Vấn đề thu phí đường cao tốc do Nhà nước đầu tư đã được Bộ Giao thông vận tải khởi động hai năm nay.
Theo đó, việc thu phí đường cao tốc do Nhà nước đầu tư thực hiện theo chủ trương Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ liên quan xây dựng phương án thu hồi vốn đầu tư để hoàn trả vào ngân sách với các dự án đường cao tốc đầu tư bằng ngân sách.
Tuy nhiên, pháp luật hiện chỉ quy định thu tiền sử dụng dịch vụ đường bộ các dự án đầu tư để kinh doanh (dự án BOT) theo cơ chế giá; chưa có quy định pháp luật về thu tiền sử dụng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư và quản lý theo cơ chế giá hay phí.
Do vậy, vừa qua Bộ Giao thông vận tải đề xuất thực hiện thí điểm thu phí đường cao tốc do Nhà nước đầu tư theo cơ chế phí tối đa 5 năm cho đến khi quy định pháp luật về thu phí sử dụng đường cao tốc được Quốc hội thông qua.
Để có cơ sở pháp lý thu phí đường cao tốc do Nhà nước đầu tư, dự thảo Luật Đường bộ đã bổ sung quy định về thu phí sử dụng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư theo số km xe chạy trên đường.
Đồng thời, bổ sung quy định thu phí đường cao tốc do nhà đầu tư chuyển giao cho Nhà nước theo hợp đồng dự án đối tác công tư (PPP).
Sau các vụ tai nạn liên quan đến xe chở học sinh, dự thảo Luật Đường bộ cũng bổ sung quy định về hoạt động đưa đón học sinh bằng ô tô với các quy định đặc thù về phương tiện và người lái như:
- Xe có niên hạn không quá 15 năm, có đèn cảnh báo hoặc màu sơn riêng để nhận diện;
- Xe đưa đón học sinh mầm non, tiểu học phải có dây đai an toàn phù hợp với lứa tuổi hoặc phải sử dụng xe có ghế ngồi với lứa tuổi học sinh;
- Kính xe đảm bảo quan sát rõ phía trong xe từ bên ngoài; lái xe phải có kinh nghiệm 2 năm lái xe kinh doanh vận tải hành khách…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận