Tuổi Trẻ Online đã có cuộc trao đổi ngắn với ông Võ Ngọc Đồng - chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa, TP Đà Nẵng - trong dịp ông tới thăm, viếng các nhân chứng Hoàng Sa nhân sự kiện 19-1.
In tập tư liệu kỷ vật về Hoàng Sa
* Việc UBND huyện Hoàng Sa tổ chức đi thăm nhân chứng Hoàng Sa còn sống và thắp hương tưởng nhớ những người đã mất dịp 19-1 mang thông điệp gì, thưa ông?
- Đây là dịp chúng ta nhắc nhớ lại sự kiện Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm Hoàng Sa ngày 19-1-1974. Hằng năm, chúng tôi đến thăm hỏi, động viên để tri ân các nhân chứng cùng gia đình họ, đặc biệt là thời điểm sắp bước sang năm mới. Chúng tôi mong họ thật nhiều sức khỏe để cùng với huyện tham gia vào việc tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ liên quan đến vấn đề chủ quyền biển đảo.
Thông qua các nhân chứng, thế hệ trẻ có cái nhìn sâu sắc hơn về Hoàng Sa. Nhân chứng Hoàng Sa chính là "người thật, việc thật".
Quá trình sinh sống, làm việc của họ trên quần đảo Hoàng Sa giúp thế hệ trẻ cảm nhận sôi động hơn về hình ảnh những người từng gìn giữ, bảo vệ các đảo ở Hoàng Sa.
* Chuyến thăm viếng lần này, gia đình các nhân chứng Hoàng Sa đã chia sẻ điều gì với đoàn?
- Qua những chuyến thăm viếng như thế này, chúng tôi thấy rằng họ đã đóng góp nhiều tư liệu gốc cho Nhà trưng bày Hoàng Sa để công chúng, đặc biệt là tuổi trẻ, đến tham quan. Nhiều gia đình khi chúng tôi tới thì họ đã không còn kỷ vật vì đã hiến tặng rồi, do vậy chúng tôi có ý định thời gian tới sẽ in những hình ảnh chụp các kỷ vật gởi tặng của các gia đình để tặng lại họ.
Như vậy, ngoài những tư liệu mà họ cung cấp cho chúng tôi thì còn có tư liệu của những người khác. Nhân chứng Hoàng Sa sẽ có bộ sưu tập đầy đủ hơn để giới thiệu cho con cháu.
Việc nhân chứng Hoàng Sa, gia đình họ góp phần tuyên truyền về chủ quyền Việt Nam mang đến thông điệp rộng rãi hơn trong công chúng ngoài điểm trưng bày Nhà trưng bày Hoàng Sa như hiện nay.
Đây là việc chúng tôi sẽ thực hiện trong thời gian tới, bởi hiện nay nhân chứng Hoàng Sa ở rải rác nhiều vùng miền trên Tổ quốc. Chúng tôi nghĩ những không gian nhỏ, những kỷ vật, hình ảnh của nhân chứng sẽ giúp việc tuyên truyền chủ quyền sâu rộng đến mọi người dân.
Trưng bày di động hình ảnh, tư liệu về Hoàng Sa
* Năm sau tròn nửa thế kỷ Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm Hoàng Sa. Huyện có kế hoạch gì ngoài những hoạt động tri ân, gặp mặt nhân chứng Hoàng Sa?
- Thực tế việc tuyên truyền về chủ quyền biển đảo, trong đó có hoạt động tri ân các nhân chứng Hoàng Sa đã được tổ chức đa dạng và liên tục trong nhiều năm qua. Hiện tại Nhà trưng bày Hoàng Sa và UBND huyện Hoàng Sa cũng đã có kế hoạch để xin các cơ quan chức năng có ý kiến để tổ chức các hoạt động sâu, sát hơn trong vấn đề tuyên truyền chủ quyền biển đảo.
* Thời gian đang thử thách những nhân chứng Hoàng Sa. UBND huyện Hoàng Sa đã làm gì để tranh thủ khai thác những tư liệu sống của họ trước khi tuổi tác dần bào mòn trí nhớ?
- Có một số nhân chứng Hoàng Sa mà chúng tôi tiếp cận được thì những năm trước đã tổ chức sưu tầm in thành một kỷ yếu. Đồng thời huyện cũng đã phối hợp với đài truyền hình đã quay phim, ghi âm liên tục mấy năm nay.
Đó chính là tư liệu chúng tôi giữ lại cho sau này bởi các nhân chứng này nay tuổi đã cao. Họ sẽ già yếu. Những tư liệu đó là bằng chứng sống mãi để chúng ta tuyên truyền, đấu tranh chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa.
Trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn trưng bày di động hình ảnh, tư liệu về Hoàng Sa ở nhiều nơi, nhiều điểm và mong muốn có nhân chứng cùng tham gia để đến gần công chúng hơn chứ không cố định ở Nhà trưng bày Hoàng Sa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận