07/12/2017 07:45 GMT+7

Sẽ ngày càng ít những ‘Thương nhớ ở ai’ với 'Trò đời'

NGỌC DIỆP
NGỌC DIỆP

TTO - Khi màn hình tràn ngập những bộ phim về đời sống đô thị, những bộ phim mua kịch bản nước ngoài, ở đó người Việt nghĩ và sống như người Hàn, người Mỹ thì những phim như 'Trò đời', 'Thương nhớ ở ai' trở thành của hiếm.

Sẽ ngày càng ít những ‘Thương nhớ ở ai’ với Trò đời - Ảnh 1.

Thương nhớ ở ai - bộ phim đang được khán giả truyền hình rất yêu thường - Ảnh: ĐPCC

Những bộ phim "ngày xưa" như Thương nhớ ở ai không chỉ là món lạ mà còn ngày càng ít đi vì nhiều lý do.

Nhớ màu nâu sồng

Một xu hướng rất rõ trong điện ảnh và truyền hình vài năm trở lại đây là đề tài về đời sống đô thị hiện đại đang thống trị.

Màn ảnh rộng và màn ảnh nhỏ thi nhau "bán ước mơ" nhà lầu xe, hơi, cuộc sống xa hoa. Những thứ thuộc về nông thôn, về dân gian, về quá vãng ngày càng hiếm.

Trailer Thương nhớ ở ai

Ở khu vực phía Bắc, nhiều năm trước những bộ phim truyền hình về đời sống nông thôn như Chuyện làng Nhô, Đất và người, Ma làng, Gió làng kình, Bão qua làng hay những phim chuyển thể tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng như Lều chõng, Trò đời… đã từng là tâm điểm của sóng giờ vàng.

Thì nay, những bộ phim dạng này chỉ còn điểm xuyết giữa bạt ngàn những bộ phim tình cảm dành cho giới trẻ, những bộ phim tâm lý gia đình hiện đại, phim xã hội đen…

Và khi khán giả đã bội thực những bộ phim hiện đại được quay vô cùng sặc sỡ, bắt mắt, thì những gam màu nâu sồng của Thương nhớ ở ai bỗng nhiên lại trở thành "của ngon, vật lạ".

Dù gì thì ở một đất nước có đến 70% dân số sinh sống ở nông thôn như Việt Nam, khát khao xem những bộ phim thấy được hồn làng, hồn dân tộc luôn là một nhu cầu hiện hữu.

Nhưng với thực tế sản xuất hiện nay, sẽ ngày càng ít đi những bộ phim phản ánh đời sống xa xưa của người Việt. Những gì thuộc về truyền thống, về quá khứ đang trở thành thách thức với chính các nhà làm phim.

Thương nhớ ở ai: thương lắm, ông bà cha mẹ mình đã sống...

TTO - Phát sóng đến tập 8, Thương nhớ ở ai đang tạo nên những thương nhớ với khán giả màn ảnh nhỏ.

Ai còn muốn làm phim bối cảnh xưa?

Hầu hết các dự án phim lấy bối cảnh quá khứ đều phải đối mặt với thực tế đô thị hóa đã xóa gần hết những dấu vết kiến trúc xưa cũ, khiến việc sản xuất phim ngày càng trở nên rất khó khăn, đắt đỏ.

Đạo diễn Nhuệ Giang khi làm Trò đời tái hiện bối cảnh Hà Nội những năm 30-40 của thế kỷ 20 quay ở đâu cũng đụng… dây điện, nhà bê tông.

Sẽ ngày càng ít những ‘Thương nhớ ở ai’ với Trò đời - Ảnh 4.

Trò đời - điểm nhấn của phim truyền hình năm 2013 - Ảnh: ĐPCC

Ê-kíp đã phải vận dụng chất xám chắt chiu từng bối cảnh, cắt chỗ nọ, ghép chỗ kia mới lên hình ổn thỏa.

Trò đời có phản ánh đời sống của giới nhà giàu Hà Nội thời đó nhưng các nhân vật chỉ thay nhau dùng chung một chiếc ô tô cổ, loại "vừa đi vừa đẩy". 

Đạo diễn Thanh Vân (chồng của đạo diễn Nhuệ Giang, phụ trách sản xuất phim này) đã quyết định tự bỏ tiền túi ra thuê thêm một chiếc ô tô cổ màu khác cho thêm phong phú.

Thực sự làm phim này là cống hiến, nhà đài đầu tư tiền gấp nhiều lần phim thường, các anh em làm không tiếc sức lực vì ai cũng yêu quý Vũ Trọng Phụng, ai cũng muốn làm sao phải làm ra được hồn vía của Hà Nội xưa. Còn lại rất khó khăn, tiền bao nhiêu cũng không đủ, mong muốn của ê-kíp thì vô biên.

Đạo diễn Nhuệ Giang

Để làm được ra chất nông thôn Bắc Bộ trong Thương nhớ ở ai, đạo diễn Lưu Trọng Ninh đã phải chọn bối cảnh từ hàng chục cái làng. Khi làm phim này đạo diễn choáng váng vì những bối cảnh biến mất nhanh hơn ông tưởng.

Sau khi quay xong, đoàn làm phim đã phải xử lý kĩ xảo cho 2000 cảnh, nên phải mất 3 năm phim mới ra mắt được khán giả.

Sẽ ngày càng ít những ‘Thương nhớ ở ai’ với Trò đời - Ảnh 6.

Ngọn cỏ gió đùa phim chuyển thể từ tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh - Ảnh: ĐPCC

Giờ đô thị hóa nên hình ảnh Sài Gòn xưa đâu còn nữa, đoàn làm phim phải đi rất xa để tìm bối cảnh. Phim xưa tốn công, tốn của gấp nhiều lần phim thường. Kiếm được người có kiến thức và yêu thích công việc này không dễ. Nếu đầu tư không tới, làm ẩu tả thì không có ra chất. Thể loại này cũng ít người đặt quảng cáo nên ít người muốn làm lắm.

Đạo diễn Hồ Ngọc Xum, người đã từng làm rất nhiều phim chuyển thể từ tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh cho biết.

Đạo diễn Hồ Ngọc Xum ở phía Nam, vẫn tiếp tục được các đài, các nhà sản xuất đặt làm phim Hồ Biểu Chánh do những câu chuyện của nhà văn này rất dung dị, đời thường và rất nhân văn, vẫn được khán giả yêu thích.

Còn những đạo diễn phía Bắc gần như án binh bất động, ít ai dám đầu tư chuyển thể kịch bản phim lấy bối cảnh xưa vì chưa chắc đã tìm được nhà đầu tư.

Các nhà sản xuất bây giờ đang chạy theo xu hướng mua kịch bản nước ngoài về để Việt hóa. Sự thành công về doanh thu quảng cáo của những bộ phim như Sống chung với mẹ chồng, Người phán xử có thể sẽ khiến thị trường đổ xô tìm kiếm các kịch bản nước ngoài.

Giờ phát sóng cũng sẽ ưu tiên cho các bộ phim hiện đại, có nhiều yếu tố ăn khách. Hiện vẫn còn nhiều bộ phim lấy bối cảnh xưa, nhưng đều nằm trong kho, xếp hàng để chờ phát sóng.

NGỌC DIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên