Phóng to |
Xe tải Hyundai được sản xuất lắp ráp tại Nhà máy Thaco Chu Lai - Ảnh: L.N. |
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Bá Dương, tổng giám đốc Thaco, cho biết:
- Đến tháng 3-2012, Thaco đã chuyển toàn bộ 3,5 triệu USD, tương đương 135.306 cổ phần, chiếm 51% cổ phần của Soosung, sang Hàn Quốc. Hiện Thaco và Soosung đang triển khai các giai đoạn kế tiếp: khảo sát, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu các phương án đưa kỹ sư và công nhân Thaco sang làm việc và nghiên cứu tại Hàn Quốc...
Công ty TNHH công nghệ ôtô Soosung (gọi tắt là Soosung) được thành lập từ ngày 1-4-1998, chuyên sản xuất kinh doanh xe chuyên dụng (phát triển từ xe thông thường được thiết kế, lắp đặt thiết bị đặc biệt cho nhu cầu riêng biệt: xe tải tự nâng, xe tải chở rác, cứu hỏa, xe ép rác, xe bồn, xe cẩu...).
Soosung đã đăng ký 29 bằng sở hữu trí tuệ, kỹ thuật và chiếm 65% thị trường nội địa Hàn Quốc với loại xe cẩu, xe thùng nâng... trọng tải dưới 5 tấn, chiếm 90% các loại xe trên 5 tấn. Các sản phẩm của Soosung xuất khẩu đến các quốc gia Đông Nam Á, châu Phi, châu Âu và có các hợp đồng OEM cho Hyundai và Kia (sản xuất xe nguyên chiếc nhưng gắn thương hiệu cho các hãng Hyundai, Kia).
* Vì sao Trường Hải lại chọn mua một công ty sản xuất xe chuyên dụng?
"Mục tiêu lớn nhất của chúng tôi là sản xuất được xe chuyên dụng tại Việt Nam, với tiêu chuẩn chất lượng Hàn Quốc nhưng giá rẻ" Ông Trần Bá Dương |
Hàn Quốc giỏi thiết kế và có công nghệ nên khi đàm phán mua cổ phần của họ, chúng tôi yêu cầu ngoài việc sẽ đưa kỹ sư VN sang vừa làm việc, học tập kinh nghiệm tìm hiểu khả năng cung cấp nguồn nguyên vật liệu, kỹ thuật nhiệt luyện, kỹ thuật chế tác các chi tiết lâu nay chỉ sản xuất ở Hàn Quốc, Soosung phải chuyển cho Thaco thi công sản xuất các linh kiện, bản vẽ, nguyên vật liệu... Thaco sản xuất hoàn thiện, sau đó xuất khẩu ngược sang Hàn Quốc lắp ráp, bán ra thị trường nội địa và xuất khẩu.
Họ quyết định bán cổ phần cho chúng tôi vì tính hiệu quả trong kinh doanh, còn chúng tôi đặt ra mục tiêu học được công nghệ, nâng cấp khả năng của mình.
* Cụ thể sẽ có bao nhiêu bộ phận “Made in Vietnam” nằm trong tổng số linh kiện của các dòng xe chuyên dụng này và bao nhiêu kỹ sư sẽ được điều sang học tập kinh nghiệm làm việc, thưa ông?
- Theo biên bản ký kết giữa hai bên, trước mắt Nhà máy Thaco tại Chu Lai (Quảng Nam) sẽ sản xuất, xuất khẩu năm bộ phận cơ khí cho các xe chuyên dụng có tải trọng 1,5-5 tấn với tổng số 310 bộ linh kiện/năm. Lượng linh kiện ban đầu sẽ chiếm 15-30% chi tiết trong tổng số các chi tiết trong phần gia công chuyên dụng. Thaco cũng sẽ gửi 11 kỹ sư, chuyên viên kỹ thuật sang nhà máy Soosung làm việc (đã gửi sang năm người).
* Ông kỳ vọng gì vào cơ hội đầu tư này?
- Đây là cơ hội tham gia chuỗi giá trị cạnh tranh toàn cầu và có thể nhen nhóm cơ hội phát triển cho ngành công nghiệp ôtô VN trong tương lai. Bản thân thị trường xe chuyên dụng ở Hàn Quốc còn rất lớn, khả năng xuất khẩu sẽ gia tăng khi giá thành sản phẩm hạ do lợi thế sản xuất chi tiết giá rẻ từ VN.
Mục tiêu lớn nhất của chúng tôi là sản xuất được xe chuyên dụng tại VN, với tiêu chuẩn chất lượng Hàn Quốc nhưng giá rẻ. Ngoài việc tiêu thụ được trong nội địa VN, có thể xuất khẩu đi các nước ASEAN. Chúng tôi đang kỳ vọng cuối năm nay sẽ bắt đầu xuất khẩu những sản phẩm đầu tiên với thương hiệu Soosung, còn sản phẩm bán tại nội địa sẽ mang tên Thaco.
* Thực tế lâu nay nhiều người cho rằng công nghiệp ôtô của VN đã bị khai tử, cách làm của Thaco liệu có quá mạo hiểm?
- Phải xem công nghiệp ôtô là làm cái gì, nếu đòi làm một chiếc xe mang thương hiệu VN thì không thể nào làm được khi bên cạnh chúng ta là Thái Lan, Indonesia...có trình độ phát triển công nghiệp ôtô quá cao. Nhưng nếu tư duy: công nghiệp ôtô là có thể tham gia chuỗi giá trị toàn cầu ở một mắt xích sản xuất kinh doanh quan trọng nào đó của một tập đoàn hoặc một thương hiệu rồi tìm cách xâm nhập thị trường bằng thương hiệu này thì chắc chắn sẽ sống khỏe.
Tôi cho rằng rất khó để phát triển ôtô con vì công nghệ phát triển rất nhanh, các hãng xe không có chiến lược đúng đắn rất khó tồn tại. Nhiều hãng sản xuất lớn trên thế giới đã phải sáp nhập để có thể sử dụng chung nguồn lực nhằm giảm giá, tăng sản lượng lớn hơn để bù chi phí cho việc thay đổi mẫu mã, tăng cường công nghệ. Nhưng vẫn còn cơ hội nếu chấp nhận gia công một phần hoặc nhóm bộ phận cho thương hiệu nào đó và phục vụ thị trường ASEAN (VN đang có lợi thế thuế suất dành cho các nước thành viên giảm) thì không những ôtô con, xe buýt, xe tải, xe chuyên dụng sẽ có cơ hội.
Tôi chọn đối tác Hàn Quốc vì so với nhà đầu tư Nhật Bản đã có mặt lâu và phát triển mạnh ở Thái Lan, Indonesia... họ vẫn chưa có “căn cứ” ở ASEAN.
Đưa thương hiệu Việt vươn ra thế giới Cách đây hơn một năm, Công ty cổ phần Sữa VN (Vinamilk) đã quyết định mua 19,3% vốn cổ phần trong dự án 90 triệu đôla New Zealand của Nhà máy chế biến nguyên liệu sữa chất lượng cao Miraka (New Zealand). Theo bà Bùi Thị Hương - giám đốc đối ngoại Vinamilk, mục đích lớn nhất của thương vụ này là đưa hình ảnh và thương hiệu của ngành sữa VN vươn ra thị trường thế giới, đồng thời giúp đơn vị này chủ động được nguồn nguyên liệu. Bên cạnh đó, chọn đầu tư tại New Zealand, Vinamilk cũng “thu hoạch” thêm trình độ khoa học - công nghệ trong quá trình sản xuất, có được nguồn nguyên liệu theo tiêu chuẩn quốc tế, từ đó sản xuất các loại sữa thành phẩm phục vụ trong nước và xuất khẩu đi thế giới. Sau hai năm dự án hợp tác đi vào vận hành, “chúng tôi bắt đầu thu được lợi nhuận” - bà Hương nói. Hiện Nhà máy Miraka chuyên sản xuất sản phẩm bột sữa nguyên kem chất lượng cao với công suất 8 tấn/giờ, tương đương 32.000 tấn/năm, được thiết kế để có thể mở rộng trong tương lai, có khả năng chế biến 210 triệu lít sữa nguyên liệu/năm. T.V.N. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận