Theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ga Sài Gòn vẫn ở vị trí hiện nay và tuyến đường sắt quốc gia đoạn từ ga Bình Triệu về ga Sài Gòn sẽ được xây dựng trên cao - Ảnh: T.T.D. |
- Hiện nay, mật độ giao thông trên các tuyến đường nội ô TP rất cao, trong khi đó tuyến đường sắt từ ga Bình Triệu vào ga Sài Gòn vẫn lưu thông trên mặt đất cắt ngang tuyến đường bộ. Vì vậy mỗi khi tàu lửa băng ngang, người dân phải dừng xe chờ đợi đèn tín hiệu giao thông. '
Chính vì sự bất lợi này nên người dân mới có ý kiến về việc nên di dời ga Sài Gòn ra ga Bình Triệu.
Tuy nhiên, quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn đến sau năm 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt vào ngày 8-4-2013 nêu rõ ga Sài Gòn vẫn tồn tại ở vị trí hiện nay.
Trong đó, quy hoạch bố trí mặt bằng ga hợp lý và tuyến đường sắt quốc gia đoạn từ ga Bình Triệu về ga Sài Gòn sẽ được xây dựng trên cao khác mức với các tuyến đường bộ hiện nay.
Như vậy, khi có tuyến đường sắt trên cao sẽ không còn tình trạng giao cắt cùng mức với 14 tuyến đường bộ và giải quyết những bức xúc của người dân về ùn tắc giao thông trên đường.
* Việc di dời ga Sài Gòn về ga Bình Triệu sẽ dẫn đến những thuận lợi và bất lợi ra sao?
- Theo nghiên cứu của các đơn vị tư vấn, phần lớn hành khách đi trên tàu lửa Thống Nhất Bắc - Nam đều xuống tại ga Sài Gòn.
Vì vậy, việc giữ lại ga Sài Gòn ở vị trí hiện nay sẽ thuận lợi rất nhiều cho người dân đi lại so với phương án di dời ga Sài Gòn ra khỏi trung tâm TP.
Theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tuyến đường sắt quốc gia vào đến ga Sài Gòn sẽ kết nối với tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương để kết nối với các tuyến đường sắt đô thị khác cũng như hệ thống giao thông đường bộ, tạo thuận lợi cho người dân đi tiếp bằng các phương tiện vận tải hành khách công cộng.
Đồng thời khi có tuyến đường sắt trên cao được lắp đặt đường sắt đôi (mỗi đường lưu thông một chiều), có thể nghiên cứu vừa sử dụng cho đường sắt quốc gia vừa sử dụng cho đường sắt đô thị trong phạm vi TP.
Theo đó, có thể kết hợp chạy xen kẽ đoàn tàu đường sắt đô thị khi không có tàu đường sắt quốc gia lưu thông. Điều này phát huy hiệu quả cao của kết cấu hạ tầng, tăng cường vận chuyển hành khách bằng phương tiện công cộng.
Nếu di dời ga Sài Gòn ra khỏi trung tâm TP cũng phải xây dựng các tuyến giao thông kết nối với nhà ga này bằng tuyến đường sắt đô thị và các tuyến đường bộ, bến xe buýt, taxi...; sẽ làm tăng thêm hành trình đi lại trong đô thị của hành khách với phương tiện chuyên chở ít hơn và như vậy sẽ kém thuận lợi hơn so với đi từ ga Sài Gòn.
* Đến nay, việc triển khai xây dựng tuyến đường sắt trên cao chậm, TP đã thúc đẩy dự án này ra sao?
- Sở Giao thông vận tải TP đã tham mưu UBND TP có văn bản đề nghị Bộ Giao thông vận tải ưu tiên đầu tư xây dựng tuyến đường sắt trên cao từ ga Bình Triệu về ga Sài Gòn và di dời depot (trạm bảo dưỡng kỹ thuật đầu máy, toa xe) Hòa Hưng (ở khu đất cạnh ga Sài Gòn) về ga Bình Triệu theo đúng quy hoạch.
Bộ Giao thông vận tải cũng đã triển khai lập dự án đầu tư tuyến đường sắt trên cao này, nhưng do chưa xác lập được phương án tài chính khả thi nên dự án chưa được triển khai thực hiện.
Sở Giao thông vận tải tin tưởng rằng với sự quan tâm của lãnh đạo và người dân TP, sự quyết tâm của Bộ Giao thông vận tải, dự án xây dựng tuyến đường sắt trên cao đoạn Bình Triệu - Hòa Hưng sẽ được triển khai sớm trong thời gian tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận