Thương mại điện tử phải được quy định thống nhất như hoạt động phân phối hàng hóa khác, đơn cử như thương mại bán lẻ" - lãnh đạo Cục thương mại điện tử và kinh tế số nêu quan điểm.

Tăng điều kiện tiếp cận thị trường?

Theo lãnh đạo Cục thương mại điện tử và kinh tế số, trong dự thảo sửa đổi nghị định 52, Bộ Công thương đã bổ sung quy định về hoạt động thương mại điện tử có yếu tố nước ngoài và đang đưa ra lấy ý kiến. Trong đó sẽ kiểm soát hoạt động đầu tư nước ngoài, quản lý sàn xuyên biên giới để tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, bảo vệ người tiêu dùng Việt triệt để hơn.

Theo đó, cùng với việc dự thảo nghị định bổ sung các điều kiện tiếp cận thị trường với nhà đầu tư nước ngoài, yêu cầu tăng trách nhiệm của chủ sàn giao dịch thương mại điện tử. Cụ thể: yêu cầu định danh các đối tượng tham gia, hỗ trợ hoạt động thương mại điện tử, bao gồm cả chủ thể kinh doanh dịch vụ logistics, để từ đó có quy định bảo đảm các chủ sàn phải phân định trách nhiệm, nghĩa vụ của các đối tượng này khi tham gia quá trình giao dịch hàng hóa.

Mặt khác, dự thảo nghị định cũng bổ sung quy định chủ sở hữu website phải công bố điều kiện giao dịch chung liên quan đến chính sách kiểm hàng, bổ sung các quy định về minh bạch thông tin, hàng hóa trên website.

Lo vốn ngoại chi phối thương mại điện tử trong nước

Tờ trình về dự thảo sửa đổi nghị định 52 do Bộ Công thương soạn thảo cho rằng hoạt động thương mại điện tử có yếu tố nước ngoài là hoạt động đầu tư vào lĩnh vực phân phối, bán lẻ hàng hóa thông qua các sàn giao dịch thương mại điện tử nên dẫn đến sự kiểm soát mạnh mẽ chuỗi cung ứng từ sản xuất đến người tiêu dùng.

Hiện cả bốn sàn giao dịch thương mại điện tử lớn nhất (Shopee, Lazada, Tiki và Sendo) đều có sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài theo hình thức đầu tư gián tiếp, trong đó, cá biệt có các nhà đầu tư đến từ một quốc gia nắm tỉ trọng đáng kể tại ba sàn, dẫn đến rủi ro, chi phối kinh tế khó lường trước.

Với hình thức đầu tư gián tiếp, việc định danh, quản lý và giám sát doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực thương mại điện tử gặp nhiều khó khăn.

Trong tốp dẫn đầu của thị trường bán lẻ trực tuyến, có Tiki và Sendo do doanh nhân Việt sáng lập và điều hành. Tuy vậy, cùng với sự phát triển, các sàn này đều cần sự hỗ trợ tài chính từ các nhà đầu tư quốc tế.

Ông Tuấn Hà (chuyên gia truyền thông và thương hiệu):

Thích ứng "cuộc chiến" thế giới phẳng

Thực tế các sàn thương mại điện tử của nước ngoài đang chiếm ưu thế tại thị trường VN, trong khi chỉ một số ít sàn của VN phát triển mạnh. Shop bán hàng có vốn nước ngoài tại các sàn của VN cũng ngày càng nhiều. Đó là cuộc chiến của thế giới phẳng, chúng ta không thể cấm việc quản lý của nhà đầu tư ngoại. Mình khuyến khích doanh nghiệp Việt mở gian hàng để bán hàng trên Amazon thì cũng không thể hạn chế sự tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài trên sàn thương mại điện tử ở VN.

Bài toán đặt ra là chúng ta phải cạnh tranh, tăng khả năng bán hàng. Ví dụ nước ngoài họ bán sản phẩm mang tính toàn cầu nên không thể có ưu thế cạnh tranh với những đặc sản vùng miền, hàng hóa là đặc trưng của VN, nên chúng ta cần tận dụng lợi thế này.

N.AN

Nhà bán lẻ Việt nỗ lực gia nhập thị trường quốc tế Nhà bán lẻ Việt nỗ lực gia nhập thị trường quốc tế

Xuất thân là một đơn vị kinh tế tập thể trong lĩnh vực thương mại, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) vươn lên mạnh mẽ, không chỉ trở thành nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam mà còn là một trong những HTX uy tín trên thị trường quốc tế.

NGỌC AN - NHƯ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên