Nhiều hộ dân ở ấp Bình Thạnh, xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ (TP.HCM) đã lắp đồng hồ nước nhưng luôn thiếu nước dùng - Ảnh: Hữu Khoa |
Ông Đoàn Văn Trinh, phó giám đốc Công ty TNHH một thành viên Công ích huyện Cần Giờ (Công ty Công ích Cần Giờ), cho biết như vậy sau khi Tuổi Trẻ ngày 9-5 đăng bài “Kê khống chỉ số nước được Nhà nước bù giá”.
Ông Trinh thừa nhận tình trạng kê khống xảy ra nhiều năm qua và trách nhiệm của Công ty Công ích Cần Giờ ở chỗ thiếu kiểm tra thường xuyên.
“Những vấn đề mà báo Tuổi Trẻ nêu chúng tôi sẽ kiểm tra, rà soát và sẽ truy thu lại tiền đối với những trường hợp kê khống chỉ số đồng hồ nước. |
Ông Đoàn Văn Trinh (phó giám đốc Công ty Công ích Cần Giờ) |
Và trách nhiệm của vệ tinh, địa phương
Ông Trinh cho rằng qua xem xét cho thấy việc kê khống chỉ số nước là do các vệ tinh trực tiếp thực hiện. Ngay cả việc đồng hồ không chạy, không đọc được chỉ số là do vệ tinh kiểm soát vì hằng tháng việc chốt chỉ số do chủ các vệ tinh làm.
Ngoài ra, ông Trinh cũng chỉ ra trách nhiệm của UBND các xã trong việc này, mà cụ thể ở đây là cán bộ chuyên trách, theo dõi mạng lưới, tình hình tiêu thụ nước. “Phải xem xét liệu có vấn đề gì giữa chủ vệ tinh và địa phương hay không?” - ông Trinh đặt vấn đề.
Còn ông Đặng Văn Thiện, chủ tịch hội đồng thành viên Công ty Công ích Cần Giờ, cho rằng công ty chỉ chịu trách nhiệm xác nhận tổng khối lượng nước xuất ra (từ các điểm lấy nước) và số liệu tiêu thụ thực tế tổng hợp từ các vệ tinh.
“Chuyện kê khống chỉ số đồng hồ nước là có. Trong những năm qua, chúng tôi có tổ chức đi kiểm tra, phát hiện và truy thu một số trường hợp. Nhưng do lực lượng quá mỏng, chỉ hơn chục nhân sự không thể kiểm tra hết 7.000 đồng hồ nước trên mạng lưới. Chúng tôi không có quyền lợi, không thu được đồng nào từ việc kê khống chỉ số đồng hồ nước cả” - ông Thiện nói.
Tuy nhiên, lập luận trên mâu thuẫn với thực tế, bởi cũng theo ông Thiện, hiện Công ty Công ích Cần Giờ được nhận chi phí quản lý là 400 đồng/m3 trên tổng số nước người dân tiêu thụ thực tế. Như vậy, việc các vệ tinh kê khống chỉ số nước đương nhiên công ty cũng được hưởng khoản chi phí quản lý khống này.
Thất thoát “khủng” nhưng báo cáo đều đạt
Trong bài báo nói trên, chúng tôi đã phân tích một trong những lý do dẫn đến việc kê khống chỉ số nước là nhằm bù vào lượng nước thất thoát. Ông Thiện thừa nhận có việc này và còn cung cấp con số thất thoát tại các vệ tinh qua các năm ở mức “khủng”. Cụ thể, từ năm 2012, tỉ lệ thất thoát nước ở các vệ tinh thấp nhất là 36% và cao nhất lên đến 41%. Nhưng sau đó có giảm rồi tăng trở lại và chưa có con số thống nhất.
Thực tế thất thoát rất lớn, nhưng theo tìm hiểu, qua biên bản xác nhận hằng tháng có chữ ký của Công ty Công ích Cần Giờ, tỉ lệ thất thoát gần như rất “đẹp” với mức thất thoát dưới 3% (tỉ lệ thất thoát nước cho phép theo quy định là 3%). Cũng theo đại diện Công ty Công ích Cần Giờ, nếu tỉ lệ thất thoát nước vượt 3% đến 10% thì các vệ tinh bị thu lại khoản thất thoát nước và nếu vượt quá 10% còn bị phạt thu thêm gần 7.000 đồng/m3.
Ông Huỳnh Văn Thanh, phó chủ tịch UBND xã Bình Khánh, cho biết sẽ kiểm tra lại xem trường hợp nào và bao nhiêu trường hợp kê khống chỉ số trong biên bản xác nhận khối lượng nước của các vệ tinh.
Theo ông Thanh, về mặt quản lý nhà nước thì UBND xã phải xác nhận cho các chủ vệ tinh để họ thanh quyết toán tiền cấp bù, nhưng do trong biên bản có nhiều chỉ số của nhiều hộ dân nên xã không thể kiểm tra hết được. “Nếu có xảy ra sai sót mà xã không kiểm tra kỹ, UBND xã sẽ chịu một phần trách nhiệm. Khi phát hiện sai sót, UBND xã sẽ đề nghị UBND huyện xử lý” - ông Thanh nói.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Tiến Triển, phó chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, cho biết sẽ yêu cầu các đơn vị liên quan báo cáo lại vụ việc trên và sẽ thông tin lại cho báo chí vào giữa tuần. “Quan điểm của huyện là không thể chấp nhận chuyện kê khống để nhận tiền cấp bù, quá trình kiểm tra phát hiện sai sót tới đâu sẽ xử lý tới đó” - ông Triển nói.
Nước vài ngày mới chảy Việc kê khống chỉ số nước gây thiệt hại nhiều mặt. Cụ thể, lượng nước từ trung tâm TP đưa về Cần Giờ khoảng 1.000m3 thì người dân chỉ sử dụng ít hơn rất nhiều, trong khi đó ngân sách TP phải cấp bù cho gần như đủ số lượng nước kể trên, kể cả lượng nước hao hụt mà người dân không được dùng. Trao đổi với chúng tôi, nhiều người dân ở tổ 2, ấp An Hòa, xã Tam Thôn Hiệp (Cần Giờ) cho biết nước sạch ở khu vực này bữa có bữa không, hai ba ngày nước mới chảy một lần. Nhiều hôm, nửa đêm người dân cứ để vòi nước chảy nhỏ giọt để hứng nước sử dụng ngày hôm sau. Ngay cả khu vực xã Bình Khánh, một số chủ vệ tinh cho biết 1-2 ngày sà lan chở nước mới về một lần. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận