06/06/2019 18:20 GMT+7

Sẽ rà soát chức năng các bộ ngành

LÊ THANH
LÊ THANH

TTO - Đề án cơ cấu Chính phủ nhiệm kỳ tới sẽ rà soát tất cả các bộ và cơ quan ngang bộ theo hướng tăng cường hiệu lực, hiệu quả, tránh chồng chéo và trùng giẫm, một việc chỉ do một cơ quan chủ trì chịu trách nhiệm chính.


Sẽ rà soát chức năng các bộ ngành  - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Duy Thăng, thứ trưởng Bộ Nội vụ - Ảnh V. DŨNG

Phát biểu tại hội thảo Kiểm toán nhà nước trong tiến trình phát triển đất nước ngày 6-6, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết Bộ Nội vụ đang xây dựng một loạt nghị định, đề án về cơ cấu sắp xếp lại tổ chức bộ máy.

Trong đó, Đề án cơ cấu Chính phủ nhiệm kỳ tới phải rà soát tất cả các bộ và cơ quan ngang bộ theo hướng tăng cường hiệu lực, hiệu quả, tránh chồng chéo và trùng giẫm, một việc chỉ do một cơ quan chủ trì chịu trách nhiệm chính.

Việc sắp xếp này sẽ báo cáo rõ với cấp có thẩm quyền, thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 18, Nghị quyết 19 của Hội nghị Trung ương 6.

Tinh giản bộ máy đến năm 2030

Ông Thăng cho hay trên cơ sở sửa hai luật là Luật tổ chức chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua vào tháng 10 tới, các nghị định hướng dẫn về tổ chức bộ máy cũng phải sửa một loạt như nghị định quy định khung về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ…

"Tinh thần sửa đổi các nghị định là để thực hiện mục tiêu sắp xếp lại các cơ quan thuộc cơ cấu tổ chức bên trong, làm rõ chức năng nhiệm vụ của các cơ quan hành chính, giảm biên chế, sắp xếp địa giới đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã…" - ông Thăng nói.

Cũng theo ông Thăng, quan trọng là Chính phủ ban hành khung, tiêu chí thành lập cơ quan, đối tượng phạm vi quản lý, được lập tổ chức thì anh phải có tối thiểu bao nhiêu biên chế… 

Trước mắt, việc sắp xếp bộ máy tổ chức, tinh giản biên chế thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 18, Nghị quyết 19 của Hội nghị Trung ương 6 theo lộ trình đến năm 2030, chứ không phải chỉ đến năm 2021. Biên chế sẽ càng ngày càng giảm.

Thực hiện mô hình bộ ngành đa lĩnh vực

Ngoài việc sửa các nghị định, lãnh đạo Bộ Nội vụ cho biết bộ này cũng đang xây dựng để trình Chính phủ đề án cơ cấu tổ chức Chính phủ khóa tới nhiệm kỳ 2021-2026, trên cơ sở làm rõ việc phân quyền, phân cấp giữa trung ương và địa phương, kiên định thực hiện mô hình bộ đa ngành đa lĩnh vực.

Theo tinh thần bộ, cơ quan trung ương chỉ tập trung vào việc quản lý vĩ mô, xây dựng thể chế, chiến lược quy hoạch, kế hoạch và thanh tra kiểm tra. Còn các sự vụ cụ thể thì phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương và các cơ quan cấp dưới. 

Bên cạnh đó, Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã, kể cả thôn, tổ dân phố cũng được Bộ Nội vụ nghiên cứu. Dựa trên cơ sở dân số và diện tích tự nhiên để sắp xếp, tinh gọn.

Theo tính toán, nếu sắp xếp được hợp lý, hiệu quả thì cả nước sẽ giảm được 16 huyện, 631 xã. Từ đó sẽ tiết kiệm được tiền chi trả lương, và nhiều các chi phí khác.

Như một chủ tịch huyện ở Hà Tĩnh ước tính nếu giảm một huyện thì một năm tiết kiệm cho ngân sách mấy chục tỉ đồng. Số tiền đó dùng để đầu tư bệnh viện, trường học, cơ sở hạ tầng… cho người dân.

Trao đổi riêng với Tuổi Trẻ Online, Chánh văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh cho biết quan trọng nhất của tinh giản biên chế là gắn với cơ cấu lại đội ngũ, sắp xếp lại tổ chức sao cho khoa học để bộ máy hoạt động hiệu lực hiệu quả.

"Hiện Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ nghiên cứu để xây dựng đề án để trình ra Quốc hội phê duyệt cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ tới" - ông Minh cho hay.

Bỏ qua gửi gắm mới tinh giản được biên chế! Bỏ qua gửi gắm mới tinh giản được biên chế!

TTO - Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Trần Lưu Quang cho rằng muốn tinh giản biên chế thì người đứng đầu đơn vị phải có dũng khí vượt qua áp lực rào cản liên quan đến con người - nghĩa là vượt qua được những gửi gắm, nhờ vả...

LÊ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên