Hơn 500 giáo viên hợp đồng buồn bã khi biết tin mất việc - Ảnh: TRUNG TÂN
Như vậy, nơi tuyển ồ ạt, hợp đồng bất chấp… lại là nơi "giải quyết các chế độ thôi việc" cho các giáo viên.
Sáng 6-7, bà Ngô Thị Minh Trinh, phó chủ tịch UBND huyện Krông Pắk, xác nhận đang triển khai các bước rà soát lại các hợp đồng của 508 giáo viên hợp đồng trên địa bàn huyện để "có phương án thanh lý hợp đồng" với từng người theo đúng quy định.
Theo bà Trinh, trong 508 hợp đồng của giáo viên, "cái nào thực hiện theo đúng quy định thì thôi, hợp đồng nào chưa đúng quy định, thiếu sót thì bổ sung".
"Tổng chi phí hỗ trợ là bao nhiêu, bằng nguồn nào thì đến nay huyện đang xây dựng để trình thường vụ Huyện ủy phê duyệt nên chưa có thông tin cụ thể. Tuy nhiên tất cả mọi việc đều phải tính toán lại hết, phải làm theo đúng quy định, không được làm trái nữa", bà Trinh khẳng định.
Về việc chuyển đối nghề nghiệp, bà Trinh nói cũng là một trong những nội dung trong xây dựng phương án. Tuy nhiên, "tất cả các giáo viên đều là hợp đồng, phải làm đúng quy định", sau khi rà soát nếu còn vị trí việc làm thì vẫn để giáo viên dạy, không cũng phải chấm dứt hợp đồng, không còn cách nào khác".
Trước đó, UBND tỉnh Đắk Lắk giao UBND huyện Krông Pắk rà soát, tổng hợp các khoản kinh phí đã được chi trả cho từng giáo viên và tổng số tiền đã chi trả cho các giáo viên này.
Theo đó, huyện thống kê từng khoản chi trả cho từng người để làm căn cứ để tỉnh hỗ trợ thôi việc cho các giáo viên sau này.
Sau nhiều tháng họp bàn, UBND tỉnh Đắk Lắk giao việc thanh lý hợp đồng giáo viên dôi dư cho... UBND huyện Krông Pắk - Ảnh: TRUNG TÂN
Trả lời phóng viên báo Tuổi Trẻ, lãnh đạo Sở Nội vụ Đắk Lắk cho biết để giải quyết các chế độ thôi việc cho giáo viên, cần khoảng 5 tỉ đồng, tuy nhiên chưa biết lấy nguồn đâu ra để chi và có thể phải đưa vấn đề ra xin ý kiến HĐND tỉnh.
Tuy nhiên, bên hành lang kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh Đắk Lắk khóa IX ngày 5-7, lãnh đạo Sở Tài chính nói không thể dùng bất cứ nguồn nào để thực hiện việc thanh lý hợp đồng nên không đưa ra xem xét trước HĐND.
Vì vậy, tỉnh mới giao về và huyện Krông Pắk cũng cam kết sẽ dùng kinh phí địa phương để chi trả các khoản hỗ trợ thôi việc cho các giáo viên "theo đúng quy định".
Như Tuổi Trẻ đã đưa tin, từ năm 2011 đến hết 2016, huyện Krông Pắk tuyển dư hơn 600 giáo viên từ mầm non đến THCS. Ngày 9-3-2018, UBND huyện Krông Pắk tổ chức thông báo về việc chấm dứt hợp đồng với 208 giáo viên (trong số 600 giáo viên dôi dư) không có chỉ tiêu biên chế năm 2017.
Sau kỳ thi tuyển giáo viên vừa qua, có 300 người không trúng tuyển và sẽ có 508 giáo viên phải thanh lý hợp đồng.
Liên quan đến việc này, ông Nguyễn Thành Dũng - bí thư huyện ủy và ông Y Suôn Byă - chủ tịch UBND huyện Krông Pắk, cùng bị kỷ luật khiển trách liên quan đến sai phạm trong điều hành, quản lý của bản thân.
Trước đó, ông Nguyễn Sỹ Kỷ - nguyên phó Ban nội chính, nguyên chủ tịch UBND huyện Krông Pắk giai đoạn 2011-2016 - trực tiếp tuyển dư hơn 400 giáo viên, cũng bị kỷ luật cảnh cáo
Công an huyện Krông Pắk đã tiếp nhận nhiều trường hợp các giáo viên tố cáo phải đưa tiền mới được đi dạy. Hiện Công an huyện Krông Pắk cũng đã khởi tố, bắt tạm giam một hiệu trưởng nhận hàng trăm triệu đồng để chạy việc…
Sẽ xử lý nhiều cá nhân, tập thể trong việc tuyển dụng dôi dư
Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Thành Dũng - bí thư huyện ủy Krông Pắk, cho biết việc phải thanh lý hợp đồng là không thể tránh khỏi, huyện đã xin nhưng cấp trên không cho "kéo dài cái sai mãi". Sau khi Ủy ban kiểm tra Tỉnh ủy có kết luận và xử lý sai phạm các lãnh đạo huyện, tới đây địa phương tiếp tục tổ chức kiểm tra, xác minh và sẽ có hình thức xử lý các cán bộ liên quan…
"Tất cả đều xử lý hết, từ lãnh đạo các phòng, cán bộ tham mưu cũng như ở các đơn vị trường học mắc sai phạm. Trong tháng 7-2018, huyện sẽ tổ chức kiểm điểm, xử lý sai phạm tất cả lãnh đạo các phòng ban, trường học liên quan đến sai phạm này. Kể cả các cán bộ đã nghỉ hưu rồi, mình cũng xử lý hết", ông Dũng nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận