Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg vừa có chuyến thăm Ukraine. Đây là lần đầu tiên ông tới Ukraine từ lúc Nga mở "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine.
Các nước NATO "nhất trí" tiếp nhận Ukraine?
Chuyến đi của ông Stoltenberg được đánh giá gây ngạc nhiên và nhạy cảm. Đây là lúc Ukraine liên tục thúc giục các nước NATO chấp nhận Ukraine là thành viên mới.
Tại Kiev, sếp NATO cam kết tiếp tục ủng hộ Ukraine về mặt quân sự. Đến nay, các đồng minh NATO đã huấn luyện hàng chục ngàn binh sĩ Ukraine. Họ cũng đã cung cấp vũ khí cho Ukraine với tổng giá trị lên tới 65 tỉ euro (71,31 tỉ USD).
Ông Stoltenberg mời Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tới dự thượng đỉnh NATO vào tháng 7 tới. "NATO sát cánh bên Ukraine hôm nay, ngày mai, và cho tới khi nào còn cần thiết", ông nói.
Hôm 21-4, ông Stoltenberg đi xa hơn khi khẳng định toàn bộ các thành viên NATO đều nhất trí rằng Ukraine sẽ là thành viên của tổ chức. Tuy nhiên, trọng tâm lúc này nên được đặt vào tình hình chiến sự.
Thực tế vào năm 2008, tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Bucharest (Romania), các nước đã nhất trí rằng Ukraine sẽ là thành viên trong tương lai.
Tuy nhiên theo Reuters, các lãnh đạo sau đó đã hạn chế bàn về điều này. Họ hiếm khi nói về các bước cụ thể để Ukraine gia nhập. Yêu cầu được xét duyệt nhanh của Ukraine cũng là điều ít được đề cập.
Phản ứng của Hungary về chuyện Ukraine gia nhập NATO
Hungary có lẽ là thành viên phản đối chuyện Ukraine gia nhập theo cách công khai và quyết liệt nhất.
Đáp lại một dòng trạng thái trên Twitter về nhận xét của ông Stoltenberg hôm 21-4, Thủ tướng Hungary Orban chỉ nói đúng một câu: "What?!".
Câu hỏi "cái gì đây?" của ông Orban được Politico nhận xét như gáo nước lạnh giội vào Ukraine. Nó phản ánh mối quan hệ căng thẳng giữa Budapest và Kiev. Trong nhiều năm liên tục, Hungary đã ngăn các phiên họp cấp cao của NATO và quan chức Ukraine.
Lý do của Hungary là lo ngại cho cộng đồng người nói tiếng Hungarry ở miền tây Ukraine. Báo chí phương Tây, những người vốn không ưa Hungary và ông Orban về vấn đề Ukraine, cho rằng đây chỉ là cái cớ.
Từ năm 2018, Hungary đã ngăn Ukraine đàm phán với NATO. Budapest phản đối việc Ukraine "vi phạm nhân quyền" đối với nhóm thiểu số.
Trong khi đó, một số chuyên gia chính sách đối ngoại gọi Hungary là "con ngựa thành Troy" của Nga trong NATO.
Họ đơn giản xem lập trường của Hungary là sự hỗ trợ cho kế hoạch của Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm ngăn Ukraine hội nhập vào phương Tây, đồng thời phá hoại sự đoàn kết của NATO trong các nỗ lực ủng hộ Ukraine.
Hungary dĩ nhiên không hài lòng với đánh giá này. Năm 2021, website của Đại sứ quán Hungary tại Washington (Mỹ) đăng một bài bình luận lý giải câu chuyện sâu hơn của báo Washington Times.
Theo đó, năm 2017, Ukraine thông qua luật giáo dục mới hạn chế quyền của dân tộc thiểu số trong việc được thừa hưởng giáo dục bằng tiếng mẹ đẻ.
Tác giả Balazs Tarnok, nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu quốc tế Kellogg (Hungary Foundation), cho rằng Hungary không phải quốc gia duy nhất lo ngại về thực tiễn "chống thiểu số" của Ukraine.
Ông nhận định mặc dù mục tiêu của luật mới là chống sức ảnh hưởng của yếu tố Nga ở miền đông Ukraine, nhưng việc này cũng tạo ra tác động lên các cộng đồng khác ở Ukraine như Bulgaria, Hy Lạp, Romania và Ba Lan.
Theo ông Tarnok, Hungary luôn ủng hộ sự độc lập của Ukraine, nhưng vấn đề gia nhập NATO lại là chuyện khác. Hungary là một thành viên NATO và cũng có quyền đòi hỏi Ukraine đáp ứng các tiêu chuẩn về nhân quyền, bởi NATO là một tập thể cùng chia sẻ giá trị.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận