Với Selly, người bán chỉ cần ngồi nhà đăng bán và chờ khách chốt đơn, mọi việc còn lại sẽ do nền tảng đảm nhiệm. Sau hai năm khởi nghiệp, nền tảng thương mại điện tử này đã phát triển nhanh chóng với hàng chục ngàn cộng tác viên bán hàng khắp cả nước.
Bán hàng online - nghề kiếm sống chính
Quyết định nghỉ hẳn công việc văn phòng nhàm chán, Nguyễn Ngọc Đoàn (28 tuổi), ngụ quận 3, TP.HCM, chọn bán hàng online làm công việc toàn thời gian.
Dù mới tham gia Selly từ cuối năm 2021 nhưng chàng trai này đã nhanh chóng vươn lên vị trí những người bán hàng có doanh số cao. Với nền tảng này, mỗi tháng anh nhận thu nhập khoảng 10 triệu đồng.
Cùng với thu nhập từ các nền tảng bán hàng trực tuyến khác, tổng thu nhập của chàng trai này lên tới trên dưới 30 triệu đồng/tháng. Quan trọng hơn, công việc này rất thoải mái, chủ động về thời gian và không phải "nhìn mặt sếp làm việc" như những công việc trước đây.
Với Selly, Đoàn cho biết mức chiết khấu người bán nhận được tương đối cao nếu so với các sàn khác, có thể lên tới 20-25%/giá trị đơn hàng. Những sản phẩm anh bán thường là hàng gia dụng, hàng tiêu dùng như dầu gội, nước hoa, mỹ phẩm, giày dép…
Đoàn đánh giá đa số sản phẩm trên sàn được quản lý chất lượng tốt, số lượng mặt hàng lớn, nhiều sản phẩm khách mua lại nhiều lần và đánh giá cao.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trần Ngọc Dũng - giám đốc Công ty TNHH Seagull, TP Phan Thiết, nhà cung cấp thương hiệu Nước mắm Tĩn và Làng chài xưa - nhìn nhận chỉ sau 1 năm tham gia Selly, nền tảng này đã chiếm hơn 30% doanh số kênh bán hàng trực tuyến của công ty ông.
Ông Dũng cho rằng cái hay của Selly so với các sàn khác là thương hiệu và sản phẩm của doanh nghiệp được quảng bá rất tốt qua truyền miệng từ đội ngũ cộng tác viên bán hàng. Nhờ đó, doanh nghiệp giảm bớt công sức làm truyền thông thương hiệu.
Ngoài ra, được tương tác trực tiếp với người bán hàng, lắng nghe nhận xét về sản phẩm để có điều chỉnh nhanh chóng, phù hợp thị hiếu thị trường. Nền tảng còn có chương trình quảng bá cho người bán. Một số nhà bán hàng mạnh có thể nâng cấp lên nhà phân phối, đại lý lớn của khu vực.
Ông Dũng nhận định bán hàng trực tuyến đang trở thành xu hướng không thể thay đổi khi công nghệ lan tỏa vào mọi mặt đời sống. Do đó, các doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển buộc phải tập trung đầu tư vào kênh này. Hiện tại, tỉ lệ bán hàng trực tuyến của doanh nghiệp đã đạt 50% tổng doanh số.
Dù nền tảng có nhiều ưu thế, tuy nhiên nhà cung cấp và người bán hàng cho rằng cần tiếp tục cải tiến để hoàn thiện hơn. Trong đó, tập trung thu hút thêm nhiều nhà cung cấp hàng hóa chất lượng tham gia nền tảng. Tăng cường quảng bá, mở rộng độ nhận diện thương hiệu để thu hút thêm đội ngũ cộng tác viên bán hàng.
Selly là cầu nối doanh nghiệp và người bán hàng
Nói về Selly, anh Nguyễn Nam Hải, đồng sáng lập kiêm giám đốc vận hành nền tảng này, cho hay ý tưởng ban đầu là xây dựng nền tảng bán hàng cho các mẹ bỉm sữa kiếm thêm thu nhập trong thời gian chăm con.
Tuy nhiên, với tác động thúc đẩy từ COVID-19 và tiện ích nền tảng mang lại đã thu hút rất đông đảo cộng tác viên tham gia bán hàng. Đến nay, sau hai năm vận hành, nền tảng đã có gần 70.000 cộng tác viên bán hàng, trong đó có khoảng 20.000 người có thu nhập thường xuyên.
Ngoài chị em phụ nữ bỉm sữa, nền tảng còn thu hút những người bán hàng chuyên nghiệp, kể cả nam giới. Doanh số hàng hóa trong năm 2022 lên tới hơn 160 tỉ đồng, với hơn 1,7 triệu sản phẩm được bán ra.
Sàn cung cấp 17 ngành hàng, tập trung vào hàng thời trang, chăm sóc sắc đẹp, hàng tiêu dùng và gia dụng. Nền tảng này có tham vọng mở rộng quy mô ra gấp 2-3 lần so với hiện tại.
"Trong thời gian dịch bệnh, nhiều người phải ở nhà, mất việc làm và có ý nghĩ tham gia kiếm tiền tại nhà. Trùng hợp là nền tảng của mình tung ra đúng thời điểm đó và được đón nhận mạnh mẽ.
Người bán nghiệp dư có thể kiếm 2-3 triệu đồng/tháng, nhưng người bán chuyên nghiệp có thể kiếm 10-20 triệu đồng. Ngoài việc kiếm tiền, công việc bán hàng còn giúp mọi người giảm bớt căng thẳng trong cuộc sống" - anh Hải nói.
Theo anh, về bản chất Selly là nền tảng bán hàng trực tuyến nhưng có nhiều điểm khác biệt với những nền tảng khác.
Tại đây, người bán hàng sẽ được kết nối trực tiếp tới các nhà cung cấp, nhận giá gốc để phân phối tới người mua. Hoạt động giao hàng, thanh toán được nền tảng hỗ trợ nên người bán không phải trực tiếp đi bán hàng.
Anh cho biết định hướng phát triển của Selly là tăng chất lượng sản phẩm, tìm kiếm thêm nguồn hàng tốt với giá cạnh tranh. Đào tạo nâng cao năng lực bán hàng của đội ngũ cộng tác viên, từ đó nâng cao thu nhập cho người tham gia.
"Trước đây người kinh doanh nhỏ lẻ làm tất cả mọi thứ từ quảng cáo, bán hàng, ship hàng, chăm sóc khách hàng, giải quyết khiếu nại... Mô hình kinh doanh như vậy tương đối khó khăn và Selly là giải pháp giải quyết vấn đề đó.
Chúng tôi xây cầu nối giữa nhà cung cấp và cộng đồng bán hàng online. Nhà cung cấp cần bán được hàng, người bán hàng cần sản phẩm để bán, Selly đứng giữa làm trung gian kết nối hai nhóm đối tượng này.
Giúp nhà cung cấp mở rộng kênh bán hàng và giúp cho cộng tác viên có việc làm, tăng thêm thu nhập. Đây là mô hình hoàn toàn khác biệt so với các mô hình thương mại điện tử khác tại Việt Nam hiện nay" - anh Hải nói.
Theo anh, nền tảng này hướng vào nguồn khách của từng người bán hàng bằng tập bạn bè của mỗi người trên các nền tảng mạng xã hội, mà thông thường nhà cung cấp không tiếp cận được.
Bằng cách này, nhà cung cấp tiếp cận gián tiếp hàng triệu khách hàng thông qua đội ngũ hàng chục ngàn người bán hàng trên nền tảng.
5 quỹ đầu tư rót vốn 2,6 triệu USD vào Selly
Selly là một trong số các mô hình khởi nghiệp tiêu biểu tại TP Đà Nẵng được chính quyền tài trợ kinh phí trong giai đoạn khởi nghiệp. Đầu năm 2022 nền tảng này đã thu hút 2,6 triệu USD trong vòng gọi vốn Pre-Series A từ 5 quỹ đầu tư: CyberAgent Capital, Do Ventures, Genesia Ventures, JAFCO Asia và Kvision. Cũng trong năm này, mô hình khởi nghiệp này cũng được lọt vào top 4 startup xuất sắc nhất SK Startup Fellowship 2022 do SK Group (Hàn Quốc) tổ chức với khoản tài trợ 50.000 USD.
Gần 1.000 start-up tham gia Tuổi Trẻ Start-Up Award
Qua 4 mùa, Tuổi Trẻ Start-Up Award đã nhận được gần 1.000 start-up từ các kênh gởi về. Qua các vòng: sơ loại từ khâu nhận hồ sơ, vòng thẩm định và đi thực tế của phóng viên, vòng sơ kết của ban tổ chức, đã có hơn 200 start-up lọt vào vòng chung kết.
Ở 3 mùa giải trước, số lượng start-up xuất sắc đi đến vòng chung kết là 150. Trong đó, số lượng start-up tiêu biểu đã được vinh danh từ 3 mùa trước là 70, trong đó có 2 start-up được hội đồng thẩm định bình chọn thêm để trao giải đặc biệt, với giá trị 100 triệu đồng/giải.
Ngoài việc được trao hỗ trợ và được vinh danh trong gala, các start-up khi được đăng trên mặt báo cũng cho biết đã nhận được rất nhiều kết nối từ đối tác, khách hàng, đặc biệt là các nhà đầu tư...
Năm nay, sẽ có khoảng 25-30 câu chuyện khởi nghiệp nổi bật được chọn để giới thiệu trên báo Tuổi Trẻ (online hoặc báo giấy, truyền hình Tuổi Trẻ, fanpage…) từ tháng 3 đến tháng 5-2023. Ban tổ chức sẽ chọn một số start-up tiêu biểu để hỗ trợ một khoản kinh phí với sự đồng hành của các đơn vị, như: VinaCapital, FE Credit, No.1, Thái Bình Group, IDICo, Volvo, Tín Nghĩa Corp., Saigontourist Group, Sân Golf Thủ Đức..., trong đó tiếp tục có 1 suất hỗ trợ đặc biệt dành cho start-up được hội đồng thẩm định bình chọn, trị giá 100 triệu đồng, từ GIBC.
Các start-up, nhóm bạn trẻ có ý tưởng khởi nghiệp hay và có tính thực tế cao, ứng dụng công nghệ, tạo lợi thế cạnh tranh, vận dụng AI, có tính bền vững, đóng góp cho cộng đồng, có giải pháp xanh, hướng đến môi trường... hoặc bạn đọc có các câu chuyện thiết thực phía sau những chân dung khởi nghiệp, từ hôm nay có thể gửi bài viết tự giới thiệu, những câu hỏi liên quan về địa chỉ email: [email protected].
MINH HUỲNH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận