Sabeco đã chính thức niêm yết ngày 6-12 sau 8 năm chào bán cổ phiếu lần đầu - Ảnh: T.HƯƠNG |
Nhiều vấn đề nghiêm trọng trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn ở DNNN đã được chỉ ra tại hội nghị “Triển khai công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016 - 2020” ngày 6-12.
Cố tạo hình ảnh xấu để bán giá thấp
Khi Vinatex tiến hành IPO lần đầu, đã có không ít nghi ngờ đặt ra về khả năng bán vốn nhà nước.
Tuy nhiên, theo ông Trần Quang Nghị - chủ tịch Tập đoàn Dệt may VN (Vinatex), nếu không có sự chỉ đạo quyết liệt, quyết tâm thoái vốn thì sẽ rất khó để Vinatex tiến hành IPO thành công.
Bởi thực tế tại không ít DNNN, người đại diện vốn nhà nước vẫn có tâm lý muốn tiếp tục giữ vốn, làm chậm quá trình cổ phần hóa.
Nguyên nhân được ông Nghị chỉ ra, hiện áp lực của Nhà nước với các DNNN chỉ dừng lại ở việc bảo toàn và phát triển vốn nhà nước, chứ không đặt ra yêu cầu hay chỉ tiêu về cổ tức, tốc độ tăng trưởng.
Nên không ít lãnh đạo DNNN có tâm lý muốn làm “ông chủ” quản lý tiền nhà nước cho khỏe. “Họ thích xài vốn nhà nước như ông chủ thật” - ông Nghị nêu.
Không chỉ có tâm lý muốn giữ ghế, không đẩy nhanh tốc độ cổ phần hóa, ông Nghị còn cho biết có hiện tượng một số lãnh đạo DNNN “cố tình” làm cho hình ảnh của DN trở nên xấu đi, giấu bớt những lợi thế để bán giá thấp cho những nhóm lợi ích.
“Đây là vấn đề mà Chính phủ cần hết sức lưu ý. Nếu không có người giám sát và có trách nhiệm trong việc bán vốn, đặc biệt về mặt kỹ thuật thì dễ gây thất thoát nhà nước” - ông Nghị cảnh báo.
Báo cáo về tình hình sắp xếp, đổi mới DNNN giai đoạn 2011 - 2015, ông Lê Mạnh Hà, phó trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN, nêu lợi ích cục bộ và tư duy nhiệm kỳ trong quá trình cổ phần hóa.
Thực tế, một số cán bộ quản lý e ngại không còn vị trí lãnh đạo, quản lý đối với DN sau cổ phần hóa, thoái vốn nên vẫn tiếp tục chần chừ, hoặc đề nghị Nhà nước tiếp tục nắm giữ tỉ lệ chi phối khi cổ phần hóa.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN, đến hết tháng 10-2016, cả nước vẫn còn 718 DNNN.
Trong 10 tháng đầu năm chỉ sắp xếp được 60 DN. Vẫn còn một số DNNN hết năm 2015 chưa hoàn thành cổ phần hóa theo tiến độ đã đề ra, nhiều DNNN đã cổ phần hóa nhưng chưa niêm yết, đăng ký giao dịch theo quy định.
“Quá trình sắp xếp, tái cơ cấu DNNN diễn ra chậm. Mặc dù giảm mạnh về số lượng nhưng tỉ lệ vốn nhà nước được bán ra khi cổ phần hóa và sau khi thoái vốn còn thấp” - ông Hà đánh giá.
Trong khi đó, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của DNNN còn thấp so với nguồn lực đang nắm giữ, một số DNNN có tỉ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu cao và còn tình trạng thất thoát, lãng phí nguồn lực.
Đặc biệt, một số vụ việc tiêu cực, vi phạm pháp luật nghiêm trọng gây hậu quả kinh tế lớn, làm thất thoát vốn, tài sản nhà nước.
Xử lý trách nhiệm cá nhân
Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn chỉ ra vẫn còn tư tưởng các bộ ngành không muốn cổ phần hóa.
Trong khi đó, chi phí quản lý DNNN rất lớn nhưng hiệu quả lại rất kém, chỉ báo cáo thành tích. “Lợi ích cục bộ đang là rào cản lớn” - Thủ tướng nói.
Thủ tướng nêu vẫn còn tới 92% vốn nhà nước còn trong DNNN, số vốn được cổ phần hóa mới khoảng 8%. Do đó, Thủ tướng nhấn mạnh cần giao trách nhiệm cá nhân cho lãnh đạo bộ ngành địa phương để thực hiện đúng lộ trình.
“Bộ nào, chủ tịch tổng giám đốc, tập đoàn nào không làm hoặc làm chậm, làm thất thoát vốn nhà nước, không đúng lộ trình thì phải xử lý. Lộ trình đã tính kỹ rồi, nếu không làm thì phải xác định rõ trách nhiệm” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Tránh sân trước, sân sau Mục tiêu quan trọng trong cổ phần hóa là đảm bảo lợi ích cao nhất cho Nhà nước, bán đúng giá trị thị trường. Do đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cần mời tư vấn quốc tế có uy tín và trình độ để định giá. Hiện nay còn gần 100 tập đoàn, tổng công ty nhà nước với quy mô vốn hàng triệu tỉ đồng, nên trong quá trình thoái vốn, Thủ tướng yêu cầu cần tăng cường quản lý, tránh để tình trạng “sân trước, sân sau”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận