Một số bạn trẻ có thói quen nói đùa về ngoại hình, tính cách của người khác. Dù đây là những lời nói vô tình nhưng người nghe lại "hữu ý", chuốc phiền muộn.
Khổ sở vì sếp hồn nhiên
"Hoàng béo đâu rồi. Xem giúp chị cái máy in, nó bị lỗi nữa rồi", "Hoàng béo đâu rồi. Gom đơn mọi người đặt trà sữa chiều đây này"… Đó là những câu sếp gọi Minh Hoàng (26 tuổi, TP.HCM) hằng ngày.
Hoàng nhớ lại khi mình mới vào công ty, sếp gọi tên đệm thêm từ "béo". Một số đồng nghiệp khác cười ầm lên khiến Hoàng bối rối.
Lý do là ở bộ phận công ty mà anh đang làm việc, có hai người cùng họ cùng tên Hoàng. Trong một buổi họp, sếp gọi Hoàng nhưng không biết là đang gọi ai.
Từ đó, chị sếp nảy ra sáng kiến dựa trên ngoại hình tròn tròn của anh chàng nhân viên mới vào. Sếp đệm thêm từ "béo" phía sau tên để phân biệt.
Ban đầu anh nghĩ sếp chỉ nói đùa vài lần rồi thôi. Nhưng ai cũng hưởng ứng theo sếp.
Vì miếng cơm manh áo, cũng ngại bị nói chuyện nhỏ mà làm quá, anh đành nhẫn nhịn chịu đựng chứ không phản ứng. Dù trong lòng anh thấy mặc cảm, tự ti.
"Thiếu gì cách để gọi phân biệt hai người cùng tên họ. Ngày xưa ở lớp mình có hai bạn cùng tên Nguyễn Thị Mỹ Châu. Khi gọi phát biểu, cô giáo gọi Châu A cho người có ngày sinh trước, Châu B cho người sinh sau", anh chàng đưa ra ví dụ.
Anh thắc mắc sao sếp không chọn cách gọi không làm người khác buồn?
Còn với cô nàng gen Z Mỹ Anh, hiện đang làm nhân viên văn phòng ở quận 1, cô thường xuyên bị đồng nghiệp nói đùa những câu khiến cô nghĩ ngợi.
Họ thường nói đùa "Bộ quê ở Bến Tre hả?", "Về quê nhớ mang dừa lên uống nha"… dù Mỹ Anh quê ở Long An.
Nguyên nhân của những lời nói đùa này là vì hàm răng của cô có phần hô so với bình thường. "Họ ẩn dụ như thế đã là tế nhị. Mấy năm THPT, mình luôn bị trêu chọc là có hàm răng nạo dừa", cô tâm sự.
Vì vậy, cô dự định vài năm nữa tiết kiệm đủ tiền sẽ đi niềng răng. Nếu thành công, cô vẫn lo lắng vì đã "chết danh".
Thể hiện sự quan tâm nhưng thiếu tế nhị
Ngay từ thời đi học, Linh Nguyễn (27 tuổi) đã cảm thấy tự ti. Lý do là cô có vẻ tròn trịa hơn so với bạn bè cùng trang lứa.
Những hôm phải mặc áo dài đến trường luôn làm cô ngại ngùng khi so sánh mình với các bạn nữ mình hạc xương mai khác.
Linh nhớ lại tiết học về bệnh phù chân voi. Một nhóm bạn liên tục nhìn hình trong sách giáo khoa, che miệng cười rồi nhìn về phía cô.
Từ đó, khi chọn trang phục, Linh luôn né các loại quần bó sát. Và cô rất hiếm khi mặc váy ngắn quá đầu gối.
Đi làm, những lời nói đùa về đôi chân to cũng đeo bám. Cô nhớ lại dịp đi tiệc cuối năm của công ty, cô chọn một chiếc váy xòe che đi khuyết điểm.
Mọi người hầu hết đều khen cô tự tin. Nhưng niềm vui không kéo dài được bao lâu.
Khi đang ăn, một đồng nghiệp ghé sát tai, rồi thì thầm: "Dạo này Linh béo lên nhỉ?".
"Nghe xong câu đó, mình không còn muốn ăn nữa", cô kể.
"Nói đùa mà làm quá"
"Nói đùa mà làm quá", "Thanh niên nghiêm túc", "Không biết hài hước là gì"… Một số bạn thường giải thích về những lời nói đùa của mình như vậy.
Như trường hợp của Minh Hoàng, chị sếp giải thích: "Chị muốn nhắc nhở em giảm cân nên mới gọi như thế. Em mà giảm cân là đẹp trai hơn đấy".
Sau khi nghe xong, Hoàng có cảm giác sát thương tăng gấp bội. Anh tự hỏi: "Chắc là bây giờ mình vừa béo, vừa không được đẹp nên sếp nói vậy".
Bên cạnh đó, những lời nói đùa tưởng chừng vô hại của người xung quanh có thể khiến người nghe cảm thấy tự ti. Đôi khi, họ chọn cách thu mình lại.
Như trường hợp Mỹ Anh, cô chia sẻ rất hiếm khi tham gia tụ tập với đồng nghiệp. Vì cô cứ sợ người khác nói đùa về hàm răng của mình.
Ngoài ra, trong giao tiếp hằng ngày, còn vô vàn những câu hỏi, lời nói đùa làm người nghe thấy buồn. Đó là "Sao dạo này gầy thế?", "Mặt sao mụn nhiều vậy?". Hoặc "Sao tóc ngắn thế?", "Sao da ngăm quá?"...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận