Việc tuyển Đột Kích (CrossFire) Việt Nam xuất sắc bảo vệ thành công chức vô địch bộ môn này tại SEA Games 32 làm cho chúng ta suy nghĩ nhiều hơn đến hoạt động thể thao điện tử - một mảng vốn trước đây chưa được đánh giá khách quan, toàn diện.
Ngày 9-5, tuyển eSport Đột Kích của Việt Nam đã chiến thắng thuyết phục với tỉ số 3-0 trước tuyển Indonesia, bảo vệ thành công huy chương vàng cho tuyển Việt Nam tại SEA Games 32.
Một lần nữa điều này khẳng định giá trị mảng thể thao điện tử bằng đóng góp đáng được ghi nhận vào thành tích chung của đoàn thể thao Việt Nam. Đây cũng là một sự kiện để chúng ta nghĩ đến những điều xung quanh đến bộ môn eSport.
Trên thế giới, ở nhiều quốc gia như Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc… eSport hay thể thao điện tử đã được công nhận và đầu tư một cách hết sức bài bản. Các quốc gia nói trên có những trường đại học, trung tâm và các khóa huấn luyện chuyên nghiệp về eSport một cách khoa học nhất.
Họ coi đó là một bộ môn thể thao về tư duy, khả năng phản xạ và phối hợp đồng đội lẫn kỹ năng cá nhân có tính cạnh tranh cao. Không những thế, thể thao điện tử ở Trung Quốc còn được xem như một cách để thúc đẩy và quảng bá văn hóa. Đặc biệt là ở các thành phố lớn như Thượng Hải, Bắc Kinh, Quảng Đông…
Thể thao điện tử cũng là nơi sản sinh nhiều ngôi sao tài năng, được nhiều người thần tượng như Faker (tên thật là Lee Sang Hyeok), một tuyển thủ eSport nổi tiếng đến từ Hàn Quốc với trò chơi Liên Minh Huyền Thoại.
Chơi game và chơi giỏi tuyệt đỉnh một trò chơi có tính cạnh tranh có thể mang đến danh vọng cho cá nhân và góp phần vào quảng bá hình ảnh đất nước của một quốc gia.
Dẫu biết hoạt động đầu tư cho thể thao điện tử eSport tại Việt Nam còn khiêm tốn và còn khá eo hẹp về phạm vi.
Nhưng việc những bộ môn eSport được góp mặt tại SEA Games bên cạnh CrossFire còn có PUBG Mobile, Valorant, Liên Minh Huyền Thoại: Tốc Chiến và Mobile Legends: Bang Bang đã là một thành công lớn về mặt nhìn nhận cũng như tổ chức để đánh giá khách quan hơn.
Có thể nói từ việc chơi game đến biến nó thành một hoạt động tạo ra giá trị cho cộng đồng, cho đất nước (như việc tham gia giải đấu thể thao khu vực và giành huy chương) là một chặng đường rất dài và đòi hỏi nhiều thứ.
Tuy nhiên, thành công vẫn luôn chia đều cơ hội cho tất cả những ai có khát khao và vượt lên khỏi một hoạt động giải trí đơn thuần là chơi để hướng đến xây dựng một công việc, một nghề nghiệp, thậm chí là sự nghiệp cho riêng mình thì thành quả nhận được sẽ đền đáp cho người đó.
Ước mơ là không giới hạn! Điều quan trọng là mỗi chúng ta cần nuôi dưỡng, theo đuổi và luôn tỉnh táo để bảo vệ ước mơ, dám đánh đổi và luôn nhiệt huyết để đi đến đích cuối cùng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận