Tiết mục Bắc Kim Thang được chuyển ngữ tiếng Anh do các học sinh nhí của Hệ thống Anh ngữ Á Châu đã mở màn Shark Tank mùa 5 tập 11 - Ảnh: BTC
Gọi vốn vì muốn tìm được Shark hỗ trợ chuyển đổi số
Là một thương hiệu dạy tiếng Anh nổi tiếng địa bàn các quận vùng ven TP.HCM, Hệ thống Anh ngữ Á Châu xuất hiện trong vai trò start-up với hai đại diện là Nguyễn Đình Hải, nhà sáng lập và Trương Kiều Oanh - giám đốc, đồng sáng lập.
Hơn 15 năm thành lập với phương châm "Giáo dục từ tâm", Á Châu đã phát triển hơn 20 chi nhánh với số lượng học viên đang theo học là 12.000 học viên. Sứ mệnh của Á Châu là giúp đỡ cho trẻ em vùng ven, trẻ em có điều kiện kinh tế chưa tốt vẫn có cơ hội học tập trong môi trường chuyên nghiệp. Sau đại dịch, Á Châu vẫn duy trì và phát triển được 20 chi nhánh của mình.
Hiện Á Châu là một trong những trung tâm lớn được Hội đồng khảo thí Cambridge Anh Quốc cho phép tổ chức các kỳ thi lấy chứng chỉ quốc tế của Đại Học Cambridge ngay tại cơ sở của hệ thống.
Startup Nguyễn Đình Hải và Trương Kiều Oanh đến chương trình để kêu gọi 100.000 USD đổi lấy 1% cổ phần Hệ thống Anh ngữ Á Châu.
Shark Lê Hùng Anh bắt tay chốt đầu tư với founder Nguyễn Đình Hải và Trương Kiều Oanh - Ảnh: BTC
Bức tranh tài chính của Á Châu năm 2019 doanh số đạt 116 tỉ đồng, lợi nhuận 35 tỉ. Năm 2020 bắt đầu ảnh hưởng dịch, doanh thu đạt lần lượt 88 tỉ, lợi nhuận 13 tỉ. Riêng năm 2021, Á Châu buộc phải chuyển đổi từ mô hình dạy trực tiếp sang trực tuyến.
Còn 3 tháng gần nhất đạt hơn 35 tỉ, lợi nhuận trên 10 tỉ đồng. Nếu tình hình ổn định sẽ đạt mốc doanh số khoảng tầm 130 tỉ, lợi nhuận khoảng 35 tỉ/năm.
Shark Hùng Anh đặt câu hỏi rằng hiện đang lãi như vậy đi gọi vốn làm gì, start-up chia sẻ muốn gọi vốn để nhanh chóng phục hồi sau đại dịch, mở rộng thêm 6 chi nhánh vùng ven và các tỉnh. Nhưng mục đích chính nhất start-up cần các Shark đồng hành là giúp Á Châu chuyển đổi số.
Shark Erik muốn nghe thêm về phương pháp giảng dạy của Á Châu, Kiều Oanh cho biết Á Châu áp dụng phương pháp TPR (Phương pháp phản xạ toàn thân) để giảng dạy học viên. Họ có thể học tiếng Anh bằng mắt, tai, nghe và nói, phương pháp toàn diện đó hữu ích để học viên phát triển kỹ năng ngôn ngữ ngày một tốt hơn.
Shark Hưng nhanh chóng ra deal sẽ đầu tư cho Á Châu 1 triệu đô cho 10% cổ phần với điều kiện là giá trị doanh nghiệp sau khi kiểm toán phải là 150 tỉ đồng. Ông cũng khẳng định "đây là cái deal hiếm hoi mà tôi không mặc cả đấy nhé!".
Riêng Shark Hùng Anh đề nghị đầu tư 1 triệu đô để sở hữu 12% công ty, hoặc 1 triệu rưỡi đô để sở hữu 20%, còn Shark Bình đưa ra mức đề nghị 1 triệu đô cho 11% cổ phần.
Sau thời gian hội ý, start-up Nguyễn Đình Hải và Trương Kiều Oanh đã quyết định hợp tác với Shark Hùng Anh với lý do: "Shark Hùng Anh chuyên về công nghệ. Á Châu đang rất cần chuyển đổi số trong tương lai để phát triển hơn nữa".
Shark Hùng Anh cũng quyết định rút Golden Ticket (100 triệu đồng) gửi đến start-up.
Shark Hùng Anh, Shark Bình đầu tư và hỗ trợ cho dự án Remaps của start-up Lê Minh Đức - Ảnh: BTC
Mua bán nhà đất cũng cần... công nghệ
Start-up Lê Minh Đức giới thiệu về nền tảng proptech (công nghệ bất động sản) có tên là Remaps, cung cấp cho người dùng các tiện ích như tìm kiếm vị trí bất động sản theo giấy chủ quyền; xem quy hoạch; tham khảo giá; có cộng đồng người mua người bán, môi giới; có số liệu thống kê để phân tích và nhận định...
Remaps hiện có thông tin của 17,5 triệu thửa đất ở 21 tỉnh, thành trên cả nước. Người dùng có thể gõ theo từ khóa để tìm thửa đất, xem kích thước, quy hoạch, giá, dẫn đường, chia sẻ hoặc đăng bán, đăng tin cho thuê chỉ trong 30 giây.
Sau 2 năm hoạt động, Remaps đã có 1,2 triệu người dùng, 110 nghìn người dùng đăng ký. Remaps xếp hạng thứ 6 trong các nền tảng bất động sản Việt Nam theo Similar Web. Mỗi ngày, Remaps phục vụ từ 8 - 10 nghìn người.
Đến Shark Tank Việt Nam kêu gọi đầu tư 1 triệu USD cho 20% cổ phần, Minh Đức cho biết 60% vốn anh sử dụng để làm truyền thông, 40% còn lại anh sẽ dành cho cải thiện sản phẩm bao gồm cải thiện tốc độ, trải nghiệm người dùng và tăng dữ liệu.
Shark Hưng đặt câu hỏi chi tiết liên quan đến các tính năng của nền tảng như niêm yết (listing), khả năng cập nhật (up-to-date) thông tin quy hoạch, tính pháp lý của thông tin. Còn Shark Hùng Anh thắc mắc về dự tính thời gian đạt doanh thu đáng kể của Remaps.
Nhà sáng lập Remaps cho biết đang cập nhật bản đồ theo quy hoạch sử dụng đất. Khi có bản quy hoạch, chỉ sau 4 - 8 tiếng là có thể cập nhật trên hệ thống. Remaps lấy thông tin từ nguồn công khai.
Trên nền tảng của Remaps, người bán chỉ cần đúng thông số bất động sản là được đăng tin, không cần xác nhận là chính chủ hoặc được ủy quyền.
Start-up Minh Đức đang thuyết trình dự án cho các Shark - Ảnh: BTC
Về phần kiểm soát thông tin, Minh Đức cho biết: "Khi tạo ra cộng đồng đưa lên sẽ có khuyến cáo riêng. Người dùng tự vẽ được thì bên em sẽ kiểm soát được chuyện đó. Thời gian Remaps làm được trong vòng 24 tiếng".
Minh Đức cho biết doanh thu lớn nhất của Remaps sẽ là quảng cáo. Quan niệm phải tạo ra sản phẩm tốt trước nên Remaps đang tập trung xây dựng sản phẩm, chưa tập trung kiếm tiền.
Shark Hùng Anh nhận định sản phẩm của start-up tốt và ông đề nghị đầu tư tối thiểu 10 tỉ đồng cho tối đa 40% cổ phần.
Shark Liên, Shark Hưng, Shark Erik vì nhiều lý do cảm thấy chưa an tâm nên từ chối đầu tư. Riêng Shark Bình ngỏ ý rằng nếu Shark Hùng Anh mời, ông có thể tham gia hỗ trợ start-up.
Cuối cùng, start-up Minh Đức đồng ý nhận đầu tư của Shark Hùng Anh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận