05/08/2016 09:08 GMT+7

Sẽ sửa thông tư 30

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - Lãnh đạo Bộ GD-ĐT trình bày và nhấn mạnh những nhiệm vụ chủ yếu sẽ tập trung thực hiện vào năm học mới trong hội nghị tổng kết năm học 2015-2016 và triển khai nhiệm vụ năm học mới ngày 5-8.

Thể hiện sự quan tâm tới giáo dục, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã tới dự hội nghị.

1. Sẽ sửa thông tư 30: giảm nhận xét máy móc

Điều chỉnh và tiếp tục thực hiện đổi mới đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30 là một trong những điểm được nhấn mạnh tại hội nghị tổng kết năm học 2015-2016 và triển khai năm học sắp tới.

Những điều chỉnh được lãnh đạo Bộ GD-ĐT chỉ đạo là tránh máy móc khi nhận xét, giúp các cấp quản lý quy định hồ sơ hợp lý, khuyến khích sử dụng hồ sơ điện tử, giảm nhẹ sức lao động cho giáo viên tập trung vào chuyên môn.

Trong quá trình thực hiện, phải vận dụng linh hoạt vào hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của giáo viên, sĩ số lớp, vùng, miền, thực hiện theo khả năng cho phép trong việc đánh giá thường xuyên nhằm nâng cao chất lượng giáo dục

2. Mô hình trường học mới: có thể thực hiện từng phần

Bộ GD-ĐT quyết định tiếp tục triển khai mô hình trường học mới (mô hình do dự án VNEN thực hiện trước đây). Tuy nhiên, sẽ phải tổng kết, đánh giá việc triển khai mô hình này trong các năm qua đê bổ sung các điều kiện theo hoàn cảnh từng địa phương.

Các trường học chuẩn bị áp dụng mô hình này cần có sự chuẩn bị các điều kiện tối thiểu như bàn ghế, cơ sở vật chất để dạy học 2 buổi/ngày, giáo viên được tập huấn, thăm quan, thực tế mô hình này.

Ngoài ra, ngành GD-ĐT các địa phương phải tham mưu cho chính quyền địa phương, các lực lượng xã hội, trao đổi với cha mẹ học sinh để tao đồng thuận. Tùy theo điều kiện thực tế, có thể thực hiện một phần hoặc toàn phần mô hình này.

3. Các trường trung học: trao quyền tự chủ

Năm học mới, Bộ GD-ĐT yêu cầu các nhà trường ở bậc GD trung học cần tập trung đổi mới công tác quản lý theo hướng thực hiện quyền tự chủ trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục.

Theo đó, căn cứ vào chương trình GD của Bộ GD-ĐT, yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng, các nhà trường chủ động thiết kế chương trình dạy học, hoạt động GD nhằm nâng cao chất lượng GD, linh  hoạt chủ động trong việc áp dụng các phương pháp dạy học, đánh giá, thực hiện hiệu quả định hướng dạy học tích hợp liên môn, gắn kiến thức GD với thực tiễn đời sống, áp dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý vào hoạt động dạy học.

4. Phân luồng: mở ra các mô hình giáo dục gắn với thực tiễn

Hình thành, phát triển các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cấp huyện để thí điểm hình thành trường trung cấp vừa tổ chức học văn hóa và học kỹ năng nghề trên địa bàn cấp huyện, tiếp tục thực hiện mô hình kết hợp giữa trung tâm giáo dục thường xuyên và cơ sở giáo dục nghề nghiệp để cấp hai văn bằng cho người học, thí điểm triển khai mô hình giáo dục nhà trường gắn với thực tiễn sản xuất kinh doanh của địa phương, tiếp tục thực hiện hợp tác, liên kết giữa trường phổ thông và trường chuyên nghiệp trên địa bàn để đào tạo và công nhận kỹ năng nghề cho học sinh...

Đây là những mô hình được Bộ GD-ĐT xác định là giải pháp nhằm tăng cường phân luồng học sinh sau THCS và THPT.

Ở nội dung nhiệm vụ này, Bộ GD-ĐT cũng khẳng định trong năm học tới sẽ hoàn thiện chương trình giáo dục hướng nghiệp trong trường phổ thông; xây dựng tiêu chuẩn giáo viên dạy hướng nghiệp và có chính sách, cơ chế phát triển đội ngũ giáo viên hướng nghiệp trong trường phổ thông; biên soạn tài liệu giáo dục hướng nghiệp, khởi sự kinh doanh và quản lý giáo dục hướng nghiệp.

5. Sắp xếp, phân loại cơ sở đào tạo đại học

Việc quy hoạch mạng lưới cơ sở đào tạo Đại học ( trường ĐH)  căn cứ vào việc kiểm định và phân loại trường ĐH theo mục tiêu đào tạo, hướng vào nhu cầu nhân lực khác nhau.

Bộ GD-ĐT xác định trong quá trình kiểm định và phân loại trường ĐH sẽ giải thể các trường không đủ điều kiện hoạt động, hình thành hệ thống giáo dục đại học tinh gọn, chặt chẽ, đủ năng lực đảm bảo chất lượng đào tạo.

Lộ trình kiểm định chất lượng sẽ thực hiện trước đối với trường đang thí điểm tự chủ, các trường có định hướng phát triển thành trường trọng điểm, các trường trực thuộc Bộ GD-ĐT, các trường có vốn đầu tư từ các đề án, dự án lớn của Nhà nước, các trường đang đề xuất mở rộng quyền tự chủ và các chương trình đào tạo chất lượng cao....

6. Chú trọng trình độ ngoại ngữ, tin học của nhà giáo

Trong năm học tới, Bộ GD-ĐT sẽ tiến hành  bằng cách rà soát, đánh giá thực trạng chất lượng đội ngũ, hoàn thiện các chuẩn nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu đổi mới để có hướng bồi dưỡng và đào tạo. Trong đó, mục tiêu nâng cao trình độ Ngoại ngữ, tin học cho nhà giáo được xem là nhiệm vụ được đặc biệt quan tâm.

Cùng với đó, Bộ GD-ĐT cũng chỉ đạo đổi mới mạnh mẽ hơn phương pháp thi, đánh giá đối với môn tiếng Anh ngay trong quá trình và kết quả từng giai đoạn giáo dục, đào tạo. Bên cạnh đó, sẽ tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học thiết yếu; ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới học liệu dạy học ngoại ngữ.

Xây dựng chương trình, tài liệu và triển khai bồi dưỡng thường xuyên, định kỳ về công tác sử dụng thiết bị dạy và học ngoại ngữ, bảo đảm tính thiết thực và hiệu quả. Hoàn thiện mô hình Trung tâm học liệu ngoại ngữ quốc gia.

“Tổ chức nghiên cứu, xây dựng lộ trình đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 ở Việt Nam. Với mỗi lộ trình, cần nghiên cứu và xây dựng các nguồn lực cần huy động, các hoạt động cần triển khai và các kết quả cần đạt được”, lãnh đạo Bộ GD-ĐT nhấn mạnh.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên