Đa cấp bày đủ trò để người tham gia lừa gạt tiền từ gia đình - Ảnh: N.M.
"Tôi tin tôi có tiền" - đó là niềm tin mà các công ty đa cấp biến tướng nhồi nhét vào đầu nạn nhân. Họ nói với những người tham gia rằng khi bạn muốn, bạn sẽ tìm cách để... có vốn.
Vậy cách đó là gì?
Thuê giang hồ đến hăm dọa cha mẹ
Với những người đã đi làm, những người tuyến trên (gia nhập công ty trước, chịu trách nhiệm hướng dẫn người vào sau và được ăn hoa hồng trên những sản phẩm người sau bán được) thậm chí bày vẽ những chiêu trò bất chấp hơn, kể cả động đến gia đình để giúp cho người tuyến dưới của mình có tiền để lên gói - lên cấp.
Anh L.M.T. (31 tuổi, ngụ Bà Rịa - Vũng Tàu) nhận một cuộc gọi tuyển dụng mời đến phỏng vấn xin việc quản lý kho tại một công ty, sau khi đăng tin tìm việc trên một website.
"Lúc đầu tôi không thấy gì bất thường. Họ dặn tôi ăn mặc lịch sự, chuẩn bị đủ hồ sơ rồi cho học việc 3 ngày đầu về công việc quản lý kho, nhưng sau đó tôi được gợi ý để chuyển sang bộ phận kinh doanh", anh T. kể.
Anh từng làm quản lý kho cho một công ty cơ khí nhiều năm liền, nhưng sau đó mất việc và đang nôn nóng có việc làm vì đã vài tháng ở nhà, để có tiền lo cho vợ con.
Nghe nói về công việc kinh doanh có thể "phất" lên nhanh chóng, anh T. không ngần ngại khi được "trao cho một cơ hội". "Mình có vốn, sẵn đang có tiền, mình mua hàng giá gốc rồi bán lại kiếm hoa hồng", T. nói về suy nghĩ của anh lúc đó.
"Vốn" của anh T. là hai tháng tiền trợ cấp thôi việc ở công ty cũ chừng gần 20 triệu đồng. Ban đầu anh T. đóng gói 79 (7.900.000 đồng) để mua gói sản phẩm đầu tiên sau khi trở thành nhân viên kinh doanh. "Ba ngày sau, họ thuyết phục tôi mua gói cha mẹ 16,2 triệu đồng. Sau đó là bảo tôi mua gói 460 triệu đồng để lên doanh nhân", anh T. kể.
Ngỏ lời đến nhà chơi cũng là cách để tuyến trên tìm hiểu hoàn cảnh gia đình nạn nhân. Cha mẹ anh T. cũng kinh doanh khá giả và có tài sản. Anh nói: "Tổng tuyến và tuyến trên muốn đến nhà chơi, tôi cho đến luôn, đãi họ hải sản 'ngập mặt'. Tôi nói đất đai gia đình không thiếu...".
"Sau chuyến đến nhà, họ hỏi tôi có biết chỗ gia đình để sổ hồng không, có thể cắm sổ để vay tiền ngân hàng, đóng gói mới để lên doanh nhân. Họ nói rằng lên doanh nhân có hoa hồng cao hơn và có động lực. Suốt ba tháng, ngày nào họ cũng nhắn tin để bày vẽ cách cho tôi lấy sổ hồng của gia đình", anh T kể.
Khi anh nói cha mẹ anh đều đã cầm cố sổ hồng ở ngân hàng không lấy được, thì họ bày anh thuê giang hồ đến nhà giả đòi nợ thuê.
Chúng cho cả số điện thoại của giang hồ, bảo tôi tránh mặt để họ đến nhà làm áp lực với cha mẹ tôi đòi khoản nợ 500 triệu đồng, trong đó 10% là để trích ra trả "phí" cho giang hồ, còn lại sẽ vừa vặn tiền lên gói doanh nhân.
Anh L.M.T
Thời gian đó, anh T. cũng đã nhận ra rằng anh đang tham gia một đường dây đa cấp, nên nhất quyết rút ra. "Lúc đó chúng chẳng vòng vo gì nữa. Họ bảo tôi bán hàng có hoa hồng cũng có lời nhưng phải tuyển nhiều người mới có tiền. Bán hàng chỉ chiếm 10% thôi, còn 90% là tuyển cấp dưới. Bán hàng không quan trọng".
Muốn có những thứ chưa từng có, phải làm những thứ chưa từng làm
Những người trẻ được "dẫn dắt" với ước mơ tiền tỉ, xe sang với mục tiêu 5 năm - Ảnh: V.THỦY
Đ. - một "cựu" đa cấp với thâm niên 5 năm - chia sẻ về những cách thức mà công ty đa cấp anh đã làm việc thường dẫn dụ nạn nhân.
"Trong các công ty đa cấp vẫn có nhiều người trung niên, đã đi làm. Họ có thể chỉ là người mua hàng, sau đó tương tác thường xuyên thì mời mọc làm kinh doanh.
Các tuyến đa cấp là một kiểu cộng đồng, hệ thống nhóm. Công ty đa cấp có câu: Làm việc theo hệ thống, hệ thống sẽ làm việc cho bạn. Trong một tuyến có thể có nhiều người, bạn chỉ cần đưa họ đến được công ty.
Nếu là người lớn thì đưa đến gặp những người lớn tuổi hơn hoặc cùng tầm tuổi, sẽ dễ thuyết phục hơn, sau đó kèm cặp, cho họ đến khóa học, chốt gói. Khi họ bán được 1-2 sản phẩm đầu tiên có động lực thì bắt đầu hướng họ qua tuyển dụng - tuyển cấp dưới", Đ. chia sẻ.
Đ. cho biết có rất nhiều chiêu tâm lý mà các nhóm đa cấp thường dùng để thuyết phục người tham gia: đánh vào tâm lý gia đình khiến họ mủi lòng, hoặc cảm thấy đây là con đường duy nhất. "Anh chị đã bằng này tuổi, đằng sau còn gia đình, con cái phải lo. 2-3 năm sau, anh chị lên sếp, lương tháng 100 triệu. Bây giờ anh chị mở cửa hàng kinh doanh ở ngoài cũng phải bỏ vốn 200-300 triệu, nhưng rất nhiều rủi ro mặt bằng, chi phí nhân viên..." là lời khuyên phổ biến để dụ những người đã có gia đình vào công ty.
"Muốn có những thứ chưa từng có thì phải làm những thứ chưa từng làm. Đó là điều tôi hay nói với họ. Chưa từng làm đó là vay tiền, báo mất xe, vay nặng lãi, thuê giang hồ giả đòi nợ...", Đ. nói.
Các công ty đa cấp biến tướng luôn có rất nhiều triết lý về thành công và nhồi sọ người trẻ để khiến họ luôn bị ám ảnh bởi sự thành công - Ảnh: V.Thủy
Chỉ cần gật đầu, quy trình đã có sẵn
Lừa đảo đã trở thành "đặc sản" ở các công ty đa cấp biến tướng. Sự bày vẽ thường rất tận tình và chi tiết, chỉ cần gật đầu là sẽ có quy trình bày sẵn: cầm đồ, cầm thẻ sinh viên thì có sẵn địa chỉ, làm giả biên lai thì có sẵn biên lai đóng dấu giả, làm hồ sơ du học thì đã có sẵn danh sách trường, mức học phí, gia đình đủ điều kiện chi tiền trường nào thì chọn trường đó với sẵn mẫu hồ sợ, vay nóng thì cho số điện thoại, thuê giang hồ cũng có sẵn số giang hồ…
Các tuyến trên còn bày cách để người mới "tạo lòng tin" với gia đình. Đây là lời kể của một nạn nhân đa cấp là sinh viên đã làm hồ sơ giả xin tiền mẹ đi du học: "Cứ 11 giờ trưa, họ nhắc tôi gọi điện về cho mẹ, hỏi han, tâm sự về việc đang tìm kiếm thông tin du học, mong ước trường nọ trường kia, hỏi ý kiến mẹ, nên lúc tôi nói với mẹ đã đậu trường nọ trường kia, mẹ tôi rất tin tưởng tôi".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận