03/09/2017 15:40 GMT+7

'Share' không cần nghĩ, doanh nghiệp điêu đứng vì tin giả

TRƯỜNG SƠN
TRƯỜNG SƠN

TTO – Dính tin đồn là ác mộng của mọi thương hiệu. Trong thời mạng xã hội và tin giả (fake news), nỗi lo này xảy đến thường xuyên hơn và cũng trầm trọng hơn.

Ngày trước, các nhà sản xuất thực phẩm đã từng không ngán gì hơn bỗng đâu có tin đồn sản phẩm của mình gây ung thư. Những tin đồn dạng đó thường lan truyền theo kiểu người này rỉ tai người kia, đôi khi thông qua truyền thông lá cải.

Đến thời mạng xã hội, tin tức chuyển đi như tên bắn. Rất nhiều người "thấy gì cũng share (chia sẻ)", góp phần làm tin giả lan xa mà không cần suy nghĩ. Vì thế, tin giả liên quan đến thương hiệu không còn râm ran trong một nhóm người dùng, mà ra cả thế giới.

Tin giả có tổ chức

Thương hiệu cà phê Starbucks (Mỹ) là một trong những nạn nhân mới nhất của tin giả. 

Đầu tháng 8, trên Twitter bỗng dưng lan truyền thông báo về chương trình "Ngày cho người mơ giấc mơ Mỹ" (Dreamer Day), loan tin người nhập cư không có giấy tờ ở Mỹ sẽ được giảm giá 40% cho mọi thức uống tại Starbucks. Mẩu quảng cáo còn kèm theo mã giảm giá dùng để nhận cà phê miễn phí.

Share không cần nghĩ, doanh nghiệp điêu đứng vì tin giả - Ảnh 1.

Thương hiệu cà phê Starbucks (Mỹ) là một trong những nạn nhân mới nhất của tin giả

Tin tức được gửi kèm tấm ảnh có đầy đủ logo và font chữ đặc trưng của Starbucks, kèm hình chụp những ly nước ngon lành của chuỗi cà phê nổi tiếng nước Mỹ. Ngoài ra còn có hashtag "#borderfreecoffee (cà phê không biên giới).

Tin đồn lan truyền trên Twitter buộc Starbucks phải vất vả trả lời từng thắc mắc của người dùng, khẳng định họ không hề có chương trình nào như vậy.

"Những hình ảnh và bài viết trên mạng xã hội quảng bá về chương trình khuyến mãi Dreamer Day là hàng giả 100%" – Hãng tin AP dẫn thông cáo từ Starbucks cho biết. Ngoài nội dung khó tin, các quảng cáo này cũng viết sai chính tả món frappuccino thành "frappacino", một dấu hiệu để người dùng tinh ý có thể phát hiện.

Sự phát triển của mạng xã hội cũng dẫn đến sự ra đời của một lực lượng đông đảo những người "share không cần nghĩ". Dù thông tin có khó tin, vô lý đến đâu, cứ thấy thì "share cho chắc".

Snopes, trang web chuyên lật tẩy tin đồn trên mạng, thường xuyên lập danh sách 50 tin vịt phổ biến nhất trên Internet, và chỉ trong tuần lễ thứ ba của tháng 8, đã có 12 tin giả liên quan đến các thương hiệu, theo trang Financial Times.

Một trong những tin tức giả mạo trong nhóm trên là câu chuyện "bé trai chết vì máy chơi game Xbox". Chuyện xảy ra từ tháng 7-2015, khi trang web Newswatch33 đăng mẩu tin cho rằng cậu bé tên Marcus Davenport đã chết vì máy Xbox bị lỗi, phóng thẳng đĩa game ra khỏi ổ và chém đứt cổ họng của cậu trai tuổi teen này.

Trang Newswatch33 hiện đã ngưng hoạt động vì câu chuyện kinh dị về máy Xbox sau đó được xác nhận là hoang đường.

Newswatch33 và một trang web khác là News10Live.com, là hai trong số rất nhiều trang được tạo ra để chuyên đăng tin đồn nhảm. 

Một số tin vịt khác do trang này đưa ra là chuyện một phụ nữ bị điện giật vì tai nghe không dây iPhone hay chuyện NASA xác nhận trái đất sẽ chìm vào "15 ngày không thấy mặt trời".

Vô lý cỡ nào cũng tin

Những tin đồn liên quan đến các nhãn hàng thường rất "trời ơi", nhưng điều đáng ngạc nhiên hơn là dù vô lý cỡ nào cũng có người bị dắt mũi. Những mẹo lừa quen thuộc như tặng quà/vé miễn phí cũng chưa bao giờ thôi thành công.

Hạ tuần tháng 8, trên Facebook lại lan truyền thông tin hãng hàng không quốc gia Úc Qantas Airways sẽ tăng hai vé bay hạng thương gia miễn phí nhân dịp 97 năm thành lập hãng. 

Tin đồn đăng kèm tấm ảnh chụp một cặp vé hạng thương gia với hành trình từ thành phố Sydney (Úc) đến Dallas (Mỹ).

Share không cần nghĩ, doanh nghiệp điêu đứng vì tin giả - Ảnh 2.

Bất chấp kẻ tung tin giả đã viết sai tên hãng hàng không là "Qantas Airline" (đúng ra là Qantas Airways), thông tin trên đã được 70.000 người bấm "like" và chia sẻ. 

Bức ảnh chụp cặp vé làm mồi nhử sau đó cũng được xác định là "chôm" từ một trang blog du lịch và tất nhiên là vé mua chứ chẳng có hãng "Qantas Airline" nào tặng cả.

Điều đáng nói là những kẻ lừa đảo đã bổn cũ soạn lại khi hồi năm 2015, hàng ngàn người dùng Facebook cũng nếm quả lừa khi chia sẻ nội dung từ trang Facebook giả, cũng có tên "Qantas Airline", để được nhận "một năm bay miễn phí với ghế hạng nhất". 

Vào thời điểm đó, cú lừa này được 157.000 lượt share và hơn 130.000 like chỉ trong một ngày, theo CNN.

Hồi tháng 1-2017, Coca-Cola cũng trở thành nạn nhân của tin vịt, khi tin đồn lan truyền trên mạng rằng hãng này phải thu hồi nước khoáng Dasani tại thị trường Mỹ vì có người phát hiện chúng bị nhiễm ký sinh.

Tin đồn cho rằng hàng trăm người ở Mỹ đã phải nhập viện vì uống phải Dasani bẩn với các con ký sinh trùng nhìn thấy rõ trong chai.

Hãng tin AP tường thuật

Theo tường thuật của Hãng tin AP, tin đồn cho rằng "hàng trăm người (ở Mỹ) đã phải nhập viện vì uống phải Dasani bẩn" với "các con ký sinh trùng nhìn thấy rõ trong chai".

Coca-Cola sau đó phát thông cáo chính thức, cho rằng "thông tin sai lệch và có tính phá hoại này bắt nguồn từ một trang web chuyên gieo tin đồn nhảm" và khẳng định "không có việc thu hồi nước Dasani tại Mỹ".

Tin đồn còn lôi cả Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) vào khi cho rằng cơ quan này đã buộc Coca-Cola phải đóng cửa một nhà máy sản xuất Dasani. 

Thậm chí, bọn lừa đảo còn bịa ra khuyến cáo của FDA rằng "người dùng, nếu chẳng đặng đừng phải uống Dasani, nên đun sôi nước để giết ký sinh trùng".

FDA sau đó bác bỏ toàn bộ các thông tin trên. AP cho biết tin đồn xuất hiện lần đầu vào ngày 10-1, nhưng đến tháng 4, vẫn câu chuyện đó lại được đưa lên mạng và vẫn câu được nhiều người cả tin khác.

Tin đồn nhằm vào nhãn hàng thường nhằm hạ uy tín đối thủ hoặc đơn giản là phá hoại.

Song vẫn có trường hợp, như câu chuyện của Starbucks, tin giả được tung với động cơ chính trị. Trang BuzzFeed cho rằng việc loan tin giả về chương trình Dreamer Day sẽ "gom" người nhập cư không có giấy tờ về một mối và kẻ tung tin chỉ việc gọi sở di trú đến xử lý. BuzzFeed cho rằng một nhóm người đứng đằng sau âm mưu này.

Họ thậm chí gọi nó là "chiến dịch #borderfreecoffee" và bàn bạc rất kỹ cách để mẩu quảng cáo dỏm lan càng xa và lừa được càng nhiều người càng tốt.


TRƯỜNG SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên