Phóng to |
Những nữ ca sĩ thành danh của dòng nhạc bolero. Từ trái qua: Hương Lan, Phương Dung và Giao Linh - Ảnh: T.T.D. - Gia Tiến |
Rất nhiều bạn đọc đã đặt vấn đề như vậy khi đọc hai bài viết "Bolero lại sáng đèn" trên Tuổi Trẻ. Đừng nghĩ một cách mặc định không hay về nhạc sến, vì sến mà lại tồn tại trong lòng khán giả mấy chục năm còn hơn những bài gọi là sang mà... chết yểu.
TTO trích đăng một số ý kiến bạn đọc và mời bạn tiếp tục tranh luận về đề tài này.
Một bản nhạc sến có sức sống 30 năm, 50 năm, 60 năm... phải nói từ thế hệ này sang thế hệ khác, còn nhạc trẻ bây giờ có mấy bài sống được vài tháng, đa số chết non.
Theo tôi, cho dù người đời đã mặc định chữ sến là không hay, nhưng thực tế đã thấy dòng chảy của "nhạc sến" mạnh mẽ theo thời gian, len lỏi vào từng gia đình, ngõ xóm. Một khi sức sống của nó mãnh liệt như vậy thì hà cớ gì (cả cơ quan có trách nhiệm) không phát triển nó?
Cũng đừng nghĩ rằng ca từ của nhạc gọi là sến thì ủy mị, sướt mướt, không sang. Tôi cho đó là một suy nghĩ sai lầm. Hãy lắng nghe và hãy phân tích chúng ta sẽ thấy (không hẳn tất cả) sang lắm. Điều quan trọng là những giai điệu đó đã đi theo cuộc đời lớn lên của rất nhiều người, nhất là người miền Nam.
Đã qua rồi cái thời chúng ta mặc định cho rằng nhạc sến là bình dân theo kiểu rẻ tiền, cũng đã qua rồi cái thời chúng ta mặc định cho rằng nhạc vàng là ủy mị, là tiêu cực... Thực tế đã chứng minh điều đó, chúng ta phải nghĩ đúng để phát triển dòng nhạc đó.
Đã hơn 10 năm nay không ngày nào là tôi không thưởng thức bolero. Nó đã trở thành một phần sự sống của tôi... Tôi luôn ủng hộ hết mình cho bolero.
Cảm ơn bài viết đã cho tôi biết được nguồn gốc của từ sến. Như vậy loại nhạc người ta gọi là sến thật ra là sang mới đúng vì xuất phát từ tên của minh tinh màn bạc người Áo Maria Schell. Một siêu sao điện ảnh nổi tiếng thế giới như thế không sang là gì?
Mình cũng hiếm khi nghe bolero vì buồn thảm & sến như mọi người vẫn gọi, nhưng mình không bao giờ nghe nổi cái nhạc Việt trẻ của bây giờ. Phải nói là kinh khủng. Không hiểu nổi sao gọi đó là nhạc nữa.
Dòng nhạc đi cùng năm tháng
Có một thời nhiều người trong chúng ta dù âm thầm hay công khai lên tiếng bài trừ nhạc sến, nhạc vàng mà chưa hiểu hết về nó. Thời gian qua đi cùng năm tháng, tôi thấy dòng nhạc này, dù bị nhiều người bài trừ âm thầm hay công khai, vẫn chảy theo năm tháng trong lòng người yêu nhạc. Tôi dám chắc số người yêu dòng nhạc bolero ở Việt Nam còn đông hơn nhiều so với số thính giả thích nghe dòng nhạc gọi là sang.
Một khi có số đông khán giả, một khi không vi phạm thuần phong mỹ tục hay chính trị, tại sao không tạo thêm điều kiện để dòng nhạc đó đến được với công chúng nhiều hơn? Tôi đã thấy cơ quan quản lý văn hóa thời gian qua cấp phép nhiều cho các đĩa nhạc sến, các live show nhạc sến cũng nở rộ trong Nam ngoài Bắc. Đó âu cũng là chứng minh cho "sự sống" bền bỉ tất yếu của một dòng nhạc đi cùng năm tháng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận