10/11/2024 08:48 GMT+7

Sẽ xử lý hình sự trường hợp giao xe cho người không đủ điều kiện

Đại biểu Quốc hội và đại diện cơ quan chức năng nói như vậy về tình trạng cha mẹ, người thân, chủ phương tiện giao xe cho người không đủ điều kiện sử dụng và gây tai nạn giao thông.

Sẽ xử lý hình sự trường hợp giao xe cho người không đủ điều kiện - Ảnh 1.

Học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, TP.HCM tham gia chương trình tuyên truyền an toàn giao thông - Ảnh: THANH HIỆP

* Đại biểu Quốc hội PHẠM VĂN HÒA (ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội):

Đánh vào "túi tiền" của cha mẹ

Hiện tượng đua xe trái phép vẫn tiếp diễn tại các đô thị lớn, bất chấp những nỗ lực kiểm soát của cơ quan chức năng. Vấn đề này không chỉ xuất phát từ ý thức kém của một số thanh niên mà còn từ thái độ thiếu trách nhiệm của phụ huynh, những người thường đổ lỗi cho con tự ý lấy xe.

Thực tế, nếu không có sự dung túng của người lớn, việc thanh thiếu niên có phương tiện để gây rối sẽ khó xảy ra.

Mặc dù đã có nhiều trường hợp phụ huynh bị xử phạt, việc áp dụng chế tài với người giám hộ vẫn gặp nhiều khó khăn. Do đó cần có biện pháp xử phạt mạnh hơn, như phạt tiền nặng hoặc tịch thu phương tiện.

Những hình thức xử phạt tác động trực tiếp đến "túi tiền" của phụ huynh sẽ giúp họ ý thức hơn trong việc quản lý con cái, tránh giao xe cho người chưa đủ điều kiện điều khiển.

Tuy cần đảm bảo tính nhân văn của pháp luật và bảo vệ quyền lợi của thanh thiếu niên, nhưng đối với những trường hợp cố tình vi phạm, manh động và coi thường tính mạng người khác, cần có biện pháp xử lý nghiêm minh.

Điều này không chỉ răn đe người vi phạm mà còn góp phần bảo đảm an toàn cho cộng đồng.

* Đại biểu Quốc hội TRẦN ANH TUẤN (TP.HCM):

Cần tịch thu xe, xem xét xử lý hình sự

Tình trạng thanh thiếu niên điều khiển xe máy với tốc độ cao, lạng lách đã và đang gây hoang mang cho người tham gia giao thông và tác động xấu đến trật tự xã hội. Mặc dù các cơ quan chức năng đã triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn, nhưng vấn đề này đòi hỏi cần có những giải pháp quyết liệt và nghiêm khắc hơn.

Không chỉ dừng lại ở việc tịch thu phương tiện, cần xem xét xử lý hình sự đối với những trường hợp gây thiệt hại về người và tài sản cho người tham gia giao thông khác.

Song song với các biện pháp xử lý, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục từ gia đình, nhà trường đến cộng đồng xã hội, nhằm nâng cao ý thức của các bậc phụ huynh trong việc quản lý, ngăn ngừa con em vi phạm Luật Giao thông.

* Đại tá PHẠM QUANG HUY (phó cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông - Bộ Công an):

Sẽ xử lý hình sự trường hợp giao xe cho người không đủ điều kiện

Một tháng trước, đơn vị đã triển khai kế hoạch cao điểm nhằm lập lại trật tự an toàn giao thông trong học sinh, đồng thời tăng cường xử lý các hành vi đua xe, lạng lách đánh võng gây rối trật tự công cộng.

Tuy nhiên qua đánh giá của các tổ công tác địa phương, nhiều phụ huynh vẫn chưa nghiêm túc trong việc quản lý, giáo dục con em, thậm chí còn giao xe khi biết con chưa đủ điều kiện điều khiển.

Trong thời gian tới, cảnh sát giao thông sẽ củng cố các biện pháp xử lý học sinh vi phạm và thông báo đến nhà trường để có hướng giải quyết phù hợp.

Ngoài xử lý người điều khiển xe, cơ quan chức năng sẽ quy trách nhiệm và xử phạt những trường hợp giao xe cho người không đủ điều kiện, vì đây được xem là hành vi gián tiếp gây nguy hiểm cho xã hội.

Cục Cảnh sát giao thông đang soạn thảo nghị định mới về xử lý vi phạm giao thông đường bộ, trong đó tăng mức phạt đối với hành vi cố ý vi phạm gây tai nạn, giao xe cho người không đủ điều kiện, và tịch thu phương tiện với trường hợp tái phạm.

Đặc biệt, sẽ xử lý hình sự các trường hợp giao xe cho người không đủ điều kiện dẫn đến tai nạn giao thông nghiêm trọng.

Huế: "Siết" xe học sinh từ cổng trường

Trung tá Nguyễn Duy Anh, đội trưởng Đội cảnh sát giao thông - trật tự Công an TP Huế, cho biết qua một tháng ra quân, đơn vị đã lập biên bản 202 trường hợp thanh thiếu niên, học sinh lái xe, tạm giữ 88 mô tô, 37 xe máy, 10 xe điện.

Bên cạnh đó, đơn vị cũng yêu cầu 21 bãi giữ xe trên địa bàn thành phố và 7 đơn vị, cơ quan có phương tiện đưa đón học sinh viết cam kết, cam đoan không để xảy ra tình trạng học sinh, thanh thiếu niên vi phạm giao thông.

Thầy Lê Triều Sơn, hiệu trưởng Trường THPT Hai Bà Trưng (TP Huế), cho biết nhà trường đã đưa việc kiểm soát xe cộ học sinh vào kế hoạt kiểm tra hằng ngày của đội ngũ giám thị, bảo vệ ngay từ cổng trường.

"Với trường hợp học sinh đi xe máy trên 50cc đến trường, chúng tôi gọi phụ huynh đến để làm việc. Còn với học sinh vi phạm an toàn giao thông và bị lực lượng chức năng xử lý, gửi thông tin về trường thì chúng tôi sẽ xử lý, hạ hạnh kiểm theo quy định", ông Sơn nói.

Cần Thơ: 10 ngày xử lý 200 trường hợp

Theo thống kê của Phòng cảnh sát giao thông Công an TP Cần Thơ, chỉ trong 10 ngày cao điểm kiểm tra tại các trường THCS và THPT trong tháng 10-2024, lực lượng chức năng đã xử lý hơn 200 trường hợp vi phạm. Đa số vi phạm là học sinh từ 14 - 16 tuổi điều khiển xe máy khi chưa đủ tuổi theo quy định.

Ngoài việc xử lý học sinh vi phạm, cảnh sát giao thông còn áp dụng các biện pháp xử phạt đối với người giao xe cho học sinh chưa đủ điều kiện. Đặc biệt, với các vụ tai nạn nghiêm trọng liên quan đến việc giao xe trái phép, cơ quan công an sẽ xem xét khởi tố hình sự để răn đe.

Tại Trường THPT Châu Văn Liêm, cô Trần Thị Lụa, hiệu trưởng nhà trường, cho biết đã yêu cầu phụ huynh và học sinh ký cam kết không vi phạm Luật Giao thông ngay từ đầu năm học.

Cam kết bao gồm việc không giao xe và không điều khiển phương tiện khi chưa đủ điều kiện. Học sinh vi phạm sẽ bị hạ điểm hạnh kiểm và thi đua cá nhân.

Đồng thời, Đoàn thanh niên và bảo vệ nhà trường thường xuyên kiểm tra bãi xe, không cho phép học sinh đậu xe máy trên 50cc trong khuôn viên trường.

Đồng Nai: Xử phạt hàng trăm phụ huynh

Sẽ xử lý hình sự trường hợp giao xe cho người không đủ điều kiện - Ảnh 2.

Đội cảnh sát giao thông - trật tự Công an thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) lập biên bản học sinh vi phạm giao thông - Ảnh: AN BÌNH

Trong tháng 10-2024, Đội cảnh sát giao thông - trật tự Công an TP Biên Hòa đã kiểm tra, phát hiện hơn 400 học sinh vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Trong đó, lực lượng chức năng đã lập biên bản vi phạm và xử phạt hàng trăm phụ huynh giao xe cho con điều khiển khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe.

Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Đồng Nai tăng cường tuyên truyền với phụ huynh phải nói "không" với việc giao xe cho con em mình khi chưa đủ điều kiện lái xe. Đồng thời, đưa tiêu chí tỉ lệ học sinh không lái xe máy khi chưa đủ điều kiện vào khung đánh giá kết quả thi đua đối với các trường.

Đà Nẵng: Khảo sát xe cộ của học sinh mỗi ngày

Theo Phòng cảnh sát giao thông Công an TP Đà Nẵng, tháng 10-2024 các đơn vị lập biên bản xử phạt hơn 800 trường hợp học sinh vi phạm giao thông; xử phạt 4 trường hợp người lái xe đưa đón học sinh vi phạm quy định về trật tự an toàn giao thông.

Cô Trần Thị Kim Vân, hiệu trưởng Trường THCS - THPT Nguyễn Khuyến, cho biết trường tổ chức tổng khảo sát toàn bộ phương tiện mà học sinh dùng di chuyển tới trường mỗi ngày, đối chiếu với thông tin của cả phụ huynh.

Các em đi học bằng phương tiện gì, nếu đủ tuổi và có bằng lái xe máy thì biển số xe bao nhiêu để có sự đồng nhất giữa phụ huynh và học sinh.

Việc này sẽ khiến phụ huynh có tâm lý chủ động nâng cao trách nhiệm của mình trong việc giao xe cho con. Nhờ cách làm này mà toàn bộ xe đưa vào trong trường đều được kiểm soát.

Sẽ xử lý hình sự trường hợp giao xe cho người không đủ điều kiện - Ảnh 3.Giao xe cho con chưa đủ điều kiện lái: Tội mình, hại người

Sau vụ nhóm "quái xế" tông chết cô gái ở Hà Nội, Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã tạm giữ 10 người liên quan, đồng thời ra quyết định khởi tố vụ án để điều tra.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên