Phó cục trưởng Cục Quản lý dược Nguyễn Tất Đạt cho biết như trên khi trao đổi với các đại diện doanh nghiệp tham gia diễn đàn về tầm quan trọng của chất lượng và phát minh trong dược phẩm, được tổ chức tại Hà Nội ngày 16-3.
Theo ông Đạt, trong tháng 3 Bộ Y tế dự kiến ban hành một số văn bản liên quan đến mua sắm tập trung và đàm phán giá thuốc.
Trong đó, bốn biệt dược gốc và bốn mặt hàng ít nhà sản xuất (điều trị ung thư) đều là thuốc mới, hiếm, hàm lượng không phổ biến, có tối đa 1-2 nhà cung cấp, sẽ được lựa chọn đưa vào danh sách này.
Bên cạnh đó, khoảng 105 hoạt chất dự kiến được đưa vào danh mục mua sắm tập trung tại địa phương và 5 hoạt chất đưa vào danh mục mua sắm quốc gia.
Tuy nhiên các chuyên gia phân tích nếu tổ chức mua sắm tập trung quá nhiều sản phẩm sẽ có nguy cơ các thuốc trúng thầu không đủ cung ứng do số lượng sử dụng lớn, tạo ra cơ chế xin - cho cứng nhắc khi các cơ sở y tế phải đề xuất lên trung tâm mua sắm khi có nhu cầu dùng thuốc.
Đó là chưa kể trung tâm mua sắm sẽ phải xây kho bãi chứa thuốc trúng thầu và có thể có vấn đề “lợi ích nhóm” nảy sinh khi trung tâm này có quyền quyết định chi tiêu nhiều tỉ đồng tiền thuốc.
“Giữa đấu thầu tập trung và đàm phán giá thì hình thức đàm phán giá dễ thực hiện hơn, cơ động và hiệu quả hơn” - chuyên gia này phân tích.
Theo ông Nguyễn Tất Đạt, hiện có 53 tỉnh thành triển khai mua sắm thuốc tập trung. Dự kiến ngày 29-3 Quốc hội cũng sẽ xem xét thông qua Luật dược sửa đổi, với nhiều điểm mới về quản lý chất lượng thuốc, đấu thầu thuốc, thu hồi thuốc, đồng thời bãi bỏ nhiều quy định không khả thi mà Luật dược 2005 quy định.
Luật dược sửa đổi cũng giao Bộ Y tế chủ trì quản lý giá thuốc, dự kiến trung tâm mua sắm thuốc tập trung sẽ trực thuộc Bộ Y tế.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận