Trong suy nghĩ của nhiều người Việt, golf không thực sự là một... môn thể thao.
Đội tuyển lặng lẽ nhất
Đầu tiên là bởi đặc tính quá tốn kém của môn golf, khiến số lượng người chơi không nhiều. Thêm vào đó, đã là thể thao ắt phải có thi đấu, có thành tích. Đằng này đội golf Việt Nam sau bao năm trời thành lập vẫn mãi trắng tay ở đấu trường quốc tế.
Vì vậy, khi đến SEA Games 32, golf có lẽ là đội tuyển lặng lẽ nhất trong đoàn thể thao Việt Nam. Các thành viên trong đội golf nam đa phần chỉ mới 15-16 tuổi và là đội golf có độ tuổi trung bình nhỏ nhất giải đấu. Chẳng một ai chú ý đến họ. Cho đến ngày 10-5, golfer 15 tuổi Lê Khánh Hưng bất ngờ hoàn tất chặng hành trình thi đấu đơn với thành tích toàn thắng, qua đó mang về chiếc huy chương vàng lịch sử cho đội nhà.
Không chỉ vậy, cũng ở nội dung đơn nam, golfer Nguyễn Anh Minh giành huy chương vàng. Và Anh Minh chỉ lớn hơn Lê Khánh Hưng 1 tuổi. Cùng trong đội còn có Đoàn Uy (16 tuổi) hay Nguyễn Đặng Minh (18 tuổi) là các golfer trẻ được đánh giá giỏi chẳng kém hai đồng đội kể trên.
Với đội hình trẻ trung, đầy tiềm năng như vậy, đội golf nam tiến sâu ở nội dung đồng đội. Họ vào đến chung kết để đối đầu Thái Lan - quốc gia có trình độ golf vào loại hàng đầu thế giới, để rồi chỉ thất bại một cách sít sao.
Từng có nhiều golfer nữ của Thái Lan leo lên ngôi đầu bảng xếp hạng thế giới. Làng golf nam Thái Lan tuy không mạnh đến vậy nhưng vẫn thừa hưởng nền tảng đào tạo hàng đầu. Ở một môn thể thao nhà nghề, đấu trường SEA Games chỉ được xem là dành cho dân nghiệp dư. Lẽ tất nhiên, những golfer mà Thái Lan mang đến SEA Games không phải những người giỏi nhất của họ.
Bắt đầu chinh phục đỉnh cao
Nhưng điều đó không làm giảm đi giá trị mà Khánh Hưng, rồi Anh Minh, Đoàn Uy, Đặng Minh làm được ở SEA Games 32. Làng golf Việt Nam cực kỳ non trẻ. Và đây cũng không phải môn thể thao có thể đầu tư theo diện nhà nước. Toàn bộ các golfer trong đội đều được cha mẹ đầu tư từ nhỏ. Và mới cách đây 2-3 năm, họ còn là những cậu bé tập tễnh bước vào việc đào tạo chuyên nghiệp.
Điển hình như Lê Khánh Hưng. Kỹ năng chơi golf của anh hoàn toàn do cha mình - ông Lê Văn Lân rèn giũa. Từng chơi golf nhiều năm, ông Lân được đánh giá là một tay golf "có số má" trong cộng đồng chơi golf ở Việt Nam.
Cha chơi giỏi thì con cũng không phải hạng vừa. Cách đây hai năm, ông Lân thấy cậu con trai mê golf quá mới quyết định gửi Hưng vào Học viện golf SGA ở TP.HCM. Tương tự, golfer Nguyễn Anh Minh cũng chỉ được đào tạo chuyên sâu từ khoảng ba năm trước.
Nhưng một khi đã đầu tư là không có điểm dừng. Tháng 8 này, ông Lân quyết định đưa Hưng sang Mỹ du học, gia nhập một học viện golf có tiếng tại đây. Cả hai cha con quyết định sẽ bước vào con đường golfer chuyên nghiệp vốn vẫn còn khá mù mờ tại Việt Nam. Theo tính toán của giới chuyên môn, con đường đến sự nghiệp đỉnh cao của các golfer tốn kém chi phí đào tạo khoảng 1-1,5 triệu USD.
Ba chiếc huy chương ở SEA Games 32 (1 huy chương vàng, 1 huy chương đồng cá nhân nam, 1 huy chương bạc đồng đội nam) sẽ là điểm bắt đầu cho hành trình chuyên nghiệp hóa của golf ở Việt Nam. Có lẽ, đến bây giờ dưới mắt mọi người, golf mới là môn thể thao thực thụ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận