26/09/2005 01:12 GMT+7

Sẽ tổ chức ngày khoa học - công nghệ hằng năm

K.HƯNG
K.HƯNG

TT - Dành trọn ngày 24-9, Thủ tướng Phan Văn Khải đã lắng nghe nhiều ý kiến đóng góp của các nhà khoa học đại diện giới khoa học cả nước. Đây là lần đầu tiên Thủ tướng gặp gỡ các nhà khoa học và được xem là “hội nghị Diên Hồng” nhằm đưa khoa học - công nghệ (KHCN) trở thành động lực phát triển kinh tế, xã hội.

IJyEyCwj.jpgPhóng to
Thủ tướng Phan Văn Khải bắt tay anh Phạm Minh Tuấn (ĐH Bách khoa Hà Nội) sau khi nghe những ý kiến đóng góp tâm huyết của anh - Ảnh: Việt Dũng
TT - Dành trọn ngày 24-9, Thủ tướng Phan Văn Khải đã lắng nghe nhiều ý kiến đóng góp của các nhà khoa học đại diện giới khoa học cả nước. Đây là lần đầu tiên Thủ tướng gặp gỡ các nhà khoa học và được xem là “hội nghị Diên Hồng” nhằm đưa khoa học - công nghệ (KHCN) trở thành động lực phát triển kinh tế, xã hội.

Để khoa học VN ngang tầm thế giới

Tại buổi làm việc, Thủ tướng cũng đã đồng ý đề nghị của Bộ KH-CN về việc tổ chức ngày KHCN hằng năm để tạo diễn đàn cho các nhà khoa học đóng góp ý kiến.

Đánh số nhà cũng thành đề tài khoa học!

Rất thẳng thắn, rất trách nhiệm, GS Hoàng Tụy than phiền việc bộ nào cũng có viện nghiên cứu nhưng những nghiên cứu ở đây không phải là nghiên cứu khoa học. Ông thắc mắc việc một viện nghiên cứu của Bộ Nội vụ được cấp kinh phí 100 triệu đồng cho đề tài nghiên cứu cơ chế quản lý khoa học, sau đó tổ chức hội thảo mời các nhà khoa học tới phát biểu.

Rồi gần đây lại hay tin có đề tài nghiên cứu lịch sử Chính phủ qua một số hình ảnh. Và nực cười nhất là chuyện đánh số nhà cũng thành một đề tài nghiên cứu ở địa phương nọ… GS Tụy nói: “Những người làm khoa học tự hỏi sau khi trừ kinh phí cho những đề tài như vậy, còn bao nhiêu kinh phí cho đề tài nghiên cứu khoa học thật sự?”.

Theo GS Tụy, nguyên nhân dẫn đến tình trạng “người người làm đề tài, nhà nhà làm đề tài” là do chưa có nhận thức đầy đủ về vai trò của KHCN đối với sự phát triển của đất nước. GS Tụy kiến nghị cần có một chuyển biến cách mạng thật sự trong nhận thức về vấn đề này, từ đó đưa ra các chính sách thông thoáng với mục tiêu huy động mọi nguồn lực trí tuệ của người VN để phát triển KHCN vì lợi ích của đất nước.

Một điều rất quan trọng và rất cấp bách là phải đẩy lùi và khắc phục những hiện tượng tiêu cực trong hoạt động KHCN, trong cán bộ khoa học và cơ quan quản lý khoa học. Đó trước hết là bệnh mất đoàn kết, kém hợp tác, thiếu trung thực, hám chức, hám danh, hám lợi. Thủ tướng Phan Văn Khải

Yêu cầu ứng dụng rõ ràng

GS Trần Xuân Hoài (Viện KHCN VN) lại đề cập tới nghị định 115 qui định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KHCN công lập vừa được Chính phủ ban hành và khẳng định nghị định sẽ góp phần quan trọng vào việc đổi mới hoạt động KHCN.

GS Hoài cho rằng dù đội ngũ cán bộ khoa học đang bất cập (khả năng sáng tạo suy giảm) nhưng vẫn còn vốn quí về kiến thức và kinh nghiệm, nên việc ra đời nghị định 115 với việc chuyển dần các tổ chức KHCN công lập sang cơ chế tự chủ, tự trang trải kinh phí hoặc doanh nghiệp KHCN sẽ tăng được khả năng sáng tạo của nhà khoa học, và điều quan trọng là tạo cho các nhà khoa học trẻ cơ hội phát triển.

Tuy nhiên, theo GS Hoài, việc đề ra yêu cầu ứng dụng rõ ràng đối với các đề tài nghiên cứu khoa học sẽ rất quan trọng bởi đây là “chìa khóa”, là “đầu tàu” để thay đổi tình trạng KHCN hiện nay.

Bổ sung ý kiến của GS Hoài, anh Phạm Minh Tuấn - cán bộ khoa học trẻ (30 tuổi) của Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn về quản lý (Đại học Bách khoa Hà Nội), khẳng định việc đổi mới công nghệ đang là yêu cầu bức xúc. Từng có thời gian 12 năm làm việc tại nước ngoài, anh Tuấn trở về VN cách đây ba năm với mong muốn góp sức vào sự phát triển của đất nước, nhưng nhận thấy sự lạc hậu về công nghệ đang làm cản trở sự phát triển của nền kinh tế. Một kết quả khảo sát tại Đồng Nai và Hải Phòng do Tuấn và các cộng sự vừa thực hiện cho thấy hàm lượng công nghệ rất thấp trong các hoạt động kinh tế ở hai địa phương này.

Chúng ta sử dụng vốn đầu tư cho khoa học còn nhiều lãng phí. Hai trường đại học gần nhau mà mỗi trường sắm một thiết bị nghiên cứu đắt tiền dùng riêng. Do đó, tôi kiến nghị Thủ tướng giao cho Bộ KH-CN nhiệm vụ điều hòa, phối hợp đầu tư xây dựng cơ sở khoa học. Đấy là tiền thuế của nhân dân, sử dụng lãng phí thì ai chịu? Bộ KH-CN phải làm việc này để số tiền ấy hữu ích hơn cho khoa học.GS Nguyễn Văn Hiệu

Phải đặt hàng với các nhà khoa học

Phát biểu sau khi nghe các ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, Thủ tướng Phan Văn Khải nhấn mạnh: “Công nghệ sản xuất, công nghệ quản lý, công nghệ điều hành chính là yếu tố quyết định khả năng cạnh tranh của từng sản phẩm và của cả nền kinh tế”.

Thủ tướng lưu ý Bộ KH-CN và các bộ phải tập trung hơn nữa vào việc đổi mới chính sách đầu tư và cơ chế tài chính phù hợp với tính chất đặc thù của hoạt động KHCN, thúc đẩy sự đầu tư của toàn xã hội cho đổi mới công nghệ để có thể đạt mức 1,5% GDP vào năm 2010.

Đối với các doanh nghiệp, Thủ tướng cho biết Chính phủ khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho KHCN từ nguồn kinh phí của mình, phải đặt hàng với các nhà khoa học để nhanh chóng đổi mới công nghệ, sáng tạo công nghệ mang thương hiệu VN.

Thủ tướng khẳng định những ý kiến đề nghị tạo môi trường làm việc tốt, điều kiện nghiên cứu đầy đủ, đãi ngộ xứng đáng về vật chất và tinh thần như lương, thu nhập, khen thưởng… đều là nguyện vọng chính đáng và Chính phủ đang nghiên cứu, từng bước đáp ứng nguyện vọng đó nhằm thật sự khuyến khích người tài, không theo kiểu bình quân chủ nghĩa mà phải theo kết quả đóng góp của mỗi cán bộ KHCN.

K.HƯNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên