Chương trình do Cục Bản quyền tác giả Bộ VH-TT&DL phối hợp với Hội Xuất bản Việt Nam - văn phòng đại diện phía Nam tổ chức tại TP.HCM sáng 26-8.
Ông Vũ Ngọc Hoan - phó cục trưởng Cục Bản quyền tác giả - giới thiệu nội dung liên quan đến bản quyền sách tại Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam và các văn bản pháp luật liên quan - Ảnh: L.ĐIỀN |
Buổi tọa đàm quy tụ những người trực tiếp làm sách tại TP.HCM gồm đại diện các nhà xuất bản (NXB) và các công ty tư nhân, một số đơn vị làm dịch vụ pháp lý về tác quyền, và đại diện Cục Xuất bản.
Những người trực tiếp làm nghề đã cùng gặp nhau tại ý tưởng: nên thành lập một trung tâm tác quyền sách, bước đầu có thể Hội Xuất bản Việt Nam đứng ra thành lập.
Theo ông Đồng Phước Vinh - giám đốc Công ty Ybook, NXB Trẻ, nếu hình thành trung tâm tác quyền sách có thể ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng cơ sở dữ liệu để các chủ sở hữu tác quyền có thể cập nhật thông tin, trao đổi thông tin và truy cập tìm kiếm về sách bất kỳ lúc nào với tính minh bạch cao.
Trung tâm cũng sẽ là nơi lưu trữ đầy đủ các thông tin về từng bản sách: tác giả, NXB, năm xuất bản, hình bìa, file nội dung và tình trạng bản quyền cho đến hiện tại...
Tùy từng đối tượng sẽ được phục vụ tra cứu và tìm kiếm thông tin đến mức nào tại cơ sở dữ liệu này. Ngoài ra, trung tâm không chỉ là nơi lưu giữ và công bố quyền tác giả, mà còn có thể đại diện các tác giả để giao dịch bản quyền.
“Chẳng hạn như Tập đoàn Amazon muốn thương lượng mua tác quyền sách hoặc eBook của các tác giả Việt Nam, thì một trung tâm như thế đứng ra đàm phán sẽ dễ kết nối và “có tư thế” hơn là từng tác giả làm việc riêng lẻ với Amazon” - ông Đồng Phước Vinh dự đoán.
Về ý tưởng này, ông Vũ Ngọc Hoan - phó cục trưởng Cục Bản quyền tác giả - cho rằng một trung tâm tác quyền như vậy hoàn toàn phù hợp với Hiệp định của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), bởi WIPO khuyến khích các quốc gia nên có trung tâm quản lý quyền, “và nếu được, tiến tới ta có thể quản lý cả bản thảo”, ông Hoan khuyến khích.
Ông Lê Hoàng - phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, trưởng văn phòng đại diện phía Nam Hội Xuất bản - cho rằng hội có thể hình thành một trung tâm tác quyền như vậy. “Việc sắp tới là chúng tôi sẽ xây dựng đề án và trình thường vụ Hội Xuất bản để xin ý kiến tiến hành” - ông Lê Hoàng cho biết.
Tọa đàm đã bàn thảo rất nhiều vấn đề về bản quyền sách mà các đơn vị đang gặp phải, như thời gian bảo hộ quyền tác giả và cách áp dụng luật cho các trường hợp phía nước ngoài vi phạm bản quyền đối với Việt Nam. Vấn đề về phụ lục Công ước Bern cho phép các nước đang phát triển được sử dụng quyền tiếp cận sách của các nước phát triển trong lĩnh vực nghiên cứu, giảng dạy cũng được đề cập. Câu chuyện bản quyền của các tuyển tập có được từ việc khai thác các bài báo in, hoặc tái bản các sách do các tổ chức tại miền Nam trước năm 1975 giữ bản quyền nhưng hiện giờ các tổ chức không còn tồn tại… cũng được đại diện Công ty Alpha Books nêu ra. Phía đại diện Cục Bản quyền tác giả và Cục Xuất bản trình bày ý kiến giải quyết, tuy rằng một số trường hợp vì chưa gặp trong thực tế nên còn lúng túng.. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận