27/01/2018 08:48 GMT+7

SGK mới nên thống nhất cách dùng từ

TRẦN VĂN TÁM (TP.HCM)
TRẦN VĂN TÁM (TP.HCM)

TTO - Sách giáo khoa (SGK) phát hành cho học sinh ở nhiều vùng miền khác nhau, nên nội dung cần thiết phải thống nhất từ dùng chung phổ biến nhất cho cả nước.

SGK mới nên thống nhất cách dùng từ - Ảnh 1.

Phụ huynh tìm mua sách giáo khoa tại nhà sách Nguyễn Văn Cừ, Q.5, TP. HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG

Cách đây ít lâu trên Tuổi Trẻ, bạn đọc phản ảnh trong bài tập Mở rộng vốn từ (lớp 5) có thành ngữ "chôn rau cắt rốn". Bạn đọc thắc mắc "nhau" hay "rau", từ nào đúng? Tôi theo dõi có nhiều bạn đọc đồng ý nên dùng từ "nhau", còn từ "rau" là phương ngữ của người miền Bắc ưa dùng.

Nhân đây tôi xin ý kiến sách giáo khoa (SGK) hiện do NXB Giáo Dục phát hành cho học sinh cả nước. Học sinh sinh sống nhiều vùng miền khác nhau nên nội dung trong SGK cần thiết phải thống nhất từ dùng chung phổ biến nhất cho cả nước. 

Nếu sử dụng từ địa phương cần chú thích cho người dạy và người học biết rõ nghĩa. Tôi rất mong muốn có sự phản hồi một cách tích cực của các nhà ngôn ngữ học hay các chuyên gia về các từ dùng chuẩn trong cả nước và những từ phương ngữ để thuận tiện cho việc dạy - học.

Bản thân tôi nhiều năm phụ trách chuyên môn của trường tiểu học. Do đặc thù công việc tôi thường xuyên tiếp cận nghiên cứu chương trình và nội dung SGK (sách cải cách giáo dục năm 2000, đến giờ đã áp dụng được trên 17 năm). 

Tôi nhận thấy các tác giả biên soạn SGK cho bậc tiểu học, nhất là sách Tiếng Việt, thường dùng phương ngữ thông dụng giao tiếp ở miền Bắc. Mà SGK thì được giảng dạy trên toàn quốc, áp dụng cho học sinh mọi vùng miền nên giáo viên giảng dạy gặp các từ này ít nhiều gây khó khăn trong việc giải nghĩa từ.

Ví dụ một số từ trong sách Tiếng Việt 1 (NXB Giáo Dục, số xuất bản: 1302/1-01. In xong và nộp lưu chiểu tháng 5-2002) có các từ "trỉa đỗ", "hai con trâu húc nhau", "xâu kim"... là từ được dùng nhiều ở miền Bắc. 

Giáo viên dạy phải chuyển dùng phương ngữ miền Nam có nghĩa gần giống từ đó như: trỉa đổ = trỉa đậu hay gieo đậu; trâu húc nhau = trâu dùng sừng chém với nhau, xâu kim = xỏ chỉ vào lỗ ở đuôi cây kim... để diễn đạt cho học sinh hiểu rõ nghĩa.

SGK dùng từ phương ngữ hay từ không rõ nghĩa khi dạy rất khó khăn cho giáo viên trong việc truyền thụ kiến thức, mở rộng vốn từ. Mong ý kiến nhỏ này được các nhà biên soạn SGK chú ý khi đưa ngữ liệu vào nội dung sách mới sắp tới.

TRẦN VĂN TÁM (TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên