Bà Meng Wanzhou - Ảnh: SCMP
Theo báo Wall Street Journal, bà Meng Wanzho, 46 tuổi, còn có tên khác là Sabrina Meng, không phải là một lãnh đạo cấp cao thông thường tại Huawei.
Nhà lãnh đạo Huawei tương lai?
Không chỉ là ái nữ yêu quý của nhà sáng lập tập đoàn này, thời gian gần đây, bà còn nổi lên như một người có khả năng sẽ kế nhiệm cha mình để điều hành Huawei.
Dĩ nhiên việc nhà chức trách Canada bắt giữ bà Meng theo yêu cầu của Mỹ là một "cú đánh" riêng nhắm vào cha bà, ông Ren Zhengfei, 74 tuổi, một cựu kỹ sư từng phục vụ trong quân đội Trung Quốc.
Từ hơn 3 thập kỷ trước ông Zhengfei đã sáng lập Huawei và gây dựng, phát triển nó trở thành một trong những đế chế doanh nghiệp tư nhân lớn nhất và có độ bao phủ toàn cầu lớn nhất của Trung Quốc.
Trong năm nay bà Meng đã được bổ nhiệm vào giữ một trong những vị trí phó chủ tịch của Huawei. Cương vị này khiến bà trở thành một trong những người có quyền lực chỉ còn dưới cha bà trong cấp bậc phân quyền quản lý tại Huawei.
Việc thăng chức với bà Meng được nội bộ rộng rãi của Huawei nhìn nhận như động thái đặt bà vào vị trí một ngày nào đó sẽ trở thành lãnh đạo cao nhất điều hành một trong những công ty viễn thông lớn nhất thế giới.
Dù vậy, cho tới thời điểm này tại Huawei vẫn chưa có một quy hoạch rõ ràng về nhân sự kế nhiệm được vạch ra rõ ràng.
Trong suốt 25 năm thăng tiến trong sự nghiệp, bà Meng đã làm việc tại khá nhiều bộ phận khác nhau. Bà cũng là đại diện của Huawei trong tiếp xúc, quan hệ với cộng đồng tài chính.
Mặc dù Huawei là công ty tư nhân (công ty có cổ phần được nắm giữ bởi một số ít các cổ đông và các cổ đông này không bán cổ phiếu trên thị trường, nói cách khác Huawei không phải là công ty cổ phần đại chúng), nhưng Huawei vẫn thông báo các kết quả kinh doanh thường niên, mà bà Meng là người làm việc này, tới các nhà đầu tư.
Bà Meng cũng là người chủ trì các hội nghị tài chính thường niên của Huawei, còn gọi là sự kiện Huawei ICT Finance Forum, đã được tổ chức tại New York, Cancún và Milan. Góp mặt tại hội nghị này thường là các chủ ngân hàng đầu tư, các chuyên gia phân tích và các thành viên khác trong cộng đồng tài chính quốc tế.
Cựu chủ tịch quỹ dự trữ liên bang Mỹ, ông Alan Greenspan, cũng đã từng tham gia với tư cách diễn giả tại một hội nghị thường niên như vậy do Huawei tổ chức.
Một sự kiện quảng bá của Huawei - Ảnh: REUTERS
Người trầm tính
Trong nội bộ công ty Huawei, bà Meng được mọi người đánh giá là một người mạnh mẽ nhưng trầm tính. Trái ngược với những vị lãnh đạo khác thường xuyên xuất hiện trước công chúng của Huawei như một phó chủ tịch khác là ông Eric Xu, bà Meng thường không phải là người phát biểu tại các sự kiện lớn hàng năm như Huawei Connect của công ty.
Năm 2007 bà Meng giữ cương vị "thư ký hội đồng quản trị" cho một công ty cổ phần của Huawei lúc đó sở hữu công ty Skycom Tech có trụ sở tại Hong Kong. Công ty này có quan hệ làm ăn với Iran và các nhân viên của công ty này cũng nói họ làm việc cho công ty "Huawei-Skycom".
Bà Meng trở thành giám đốc tại Skycom Tech vào tháng 2-2008, tuy nhiên tới tháng 4 năm sau đó, bà đã từ chức. Tuy nhiên vị trí bà Meng từng nắm giữ này tại Skycom đang bị nhà chức trách Mỹ điều tra. Hiện chưa rõ nó liên quan như thế nào tới việc bà bị bắt giữ tại Canada ngày 1-12 vừa qua.
Bà Meng là một trong hai người con của ông Ren hiện đang nắm giữ vai trò quan trọng tại Huawei. Người kia là ông Ren Ping, lãnh đạo một công ty khác cũng thuộc sở hữu của Huawei là Smartcom.
Mạng xã hội Trung Quốc phản ứng gay gắt
Việc nữ giám đốc tài chính toàn cầu của Huawei bị bắt giữ tại Canada theo yêu cầu của Mỹ đã làm dấy lên dư luận phản ứng gay gắt trên truyền thông và mạng xã hội Trung Quốc.
Hãng tin Reuters dẫn lại phản ứng trên mạng xã hội Twiteer của biên tập viên tờ Thời báo Hoàn cầu Hu Xijin: "Tôi rất sốc. Mỹ không thể đánh bại Huawei trên thị trường. Đừng hành động kiểu đê hèn như vậy".
Trong khi đó, theo giáo sư Jia Wenshan của đại học Chapman tại California, vụ bắt giữ bà Meng là một phần trong chiến lược địa chính trị rộng rãi hơn của chính quyền ông Trump nhằm chống lại Trung Quốc. Cũng theo giáo sư Wenshan, động thái này "có nguy lớn làm chệch hướng các cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung".
Cũng có tài khoản trên mạng Weibo của Trung Quốc kêu gọi người dân nước này hãy tẩy chay các hàng hóa do hãng Apple của Mỹ sản xuất, chuyển sang mua hàng của Huawei để biểu thị sự ủng hộ với công ty này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận