14/05/2019 20:12 GMT+7

Sẽ thay đổi được tình trạng nhà khoa học phải 'sáng tác số liệu' thu chi

THANH HÀ
THANH HÀ

TTO - "Trong khoa học là phải chấp nhận tính rủi ro, không thể quản khoa học như các lĩnh vực khác, phải tin nhà khoa học", Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói về tình trạng các nhà khoa học phải "sáng tác" số liệu để quyết toán tài chính đề tài nghiên cứu.

Sáng 14-5 tại Hà Nội, 100 trí thức, nhà khoa học tiêu biểu đã tham dự cuộc gặp gỡ do Ban Tuyên giáo trung ương tổ chức với sự chủ trì của ông Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư trung ương Đảng, trưởng Ban Tuyên giáo trung ương.

Phát biểu tại cuộc gặp gỡ, ông Võ Văn Thưởng, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ (KH&) đều ghi nhận đóng góp của đội ngũ trí thức khoa học, công nghệ đã đóng vai trò động lực, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Sẽ thay đổi được tình trạng nhà khoa học phải sáng tác số liệu thu chi - Ảnh 1.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương trao đổi với các nhà khoa học - Ảnh: VIỆT DŨNG

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh nhìn nhận: "Bên cạnh các điểm mạnh, chất lượng đội ngũ cán bộ KH&CN nước ta còn chưa tương xứng với yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá, đặc biệt thiếu nghiêm trọng cán bộ khoa học đầu ngành, cán bộ khoa học có trình độ quốc tế".

Theo người đứng đầu Bộ KH&CN, "chính điều này hạn chế tầm chiến lược, khả năng dự báo cũng như năng lực giải quyết các nhiệm vụ KH&CN ở quy mô quốc gia, dẫn đến kết quả là chúng ta chưa có nhiều công trình KH&CN đạt trình độ quốc tế, có chất lượng cao, mang lại hiệu quả lớn".

Ông Chu Ngọc Anh cũng chỉ ra thực tế "tuổi bình quân của đội ngũ cán bộ KH&CN, nhất là cán bộ đầu ngành vẫn còn cao, ở một số lĩnh vực rất cao. Sự thiếu hụt đội ngũ cán bộ trẻ kế cận là điều chúng ta đã và đang phải đối mặt và cần sớm có giải pháp khắc phục trong những năm tới".

Xây dựng các trường ĐH thành các trung tâm nghiên cứu lớn

Các nhà khoa học cũng đưa ra những kiến nghị cụ thể để từng bước giải quyết những thách thức trên, tạo điều kiện cho các nhà khoa học thuận lợi hơn trong nghiên cứu, tiếp cận công nghệ mới trong bối cảnh chuyển đổi số, nhanh chóng làm chủ công nghệ tạo ra các sản phẩm ứng dụng rộng.

Bà Nguyễn Thị Lan, giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, đề xuất Nhà nước cần có chính sách cụ thể, khả thi trong đào tạo cán bộ khoa học công nghệ theo tinh thần "thực học, thực hành, thực danh, thực nghiệm" để có một đội ngũ các nhà khoa học nông nghiệp có đủ phẩm chất và năng lực nhằm tiếp thu, làm chủ các công nghệ tiến tiến của thế giới, cũng như sáng tạo ra các công nghệ mới mang thương hiệu của Việt Nam.

"Gắn đào tạo, chuyển giao công nghệ với khởi nghiệp" - bà Lan nhấn mạnh và đề xuất Nhà nước hỗ trợ thành lập các trung tâm ươm tạo công nghệ và khởi nghiệp nông nghiệp ở tầm quốc gia. Ở những trường đại học cũng cần có các chương trình để hỗ trợ vận hành những trung tâm này, quy tụ đội ngũ nghiên cứu khoa học tốt. Cần quan tâm nhiều hơn đến các nghiên cứu nền tảng, dẫn đường, khai sáng, các nghiên cứu đỉnh cao, tạo ra công nghệ nguồn, tạo ra đổi mới ở Việt Nam.

PGS.TS Tạ Hải Tùng, viện trưởng Viện Công nghệ thông tin và truyền thông (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) cho rằng, trong cách mạng công nghiệp 4.0, trong trào lưu chuyển đổi số, nơi công nghệ tiên tiến lan tỏa đến khắp thế giới, vấn đề chính không phải là làm thế nào để tiếp cận mà là làm thế nào để nhanh chóng làm chủ được công nghệ, từ đó kết hợp với các ý tưởng đột phá để tạo ra các công nghệ, sản phẩm và dịch vụ có giá trị, góp phần để phát triển mạnh mẽ đất nước.

Theo TS Tùng, tại Việt Nam gần đây cũng có sự xuất hiện của một số tập đoàn lớn. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, có thể nói các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa thực sự chú trọng đến phát triển nghiên cứu khoa học công nghệ, nghiên cứu phát triển (R&D), đổi mới sáng tạo. 

"Trong khi đó, các trường đại học, nơi không chỉ đóng góp những ý tưởng đột phá, đóng góp nguồn nhân lực có chất lượng và sức trẻ, hạt nhân của cả hệ sinh thái khoa học công nghệ"- TS Tùng đánh giá.

Ông Tùng đề nghị đầu tư vào đào tạo và nghiên cứu trong trường đại học để có nguồn nhân lực chất lượng cao, không những có khả năng thích ứng, tự lực để phát triển được công nghệ để sáng tạo ra sản phẩm và dịch vụ tiên tiến là yếu tố sống còn cho việc bắt kịp và vượt lên trong xu hướng chuyển đổi số. 

Dỡ bỏ các rào cản hành chính

"Để phát huy được nguồn vốn trí tuệ đó Bộ KH&CN hiểu rằng cần tạo lập được một hệ sinh thái đồng sáng tạo (Co-creation Ecosystem) thực sự mạnh ở trong nước, kết hợp đồng bộ giữa hạ tầng nghiên cứu, môi trường học thuật tiên tiến, chính sách đãi ngộ thỏa đáng và các cơ hội nghề nghiệp, sinh sống thuận lợi cho nhà khoa học và gia đình họ"- Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nhìn nhận.

Ông Chu Ngọc Anh đặc biệt nhấn mạnh việc phải tháo gỡ những rào cản sự sáng tạo, đang khiến nhiều nhà khoa học chưa thể cống hiến hết mình cho nghiên cứu, ứng dựng KH&CN.

"Việc đảm bảo một môi trường trân trọng tri thức và sự sáng tạo; tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình; văn hóa chấp nhận rủi ro, thất bại trong khoa học; dỡ bỏ các rào cản hành chính trong quản lý nghiên cứu cũng góp phần quan trọng khuyến khích các tài năng khoa học dấn thân trên con đường học thuật đầy chông gai của mình để phụng sự đất nước" - người đứng đầu Bộ KH&CN nhấn mạnh.

Phát biểu kết thúc cuộc gặp mặt, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định Chính phủ trân trọng, tiếp thu những ý kiến đóng góp thẳng thắn và tâm huyết của các nhà khoa học để xây dựng chiến lược phát triển KH&CN và chiến lược phát triển chung của đất nước trong 5-10 năm tới.

Sẽ thay đổi được tình trạng nhà khoa học phải sáng tác số liệu thu chi - Ảnh 2.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng "Trong khoa học là phải chấp nhận tính rủi ro, không thể quản khoa học như các lĩnh vực khác, phải tin nhà khoa học" - Ảnh: VIỆT DŨNG

Với quan điểm phải coi KH&CN là khâu đột phá để phát triển trong giai đoạn tới, Phó thủ tướng cam kết: "Chính phủ sẽ chuyển từ nhận thức thành những biện pháp chỉ đạo, điều hành để KH&CN, giáo dục đúng là quốc sách hàng đầu, không để những mục tiêu phát triển nóng trước mắt lấn át những mục tiêu lâu dài".

Phó thủ tướng cũng khẳng định sẽ tiếp thu những kiến nghị của các nhà khoa học về việc cần khai thông, đổi mới cơ chế thu chi trong nghiên cứu KH&CN. Theo Phó thủ tướng, chính sách tài chính đã có nhiều thay đổi nhưng chưa đáp ứng được mong mỏi của các nhà khoa học. Nhiều công trình, đề tài, dự án các nhà khoa học vẫn phải vất vả, mất nhiều thời gian trong thanh, quyết toán. Để hợp thức hóa nguồn chi chính đáng, vẫn còn tình trạng "nhà khoa học phải "sáng tác" số liệu.

"Trong khoa học là phải chấp nhận tính rủi ro, không thể quản khoa học như các lĩnh vực khác, phải tin nhà khoa học"- Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Phó thủ tướng cũng ủng hộ đề xuất của các nhà khoa học về định hướng xây dựng các trường ĐH thành các trung tâm nghiên cứu lớn. "Không chỉ từ ĐH, CĐ, mà phải khơi gợi tinh thần sáng tạo, yêu khoa học, đam mê nghiên cứu từ giáo dục phổ thông, đưa STEM vào chương trình giáo dục phổ thông"- ông Đam nói.

THANH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên