Những phụ nữ Ba Na ở làng Kon H'ra Chot, phường Thống Nhất, TP Kon Tum địu con đến điểm bỏ phiếu sáng 22-5 - Ảnh: Trần Thảo Nhi |
Trả lời câu hỏi của phóng viên Tuổi Trẻ: “Bao giờ có thể công bố kết quả ?”, Chánh văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: “Theo quy định của pháp luật thì kết quả bầu cử phải được công bố chậm nhất là 20 ngày kể từ ngày bầu cử.
Nhưng với diễn biến tốt đẹp trong ngày bầu cử 22-5, nếu không xảy ra khiếu kiện hoặc sự cố thì có thể sớm công bố kết quả bầu cử”.
Một trong những vấn đề mà dư luận quan tâm là tình trạng bầu hộ, bầu thay diễn ra ở các cuộc bầu cử trước đây, ông Phúc cho hay:
“Luật quy định không được bầu hộ, bầu thay. Tinh thần này đã được quán triệt rất tốt. Qua hệ thống thông tin, truyền thông và vai trò của các tổ bầu cử, chúng ta cũng nói rõ việc đó cho bà con biết, giúp hạn chế tình trạng bầu hộ, bầu thay”.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc có hay không tình trạng bầu hộ, bầu thay trong cuộc bầu cử lần này, ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia, trưởng Ban công tác đại biểu Trần Văn Túy cho biết đến cuối giờ chiều 22-5 chưa nhận được thông tin báo cáo về việc này.
“Luật đã có quy định đối với trường hợp cử tri vì khuyết tật, không tự bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu.
Vì vậy, nếu nhìn thấy người nào đó bỏ nhiều phiếu vào hòm phiếu cũng chưa thể khẳng định là người đó bầu hộ, bầu thay, rất có thể chỉ là bỏ phiếu như trường hợp luật định” - ông Túy nói.
98,7% cử tri đi bầu
“Nhìn tổng thể, chúng ta thấy rằng người dân đã thể hiện trách nhiệm công dân rất cao” - Chánh văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc nhìn nhận vào cuối ngày 22-5 - ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp.
22g ngày 22-5, ông Nguyễn Hạnh Phúc thông báo tỉ lệ cử tri đi bầu cử trên cả nước đạt 98,77%, khép lại cuộc bầu cử thành công.
Thừa Thiên - Huế và Yên Bái dẫn đầu cả nước về tỉ lệ cử tri đi bầu cử, đạt 99,99%.
Các tỉnh Hòa Bình 99,98%; Quảng Nam và Bến Tre 99,97%; Lai Châu 99,96%; Hậu Giang 99,95%; Bắc Ninh 99,91%; Đắk Lắk 99,90%; Lạng Sơn 99,84%; Ninh Thuận 99,8%; Tiền Giang 99,76%; Tuyên Quang 99,74%; Phú Yên 99,73%; Sóc Trăng 99,69%;
Khánh Hòa 99,67%; Quảng Ninh 99,66%; Cao Bằng 99,65%; Thái Nguyên và Đắk Nông 99,60%; Phú Thọ 99,57%; Vĩnh Long 99,53%; Thanh Hóa 99,52%; Quảng Trị và Nam Định 99,5%...
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bỏ lá phiếu đầu tiên tại điểm bầu cử số 4, P.Vĩnh Phúc, Q.Ba Đình, Hà Nội - Ảnh: Hoàng Phong |
Thông suốt
Về việc các địa phương miền núi, vùng sâu vùng xa là những nơi có tỉ lệ cử tri đi bầu cử cao nhất, ông Nguyễn Hạnh Phúc bình luận:
“Điều này cho thấy công tác thông tin, tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân, đến cử tri thực hiện rất tốt. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ủy ban bầu cử, ban bầu cử, đặc biệt là vai trò của các tổ bầu cử nơi đây đã thể hiện với quyết tâm rất cao để có được kết quả đó”.
Thông cáo phát đi từ trung tâm báo chí Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia cho biết: “Tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong ngày bầu cử ở các địa phương cơ bản ổn định”.
Theo ông Phúc, trong ngày toàn dân đi bầu cử không có sự cố lớn nào xảy ra, chỉ có những sự việc nhỏ và các tổ bầu cử đã khắc phục ngay tại chỗ.
Trước câu hỏi: “Ông đánh giá như thế nào về cuộc bầu cử lần này?”, ông Phúc nói: “Qua kết quả sơ bộ có thể thấy rằng công tác chỉ đạo, lãnh đạo cuộc bầu cử năm nay được triển khai nhanh, đồng bộ, sâu sát.
Ngoài các văn bản hướng dẫn của Hội đồng bầu cử quốc gia, MTTQ Việt Nam, Chính phủ, chúng ta đã tập huấn rất kỹ đến cơ sở. Qua đó, những điểm mới trong quy định của pháp luật đã được các cơ quan có trách nhiệm trong công tác bầu cử nắm bắt kịp thời, tổ chức thực hiện thông suốt”.
Tổ viên tổ bầu cử tại khu vực bỏ phiếu số 97, P.15, Q.10, TP.HCM phân loại phiếu bầu cử lúc 19g06 ngày 22-5 - Ảnh: Quang Định |
“Ngày của dân chủ” Các hãng tin quốc tế ngày 22-5 đồng loạt đưa tin cuộc bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp ở Việt Nam. Gọi 22-5 là “ngày của dân chủ” ở Việt Nam, Hãng tin Reuters mô tả không khí bầu cử “rộn ràng tiếng loa phát thanh trên những con đường kết hoa và những biển hiệu tuyên truyền”. Đài Tiếng nói Hoa Kỳ dẫn các nguồn tin báo chí trong nước cho biết cuộc bầu cử này là “ngày hội lớn”, hay còn gọi là “ngày hội non sông” của Việt Nam. Hãng AFP cũng có bản tin về cuộc bầu cử của Việt Nam. Hãng Reuters dẫn lời ông Nguyễn Hạnh Phúc, chánh văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia Việt Nam, khẳng định toàn bộ các ứng cử viên đều bình đẳng, kể cả những ứng cử viên không phải là đảng viên và các ứng cử viên tự ứng cử. Ông Phúc cũng khẳng định mọi công dân Việt Nam có quyền bầu cử xây dựng đất nước. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận