29/08/2024 10:15 GMT+7

Sếp nhắn tin, email công việc bất kể giờ giấc, chịu đựng hay 'bùng nổ'?

Tan làm hoặc ngày cuối tuần sếp vẫn nhắn tin, gọi điện, email liên quan công việc khiến nhiều người mệt mỏi. Làm sao để ngắt kết nối sau giờ làm nhưng vẫn dung hòa giữa công việc và nghỉ ngơi?

Sếp nhắn tin, email công việc bất kể giờ giấc, chịu đựng hay 'bùng nổ'? - Ảnh 1.

Cần khéo léo ứng xử khi ngoài giờ làm vẫn bị gí việc - Ảnh minh họa: YẾN TRINH

Kể về việc nhận email hoặc tin nhắn liên quan công việc khi đã hết giờ làm việc, anh Trương Lộc (28 tuổi, làm việc tại Hà Nội) cho biết mình thường xuyên rơi vào tình cảnh này.

Cần công việc nên phải ráng

Anh Lộc kể: "Việc nhận email sau giờ làm có một phần khách quan vì tôi làm trong công ty đa quốc gia, có sự chênh lệch múi giờ giữa các văn phòng với nhau. Tôi cũng ý thức được việc này sẽ xảy ra".

Thực tế, điều làm anh Lộc thấy chưa thoải mái là việc đồng nghiệp không phân biệt được đâu là công việc cần giải quyết gấp ngoài giờ làm, đâu là công việc có thể chờ đến hôm sau vẫn có thể giải quyết tốt được.

Lộc cho rằng sếp và đồng nghiệp nên hạn chế nhắn tin, gọi điện giao việc ngoài giờ làm. Trừ những việc cực kỳ quan trọng, khẩn cấp.

Bản thân anh ưu tiên giải quyết các công việc nhóm vào giờ hành chính trước để hạn chế làm ảnh hưởng thời gian người khác. Các công việc độc lập thì có thể giải quyết ngoài giờ làm.

Theo Lộc, nếu đã nhận phân công thì việc hoàn thành công việc trước thời hạn là ưu tiên số một. "Nếu chưa hoàn thành ở trên công ty, về nhà bạn phải có nghĩa vụ hoàn thành deadline", anh nói.

Còn Quỳnh Hoa (27 tuổi, làm việc cho một tổ chức giáo dục tại quận 1, TP.HCM) cho biết các công ty không nên phân công công việc ngoài giờ làm, trừ trường hợp quá khẩn cấp, ảnh hưởng nghiêm trọng tới con người và tài sản, pháp luật… mới nên liên lạc ngoài giờ.

"Ai cũng cần thời gian riêng cho cá nhân và gia đình. Sếp có quyền nhắn cho nhân viên sau giờ làm, nhưng ngược lại thì lại không được, nên tôi thấy cũng không công bằng ở điểm này", cô nói.

Ngày trước làm ở công ty cũ ở vị trí phụ trách mạng xã hội, Hoa hay phải xử lý việc sau giờ làm. Cô tâm sự: "Tôi cảm thấy không vui vì gần như lúc nào cũng phải ôm máy tính, dù buổi tối hay ngày cuối tuần. Nhưng do cần công việc nên cứ cố gắng".

Có lần, Hoa vừa xong việc khá trễ, về tới nhà thấy rất nhiều tin nhắn từ sếp và đồng nghiệp phòng khác. Họ nói bài cô đăng trên trang Facebook công ty bị sai. Người đồng nghiệp đã giúp xóa bài vì không liên lạc được với cô. 

Và sếp có ý trách cô không theo sát công việc. Điều này làm cô thấy bản thân tệ hại dù đã phải làm việc rất nhiều.

Một lần khác, khi làm việc với sếp người nước ngoài, cuối tuần sếp vẫn nhắn tin hỏi công việc. Tinh thần của sếp là "ở nước ngoài làm việc quản lý theo hiệu quả công việc chứ không phải hết giờ là xong". Hoặc đang họp mà tới giờ nghỉ trưa, cô không được nghỉ mà phải họp luôn tới chiều, không bù giờ nghỉ.

Sếp nhắn tin, email công việc bất kể giờ giấc, chịu đựng hay 'bùng nổ'? - Ảnh 3.

Ngoài giờ làm, sếp có nên nhắn tin, email thêm về công việc không? Đây là chủ đề gây tranh cãi - Ảnh: YẾN TRINH

Quá rạch ròi giờ giấc: Nên hay không?

Tuy nhiên, nhiều người cũng gặp lấn cấn nếu mình quá rạch ròi, về tới nhà là ngắt kết nối với công việc, email, không trả lời tin nhắn.

Theo Lộc, đầu tiên nên xét tới tính chất công việc. Nếu làm trong ngành dịch vụ, sẽ rất khó quản lý công việc theo thời gian hành chính.

"Công việc cứ đến bất chợt từ khách hàng thì bạn phải giải quyết thôi. Nên việc dung hòa trong các công việc này sẽ khó hơn. Còn nói chung, lãnh đạo nên giao việc theo nhiệm vụ và thời gian hoàn thành để nhân viên có thể linh hoạt sắp xếp giữa công việc và nghỉ ngơi cân bằng", anh bày tỏ.

Quỳnh Hoa thì cho rằng mỗi người khi nhận việc nên trao đổi thẳng thắn về kỳ vọng của mình về giờ giấc làm việc.

Khi thử việc, đây là thời gian vàng tìm hiểu văn hóa công ty cũng như phong cách làm việc của sếp. 

"Nếu không phù hợp thì có thể không làm việc chứ không phải là cố nhận rồi tìm cách dung hòa. Vì thực tế mình vẫn đi làm thuê và được trả lương, nên phải thoải mái thì mới gắn bó lâu dài. 

Bên cạnh đó cũng cần có tư duy cởi mở và linh hoạt. Không phải lúc nào cũng cứng nhắc là "tôi không làm ngoài giờ". Có những việc liên quan trực tiếp đến mình và khẩn cấp, chúng ta nên có trách nhiệm xử lý", Hoa chia sẻ.

Thạc sĩ Lê Anh Tú, giám đốc điều hành một công ty truyền thông, cho biết thường ở các công ty làm việc với đối tác nước ngoài, lệch múi giờ, nhiều khi phải giữ liên hệ sau giờ làm.

Theo anh, chủ yếu nhân viên phải biết cách cân đối lại một số đầu việc, đừng làm việc quá giờ (overtime) nhiều quá. Một số công ty sẽ có quy định về overtime, nếu là công ty lớn sẽ có công đoàn để bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

Với các công ty quy mô nhỏ, nhân viên nên trao đổi với sếp về vấn đề này. Có thể khéo léo phân chia hai tư sáu trực thông tin liên quan công việc, ba năm bảy là đồng nghiệp khác, vì nếu dồn dập sẽ rất mệt mỏi.

Cũng theo anh Tú, môi trường lao động của chúng ta chưa đạt độ chuyên nghiệp như ở một số nước. Chưa kể từ góc độ tình hình kinh tế đang khó khăn, câu chuyện có một việc làm phù hợp và quý trọng công việc của mình là điều cần lưu ý.

Chuyện quá rạch ròi giờ giấc làm việc tuy không sai nhưng cũng gây ra những tình huống khó xử.

Bạn nghĩ thế nào về chuyện nhắn tin, gọi điện, gửi email liên quan đến công việc sau giờ làm? Cách nào để "ngắt kết nối" sau giờ làm mà vẫn dung hòa giữa công việc và nghỉ ngơi? Vui lòng để lại ý kiến của bạn ở BÌNH LUẬN dưới bài viết này, hoặc email [email protected].

Sếp nhắn tin, email công việc bất kể giờ giấc, chịu đựng hay 'bùng nổ'? - Ảnh 5.Nhiều quốc gia cho phép người lao động 'ngắt kết nối' sau giờ làm

Không chỉ Úc, nhiều quốc gia ở châu Âu cũng đã áp dụng điều luật cho phép nhân viên từ chối giải quyết các yêu cầu công việc sau giờ làm để bảo vệ quyền lợi người lao động.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên