20/10/2012 06:27 GMT+7

Sẽ "nóng" chuyện kinh tế - xã hội, đất đai

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TT - Chiều 19-10, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã chủ trì họp báo thông báo nội dung, chương trình kỳ họp thứ 4 của Quốc hội sẽ khai mạc ngày 22-10 và dự kiến bế mạc ngày 22-11.

Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng - phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Quốc hội dự kiến có 26 ngày rưỡi làm việc chính thức, xem xét nhiều vấn đề quan trọng, với khoảng 50 loại báo cáo, 17 dự án luật. Ông Dũng nói thông lệ thì kỳ họp cuối năm nội dung chính bao giờ cũng là các vấn đề kinh tế, xã hội, ngân sách, mà trong thời điểm hiện nay được đánh giá là “nóng bỏng” với những chuyện như nợ xấu ngân hàng, tăng trưởng không đạt mục tiêu, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn...

Còn theo đánh giá của ông Phúc, các nội dung thảo luận về sửa đổi hiến pháp 1992, nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, Luật đất đai (sửa đổi) là những vấn đề đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Tại kỳ họp này, Quốc hội cũng sẽ tổ chức giám sát tối cao đối với “việc thực hiện chính sách, pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai”.

Đây sẽ là kỳ họp giữ kỷ lục về thời lượng phát thanh, truyền hình trực tiếp với 13 buổi.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Tuổi Trẻ: “Phiên khai mạc ngày 22-10 liệu có sự tham dự đầy đủ của các vị đại biểu Quốc hội không, có đại biểu nào xin vắng mặt không? Đến thời điểm này có những đại biểu nào chưa kịp tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 4?”, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: “Đến giờ phút này tôi chưa nhận được thông tin có đại biểu nào sẽ vắng mặt. Khi các đoàn đại biểu Quốc hội tập trung, điểm danh mới biết được”.

Phóng viên Tuổi Trẻ hỏi: “Quan điểm cá nhân của ông như thế nào về việc mới đây có chuyên gia đề nghị thay đổi ban soạn thảo dự án Luật đất đai vì chất lượng dự án này không tốt?”, ông Phúc đáp: “Các dự luật được soạn thảo với quy trình rất chặt chẽ nên không có chuyện nay thay, mai đổi dễ dàng. Mục đích của Quốc hội là sửa đổi cơ bản những quy định bất cập, hạn chế, không phù hợp với thực tiễn. Quốc hội sẽ cho ý kiến dự án Luật đất đai (sửa đổi) tại kỳ họp này và sẽ xem xét, thông qua vào kỳ họp giữa năm 2013”.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên