Sự nỗ lực trong công tác tổ chức của nước chủ nhà đã mang đến cho các VĐV, HLV, truyền thông... ấn tượng sâu sắc về một Campuchia thân thiện, hiếu khách và rất hào sảng.
Thế nhưng, trong mọi cuộc thi đấu thể thao, VĐV chính là "linh hồn" và SEA Games cũng không ngoại lệ.
Không phân biệt VĐV đó đến từ quốc gia nào, chơi môn thể thao Olympic hay đó chỉ là môn mang đậm tính truyền thống mà nước chủ nhà đưa vào, tất cả đều đã nỗ lực đến cùng vì tình yêu thể thao, màu cờ sắc áo Tổ quốc và cả cuộc sống mưu sinh mà họ đang phải đối mặt. Thế nên, dù ngọn đuốc SEA Games 32 vụt tắt đêm nay, nhưng những câu chuyện xúc động, truyền cảm hứng thể hiện ý chí, nghị lực phi thường của các VĐV Đông Nam Á sẽ còn đọng mãi trong tâm trí người hâm mộ thể thao.
Đó là hình ảnh VĐV Bou Samnang (Campuchia) đã nỗ lực đến cùng để về đích khi tham dự cự ly chạy 5.000m môn điền kinh. Trong cơn mưa tầm tã trên SVĐ Morodok Techo, tất cả các VĐV tham dự đã về đích và chỉ còn Bou Samnang lầm lũi chạy.
Dù đã kiệt quệ, mưa như trút nước hất vào cơ thể nhỏ bé nhưng Samnang quyết không bỏ cuộc. Ở những mét cuối cùng, cô gái 20 tuổi ấy vừa chạy vừa khóc, còn trên khán đài hàng trăm cổ động viên, tình nguyện viên, VĐV, HLV của các đội tuyển điền kinh trong khu vực đứng dậy để cổ vũ Bou Samnang.
Chắp tay cảm ơn, nước mắt chan lẫn nước mưa sau khi cán đích, Bou Samnang cho biết: "Tôi đã nỗ lực hết sức để về đích, không bỏ cuộc. Tôi tự hào khi lần đầu tiên tham dự SEA Games và trong lần đầu tiên Campuchia là chủ nhà của đại hội".
Hình ảnh vừa chạy vừa khóc của Bou Samnang được đăng lần đầu tiên trên báo Tuổi Trẻ đã ngay lập tức gây sự chú ý của người hâm mộ thể thao. Truyền thông Việt Nam và Campuchia sau đó cũng vào cuộc, tạo hiệu ứng chưa từng có. Ý chí kiên cường, nỗ lực đến cùng để thực hiện mục tiêu của Bou Samnang đã truyền cảm hứng cho đông đảo các bạn trẻ và người yêu thể thao. Đích thân Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã bày tỏ sự xúc động trước tinh thần thể thao tuyệt vời của Bou Samnang và tặng 10.000 USD đến cô gái bé nhỏ.
Cũng trên đường chạy 800m nam, một VĐV Campuchia khác là Chhun Bunthorn đã gây chấn động với bước chạy thần tốc. Anh như "từ dưới đất chui lên", vượt qua ứng viên số 1 của Việt Nam là Lương Đức Phước để giành HCV.
Điều đáng nói, đây là tấm HCV đầu tiên trong lịch sử điền kinh Campuchia tại đấu trường SEA Games. Chàng trai Chhun Bunthorn đã khóc như một đứa trẻ sau khi cán đích. Không chỉ khóc vì sung sướng, Chhun khóc vì nghĩ đến cha mẹ mình. Cậu bé mồ côi cả cha và mẹ cho biết anh ước cha mẹ mình còn sống để chứng kiến khoảnh khắc anh làm rạng danh thể thao Campuchia.
Thể thao không chỉ là tình yêu, niềm tự hào dân tộc, đó còn là cuộc sống mưu sinh của biết bao VĐV. Mỗi tấm huy chương vì thế còn có thể thay đổi cuộc đời của VĐV, đưa họ thoát khỏi nghèo đói. Trường hợp hai VĐV karatedo Timor Leste là Pereira Queffi và Jacob Manuel là như vậy. Tấm HCĐ của hai VĐV karatedo Pereira Queffi và Jacob Manuel chứa đựng mồ hôi, nước mắt và sự hy sinh.
Để được dự SEA Games, Queffi cùng Manuel phải vượt qua hàng chục ứng viên ở quê nhà. Phần đông họ là những người làm nghề tự do, nghèo túng nhưng có niềm đam mê với thể thao và nỗ lực không ngừng với mong muốn có cuộc sống tốt hơn. Để sinh nhai, Queffi và Manuel ban ngày làm đủ nghề như nhân viên bán hàng, tài xế, thu gom phế liệu. Ban đêm, họ lại sống với đam mê và ước mơ trên sàn đấu võ. Hai chàng trai cho biết tiền thưởng huy chương SEA Games sẽ giúp họ có cơ hội thoát nghèo, cưới được vợ.
SEA Games không chỉ lấp lánh trên mỗi tấm huy chương, nó còn được tô điểm rực rỡ bởi con người đã tạo nên những kỳ tích.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận