06/06/2014 07:39 GMT+7

Sẽ lập quỹ mua tin chống tham nhũng

V.V.THÀNH ghi
V.V.THÀNH ghi

TT - Chiều 5-6, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội xung quanh vấn đề chi mua tin phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng mà Ban nội chính Tỉnh ủy Lâm Đồng vừa công bố, ông Nguyễn Doãn Khánh - ủy viên Trung ương Đảng, phó trưởng Ban Nội chính trung ương - cho biết:

- Đây là một trong những công việc được đặt ra sau khi thành lập Ban Nội chính trung ương và ban nội chính các tỉnh, thành ủy. Chúng tôi kế thừa chính sách này từ Văn phòng Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng. Đến nay, ngoại trừ Lâm Đồng, hầu hết các ban nội chính cấp tỉnh chưa triển khai cụ thể. Về chủ trương thì cho phép thực hiện đại trà rồi, nhưng phụ thuộc vào năng lực tổ chức thực hiện của từng ban nội chính cấp tỉnh.

WvES51MP.jpg

Ông Nguyễn Doãn Khánh - Ảnh: Việt Dũng

* Lâu nay có bao nhiêu người báo tin phòng, chống tham nhũng theo cơ chế nêu trên, thưa ông?

- Số lượng khoảng vài chục người, chất lượng nói chung là tốt. Giai đoạn đầu này thì người ta với ý thức trách nhiệm trong công tác phòng, chống tham nhũng là chính, chưa quan tâm đến phần hỗ trợ.

* Lĩnh vực nào thường nhận được tin báo?

- Các lĩnh vực liên quan đến quản lý đất đai, tài chính, ngân sách, phân phối nguồn lực cho đầu tư, rồi lĩnh vực ngân hàng tín dụng...

* Mức chi mua tin là bao nhiêu tiền?

- Mức khống chế tối đa là 10 triệu đồng/tin. Tất nhiên mức này chưa đủ khuyến khích để người ta có thể mặn mà, tâm huyết, nhiệt tình. Mức chi như vậy là thấp. Nên căn cứ vào giá trị của nguồn tin đem lại cho việc phá án, đặc biệt là việc phát hiện thu hồi tài sản tham nhũng về cho Nhà nước để định ra một tỉ lệ phù hợp hơn.

* Theo ông, có nguồn tin nào đã cung cấp thông tin hiệu quả, đáng lẽ mức chi không phải là 10 triệu đồng mà cao hơn?

- Tất nhiên không thể quy cái này thành giá trị được vì có những vụ án thu hồi về cho Nhà nước hàng trăm tỉ đồng, hoặc có thể trong tương lai là hàng nghìn tỉ đồng.

* Người báo tin có thể cung cấp bằng điện thoại, văn bản hay cách thức nào khác?

- Mọi cách thức đều có giá trị như nhau, lâu nay phần lớn người báo tin gặp trực tiếp để phản ảnh.

* Vấn đề quan trọng là phải bảo vệ tuyệt đối an toàn cho người báo tin?

- Chắc chắn là như vậy, cho nên ngoài cơ chế chung bảo vệ thì phần sử dụng tài chính này được gọi là mật chi, tức là không công khai mức chi và danh tính người cụ thể.

* Ở vụ án Vinashin và Vinalines trước đây thì nguồn tin cung cấp có được hỗ trợ không?

- Có chứ, cũng ở trong mức quy định, nó cũng có tác động khuyến khích.

* Theo ông, đã đến lúc cần luật hóa quy định chi mua tin phòng, chống tham nhũng, hoặc có một văn bản riêng có thể là nghị định để mức độ khuyến khích cao hơn?

- Hiện nay chưa quy định trong luật, việc này mới chỉ được xác định trong quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính. Chắc chắn là sau này cần chuẩn hóa việc này. Một là bố trí kinh phí một cách ổn định và ở mức độ phù hợp để phục vụ cho nhu cầu công tác của các cơ quan chuyên trách về phòng, chống tham nhũng. Hai là hình thành một quỹ hỗ trợ cho việc khai thác thông tin và khuyến khích các cá nhân, tổ chức tham gia việc này.

V.V.THÀNH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên