TTCT - Không có một khuôn mẫu chung nào khi nói đến chính sách của các quốc gia đối với sách giáo khoa. Tư tưởng sư phạm và hình thái kinh tế, trong tương quan với lịch sử và hoàn cảnh cụ thể của quốc gia, là kim chỉ nam cho các lựa chọn này chứ không có một sắp đặt lý tưởng hay công thức cứng nhắc nào. Vì mỗi học trò đều khác nhau, sẽ cần sự đa dạng và linh hoạt trong chính sách giáo dục nói chung và chính sách với SGK nói riêng. Ảnh: Ted Ideas Câu chuyện nóng về sách giáo khoa (SGK) đang trở lại với những tranh luận sôi nổi cũng là chuyện dễ hiểu, bởi SGK là công cụ quan trọng của hệ thống giáo dục. Nhìn từ góc độ kinh tế, sản xuất SGK là một ngành kinh doanh với rất nhiều đặc thù và giá cả của SGK luôn tác động đến túi tiền của hàng triệu cá nhân và gia đình. Nói cách khác, tác động xã hội của những quyển SGK là cực kỳ lớn, và vì thế được quan tâm cao độ ở khắp nơi trên thế giới. Thay đổi theo thời gian Thật ra, SGK là sách như thế nào? Dường như câu trả lời là khá rõ ràng: đó là quyển sách mà học sinh hay sinh viên được cung cấp hay phải mua để học một môn học nào đó, chứa nội dung chính và đủ các loại bài tập cũng như câu hỏi. Tuy nhiên, chuyện lại không đơn giản như vậy. SGK không giống với bất kỳ loại sách nào khác: SGK không phải là sản phẩm của sự sáng tạo và trí tưởng tượng của các tác giả. Chúng được các tác giả, các nhóm tác giả, hay các công ty sách viết ra theo yêu cầu của chương trình học tập đã chuẩn hóa của một hệ thống trường học nào đó. Có nghĩa là đầu tiên chương trình học tập được xác định, sau đó các yêu cầu đối với SGK được xây dựng, và rồi các yêu cầu đó được chuyển cho cơ quan chuyên trách của nhà nước hay một công ty xuất bản SGK tư nhân, để họ dựa vào đó mà biên soạn. Nếu quay ngược lại với lịch sử thì chuyện vốn xảy ra theo chiều ngược lại: một quyển sách nào đó được chọn để giảng dạy trong nhà trường thì quy định luôn chương trình học tập; nhưng đấy không phải là chuyện ở thời hiện đại. Gần đây, ranh giới giữa SGK và các tư liệu học tập khác ngày càng trở nên ít rõ ràng. Ở giai đoạn đầu của học tập phổ cập trong nhà trường, SGK là công cụ chính, và có khi là duy nhất để truyền tải nội dung học tập. Cùng với sự giàu có và sự phát triển của công nghệ, ngày nay rất nhiều tư liệu học tập khác đã xuất hiện trong lớp học, đến mức độ người ta cho rằng thật khó phân biệt được đâu là SGK, đâu là tư liệu bổ trợ, bởi chúng đều bám sát yêu cầu của chương trình học tập và đều góp phần tích cực vào việc truyền tải nội dung. Thậm chí, đâu đó người ta còn nghe nói đến những dự báo về cái chết của SGK truyền thống, khi được cho rằng SGK sẽ bị thay thế bởi các tư liệu học tập thông minh là sản phẩm của thời đại công nghệ. Hiện nay, các nhà trường thường không chỉ đơn thuần chọn một quyển hay một bộ SGK nào đó, mà họ chọn một bộ tư liệu học tập bao gồm các quyển sách căn bản, hướng dẫn dành cho giáo viên, tư liệu hình và tiếng, các biểu đồ, bản đồ, bài tập và vở bài tập cho học sinh, các bài trình chiếu và tư liệu khác để dùng trên máy tính như các phần mềm hay ứng dụng minh họa cho bài học. Các bộ tư liệu học tập đang thay thế dần các quyển SGK căn bản đơn lẻ. Tuy nhiên, ngay cả trong bối cảnh như vậy, quyển SGK căn bản vẫn đứng ở vị trí trung tâm, như đã từng ở vị trí đó trong suốt mấy thiên niên kỷ bất chấp mọi đổi thay. Thực tế cho thấy dù đã có các tư liệu học tập khác, đại đa số giáo viên vẫn xem SGK là tư liệu giảng dạy chính của họ. Còn các nghiên cứu đối với các nước đang phát triển thì tiết lộ rằng đầu tư quan trọng nhất mà họ nên làm để cải thiện việc học tập của trẻ em chính là cung cấp và đảm bảo chất lượng SGK. SGK và chính sách Do mức độ tác động xã hội to lớn nên SGK luôn là vấn đề đáng quan tâm hàng đầu của các nhà làm chính sách ở các quốc gia, và mối bận tâm của họ đi từ chuyện có cho phép tồn tại nhiều bộ SGK ở bậc học phổ thông, có cho phép tư nhân tham gia biên soạn SGK, cho đến có được sử dụng SGK nước ngoài hay không. Cho dù khác nhau trong biểu hiện, ở tất cả các quốc gia, nhà nước luôn có khuynh hướng can thiệp mạnh vào quá trình biên soạn và cung cấp SGK. Ngay cả ở các nền kinh tế tự do, các đại diện của chính quyền cũng tìm cách kiểm soát, điều chỉnh nội dung và quá trình cung ứng SGK. Chẳng hạn như ở Mỹ, các tiểu bang sử dụng một trong hai phương pháp để chọn SGK dùng trong nhà trường: có 30 tiểu bang cho phép các đại diện của chính quyền hay các trường ở địa phương chọn SGK mà họ dùng, 20 tiểu bang còn lại chọn SGK cho cả tiểu bang dùng chung. Trong lĩnh vực này dường như không có cái gọi là thị trường tự do hoàn toàn. Ở mỗi quốc gia, mức độ, động cơ và cách thức mà nhà nước can thiệp vào lĩnh vực này là khác nhau, thông qua sự tác động vào các đơn vị, các cơ quan biên soạn, ấn hành và phát hành SGK. Một điển hình khác, ở Nhật trước khi Thế chiến 2 kết thúc, nhà nước kiểm soát SGK. Sau đó Luật giáo dục (School Education Law) có hiệu lực từ năm 1947 đã đặt ra hệ thống phê duyệt SGK áp dụng cho đến hiện tại. Trong hệ thống này, các nhà xuất bản tư nhân biên soạn SGK và nộp cho Bộ Giáo dục để đánh giá và phê duyệt. Các SGK này phải thỏa mãn các yêu cầu của Khung chương trình học tập (Curriculum Guideline), là một bộ tiêu chuẩn nội dung học tập cho nhà trường ở Nhật. Ngoài các yêu cầu này, nhà xuất bản có thể tự do bổ sung các phương pháp và ý tưởng vào sách. Quá trình biên soạn và phê duyệt sách phải thông qua một số bước và tốn khá nhiều thời gian. Người ta cho rằng hầu hết các dự án SGK đều mất ít nhất ba năm kể từ khi ban biên soạn được thành lập cho đến khi sách được dùng trong lớp học; thông tin chính thức của Bộ Giáo dục Nhật cho biết quá trình làm SGK bao gồm các giai đoạn: biên soạn (compilation), thẩm định (examination), chọn (adoption), xuất bản và sử dụng (publishing & use) và cung cấp rộng rãi (free supply). Trong khi đó, chính quyền Hong Kong hay Singapore cũng công bố danh sách các SGK được phép sử dụng cho từng môn học để các nhà trường, phụ huynh và học sinh chọn sử dụng; đó là sách do các nhà xuất bản khác nhau biên soạn và được chính quyền đánh giá, phê duyệt. Như vậy, không có một khuôn mẫu chung nào khi nói đến chính sách của các quốc gia đối với SGK. Tư tưởng sư phạm và hình thái kinh tế, trong tương quan với lịch sử và hoàn cảnh cụ thể của quốc gia, là kim chỉ nam cho các lựa chọn này chứ không có một sắp đặt lý tưởng hay công thức cứng nhắc nào buộc phải tuân theo. Câu chuyện không bao giờ kết thúc Một báo cáo gần đây cho biết giá SGK ở Mỹ đã tăng 812% kể từ năm 1978, lập tức có nhiều ý kiến lên án rằng thị trường SGK và các nhà xuất bản đã bóc lột học sinh, sinh viên. Như thế có thể thấy SGK là câu chuyện nhạy cảm như thế nào, ngay cả ở một nền kinh tế lớn như Mỹ. Từ một quan sát khác, trong khi các tiếng nói xem nhẹ SGK - dự báo về cái chết của sách do bị thay thế bởi các tư liệu học tập mới - ngày càng đông đảo thì ở chiều người lại, người ta cũng nêu ra các con số đáng chú ý để nhắc nhở mọi người rằng SGK có tác động to lớn đối với giáo dục. Chẳng hạn tại Anh, 10% trẻ em 10 tuổi được dùng SGK, còn tại Hàn Quốc con số này là 99%; trong môn khoa học ở lứa trung học cơ sở, 8% học sinh ở Anh được dùng SGK so với 88% ở Hàn Quốc và 92% ở Đài Loan; và các nước châu Á này nằm trong nhóm tốt nhất thế giới theo kết quả đánh giá PISA mới nhất của OECD. Tất cả đều như muốn nhắc nhở chúng ta: hãy thận trọng! Nếu như muốn dự báo tương lai của một quốc gia, người ta thường nhìn vào nền giáo dục của quốc gia ấy, thì rất có thể muốn dự báo tương lai của một nền giáo dục, người ta rất nên, đúng hơn là cần phải, nhìn vào hệ thống SGK, hay chính xác hơn là nhìn vào cách các nhà làm giáo dục ứng xử với SGK, công cụ giáo dục hữu hiệu nhất suốt hàng nghìn năm qua và có lẽ sẽ vẫn tiếp tục hữu hiệu trong hàng nghìn năm nữa, cho dù hình thức sách có thể thay đổi. ■ Một chút lịch sử Rất nhiều tư liệu lịch sử cho biết ngay khi mà các hệ thống chữ viết và các nhà trường chính thức hiện diện, cho dù là nhà trường thế tục, tôn giáo hay phục vụ các mục đích khác thì SGK cũng ra đời, dưới dạng các bảng đất sét, các cuộn da, các xấp papyrus hay da dê, đến thời hiện đại chúng ta có SGK được xuất bản đại trà. Sự ra đời của SGK gắn liền với sự ra đời của trường học. Lịch sử ghi nhận là SGK đã được dùng từ thời cổ đại ở Hi Lạp, La Mã, Trung Quốc, Ấn Độ, Ai Cập và nhiều nơi khác. Trước khi máy in được phát minh vào giữa thế kỷ thứ 15, SGK được làm bằng tay, rất hiếm, và chỉ đến được với một nhóm người rất nhỏ thường có đặc quyền. Sau thời kỳ đó, khả năng in ấn sách với khối lượng lớn đã tạo ra nguồn cung lớn đối với sách phục vụ việc giảng dạy ở nhà trường. Việc sản xuất SGK đại trà có lẽ đầu tiên đã phát triển ở châu Âu cùng sự phát triển của kỹ thuật in; và rồi chúng theo bước chân người châu Âu thời đó lan ra khắp thế giới. Sau này, khi các quốc gia thuộc địa giành được độc lập thì họ mới tự mình biên soạn SGK để đưa văn hóa của họ vào sách giảng dạy trong nhà trường. Tags: Sách giáo khoaSửa sách giáo khoaLãng phí sách
Việt Nam và Bulgaria trao đổi sâu các biện pháp nâng tầm quan hệ DUY LINH 25/11/2024 Tại cuộc hội đàm ngày 25-11, Chủ tịch nước Lương Cường và Tổng thống Bulgaria Rumen Radev đã trao đổi sâu rộng về các định hướng, biện pháp để tăng cường hợp tác, nâng tầm quan hệ trong thời gian tới.
Phu nhân Chủ tịch nước và Phu nhân Tổng thống Bulgaria thăm Trường mầm non Việt - Bun DUY LINH 25/11/2024 Chiều 25-11, hai phu nhân đã đến thăm trường mầm non Việt - Bun, một món quà của Bulgaria cách đây hơn 40 năm.
Trung ương đồng ý cho ông Nguyễn Văn Thể, Bùi Văn Cường thôi chức, khai trừ Đảng 3 cựu bí thư THÀNH CHUNG 25/11/2024 Trung ương Đảng đã đồng ý cho ông Nguyễn Văn Thể, Bùi Văn Cường thôi chức, khai trừ Đảng 3 cựu bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, Phú Thọ.
Thủ tướng Campuchia bác thông tin thiếu vốn làm kênh đào Phù Nam Techo TRẦN PHƯƠNG 25/11/2024 Thủ tướng Hun Manet khẳng định không có bất cứ trở ngại nào về vốn trong việc triển khai dự án kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia.