Người dân mua rau tại một siêu thị ở TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Bà Phạm Khánh Phong Lan - trưởng Ban quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM - chia sẻ như trên tại ngày hội "Từ ăn sạch đến sống xanh" do Hội Liên hiệp phụ nữ TP.HCM phối hợp với hệ thống siêu thị Vinmart & Vinmart+ tổ chức ngày 13-12.
Vẫn là nỗi lo thường trực
Cô Hồng Hiệp Mỹ (phường 5 quận 11) cho biết phải tự tay lo các bữa cơm cho gia đình, cô rất quan tâm đến an toàn thực phẩm. Nhưng có nhiều loại thực phẩm nếu chỉ nhìn bằng mắt thường thì không thể nhận biết được.
Bà Vũ Kim Hạnh - chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng VN chất lượng cao - chia sẻ kết quả khảo sát cho thấy hiện chỉ có 18% các nhà sản xuất nông sản trong nước đạt chuẩn VietGAP, dù đây vẫn chưa là tiêu chuẩn để hàng nông sản Việt có thể xuất khẩu ra thế giới.
Theo bà Hạnh, thực tế nhiều sản phẩm Việt Nam rất tốt nhưng chịu cảnh "rớt từ vòng gửi xe" vì "siêu thị trong nước không chấp nhận hàng hóa không đạt chuẩn VietGAP, và các nhà bán lẻ thế giới cũng không thu mua sản phẩm không đạt Global GAP".
"Chúng ta chắc chắn làm được thực phẩm sạch, thể hiện qua con số hàng tỉ USD hàng nông sản xuất khẩu mỗi năm, kể cả sang thị trường rất khó tính. Tuy nhiên, quay lại thị trường TP.HCM, người dân vẫn phải sống chung với thực phẩm bẩn, lẫn lộn giữa thực phẩm bẩn và thực phẩm sạch" - bà Lan trăn trở.
Hiện Ban quản lý ATTP TP.HCM đang triển khai nhiều chương trình đẩy mạnh sử dụng thực phẩm sạch, như kết hợp với Sở GD-ĐT khuyến khích và bắt buộc các trường học trên địa bàn thành phố phải có nguồn cung thực phẩm sạch, đạt chuẩn.
Tuy nhiên, với bếp ăn gia đình, bà Lan thừa nhận cơ quan quản lý không đủ sức, đủ lực lượng để len lỏi đến từng ngóc ngách, từng gia đình, vì thế ý thức chủ động chọn mua, sử dụng thực phẩm sạch từ bản thân mỗi gia đình rất quan trọng.
Cùng xây dựng thực phẩm sạch
Nhiều chuỗi siêu thị đang tích cực xây dựng chuỗi cung ứng an toàn. Bà Nguyễn Thị Hồng - phó tổng giám đốc phụ trách chuỗi cửa hàng Vinmart, Vinmart+, Tập đoàn Vingroup - cho biết hiện tập đoàn này có 14 trang trại, trong đó có hơn 3.000ha do doanh nghiệp trực tiếp quản lý sản xuất, bên cạnh đó là liên kết với hộ nông dân.
Cùng với việc mở rộng mạng lưới bán lẻ, Vingroup đầu tư 33 phòng thí nghiệm đạt chuẩn châu Âu để kiểm nghiệm chất lượng hàng hóa bán tại hệ thống Vinmart, Vinmart+.
"Chúng tôi đã đặt ra cho mình mục tiêu ưu tiên phát triển mạng lưới. Đến nay có hơn 1.600 cửa hàng Vinmart+ và hơn 100 siêu thị Vinmart trên toàn quốc. Trong tháng này sẽ khai trương 100 cửa hàng tại TP.HCM" - bà Hồng nói thêm.
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, cơ quan quản lý luôn ủng hộ các doanh nghiệp làm thực phẩm sạch. Nhưng thực phẩm bẩn vẫn tồn tại vì đem lại lợi nhuận cao. Ban quản lý ATTP TP.HCM cho hay thời gian qua, việc thanh tra kiểm tra ATTP ở thành phố rất quyết liệt.
Nếu giai đoạn 2014-2016, báo cáo Quốc hội về xử phạt ATTP, mức xử phạt trung bình cả nước là 200.000 đồng/vụ, với TP.HCM năm 2018, những vụ việc xử lý vi phạm được lập biên bản và xử phạt của Ban quản lý ATTP trung bình 10 triệu đồng/vụ...
Với sự ra đời của nghị định 115/2018, mức xử phạt sẽ càng gắt gao hơn. "Nếu phát hiện tại khu vực sinh sống có dấu hiệu vi phạm ATTP, làm thực phẩm bẩn, hãy báo cáo với cơ quan chức năng để xử lý kịp thời" - bà Lan nói.
Siết chặt an toàn thực phẩm dịp lễ, tết
Nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán 2019, Ban chỉ đạo liên ngành trung ương chỉ đạo thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành từ trung ương đến cấp xã, phường.
Ban quản lý ATTP TP.HCM cho biết sẽ thành lập 12 đoàn để kiểm tra việc thực hiện các quy định về ATTP với các cơ sở sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh thực phẩm, phụ gia thực phẩm, cơ sở chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống...
Trong đó, các đoàn sẽ chú trọng kiểm tra nơi cung cấp thực phẩm quy mô lớn, các cơ sở nhập khẩu thực phẩm, các chợ đầu mối, trung tâm thương mại...
H.DUYÊN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận