17/06/2016 09:09 GMT+7

Sẽ lập ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM

ÁI NHÂN
ÁI NHÂN

TTO - Sở Nội vụ TP.HCM đã trình UBND TP.HCM đề án về việc thành lập ban quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) TP. Đây là cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND TP để chịu trách nhiệm chính về ATTP tại TP.

Thành phố sẽ quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm thế nào khi còn cảnh làm gà trên đường đầy rác thế này? (ảnh chụp tại chợ tạm trên đường Nguyễn Ngọc Phương, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) - Ảnh: Q.ĐỊNH
Thành phố sẽ quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm thế nào khi còn cảnh làm gà trên đường đầy rác thế này? (ảnh chụp tại chợ tạm trên đường Nguyễn Ngọc Phương, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) - Ảnh: Q.ĐỊNH

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Làm - phó giám đốc Sở Nội vụ TP - cho rằng một TP muốn phát triển vững mạnh thì người dân phải có sức khỏe, ăn sạch, uống sạch, an toàn. Do đó cần thiết thành lập sớm ban quản lý ATTP để nhanh chóng ngăn chặn, giải quyết căn cơ tình trạng không đảm bảo ATTP trên địa bàn TP.

* Tại sao TP đã có bộ máy quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm mà nay lại đề xuất thành lập ban quản lý ATTP, thưa ông?

- Hiện nay, để giải quyết vấn đề ATTP cho 10 triệu dân tại TP.HCM, TP đã có bộ máy bao gồm Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn và Sở Công thương. Trong đó, Sở Y tế là thường trực Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tuy nhiên, bộ máy này vẫn còn hạn chế về năng lực, nghiệp vụ. Cơ chế phân công và phối hợp quản lý giữa các bộ ngành trung ương, các sở ngành vẫn còn nhiều chồng chéo. Các quy định pháp luật trong thanh tra, kiểm tra, xử lý còn nhiều điểm chưa hợp lý, chưa có biện pháp chế tài mạnh...

Đồng thời, công tác phối hợp liên ngành trong quản lý ATTP trên địa bàn TP vẫn còn thiếu quy chế phối hợp, chưa có đầu mối theo dõi xuyên suốt. Đối với ban chỉ đạo liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm, tuy đã phát huy vai trò của mình trong công tác phối hợp giữa các cơ quan nhưng chỉ họp định kỳ, không giải quyết kịp thời các vụ việc phát sinh.

Vì thế rất cần một cơ quan chuyên trách có đủ năng lực thực hiện giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh. Đồng thời, là đầu mối có đủ thẩm quyền quản lý xuyên suốt công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn TP.

* Theo ông, việc thành lập ban quản lý ATTP có làm “phình” bộ máy không?

- Để thành lập được ban quản lý ATTP phải trải qua nhiều thủ tục. Trước mắt, đề án phải được UBND TP duyệt thông qua rồi chuyển cho các bộ liên quan thẩm định xong mới trình Thủ tướng duyệt.

Từ trước đến nay, TP.HCM đã từng đi đầu trong việc thành lập các sở, ngành, lực lượng phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước của TP. Ví dụ trước đây TP từng thành lập Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, sau đó nhiều tỉnh thành cũng thành lập như vậy. Hay TP cũng thành công trong việc lập Sở Du lịch để bảo đảm yêu cầu quản lý, phát triển du lịch tại TP.

Về nhân sự của ban quản lý ATTP, Sở Nội vụ đề xuất trên cơ sở tổ chức lại Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thuộc Sở Y tế và một số bộ phận trực thuộc các phòng, chi cục thuộc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Công thương. Biên chế của ban quản lý ATTP được chuyển nguyên trạng từ các đơn vị chi cục, phòng liên quan nên không gây tăng biên chế.

Trong đề án, Sở Nội vụ cũng đã nêu ra các cơ sở pháp lý cho việc thành lập ban quản lý ATTP. Vị trí, chức năng của ban quản lý ATTP cũng được đề xuất là cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP, giúp ủy ban thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ATTP trên địa bàn TP. Là cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm TP.

* Ban quản lý ATTP TP có vai trò thế nào trong việc chấm dứt nạn thực phẩm bẩn, thưa ông?

- Nhiệm vụ, quyền hạn của ban quản lý ATTP cũng được Sở Nội vụ đề xuất theo hướng thống nhất quyền hạn, nhiệm vụ của các cơ quan liên quan có trách nhiệm quản lý về ATTP TP.

Ban quản lý ATTP sẽ là công cụ hữu hiệu để đạt mục đích kiểm soát, bảo đảm ATTP cho người dân. Còn chấm dứt được thực phẩm bẩn hay không là câu hỏi khó. Điều đó phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó có đạo đức, ý thức của cả người sản xuất và người tiêu dùng trong các khâu từ sản xuất, lưu thông, kinh doanh.

Tuy nhiên, việc nào có ý nghĩa, mang lại lợi ích cho người dân thì phải cố gắng làm ngay. Còn gặp khó mà ngại ngần, phân vân nhiều thì cũng không giải quyết được gì.

Bộ máy quản lý nhà nước về ATTP của TP

Sở y tế TP có Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm quản lý ATTP trong suốt quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, lưu thông, kinh doanh đối với: phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến, nước uống đóng chai, nước khoáng thiên nhiên, thực phẩm chức năng, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm. Cơ quan này hiện có 176 người.

Bên cạnh đó, Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm thuộc Sở Y tế TP chịu trách nhiệm về kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm được sản xuất và lưu hành trên địa bàn TP. Cơ quan này hiện có 60 người.

Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn vừa tập trung trọng tâm đẩy mạnh thực hiện công tác xây dựng vùng sản xuất nông sản thực phẩm an toàn trên địa bàn TP vừa tổ chức công tác kiểm soát, giám sát ATTP đối với lưu thông, chế biến, kinh doanh.

Nhiệm vụ quản lý nhà nước về ATTP được giao cho các đơn vị trực thuộc sở, gồm Chi cục Bảo vệ thực vật (hiện có 85 người), Chi cục Thú y (58 người biên chế và 635 người đơn vị sự nghiệp tự chủ), Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản (79 người)...

Sở Công thương có Chi cục Quản lý thị trường thực hiện kiểm tra phòng chống thực phẩm giả, gian lận thương mại trên thị trường đối với tất cả các loại thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm. Chi cục này hiện có 567 người/586 biên chế được giao.

Phòng quản lý thương mại, Sở Công thương: thực hiện nhiệm vụ quản lý ATTP trong suốt quá trình sản xuất đến kinh doanh với các loại rượu, bia, nước giải khát, sữa chế biến, dầu thực vật, sản phẩm chế biến bột, tinh bột, bánh, mứt, kẹo, bao bì chứa đựng. Hiện phòng này có 22 người/22 biên chế được giao.

Ngoài ba sở trên thì phòng y tế, khoa vệ sinh attp - trung tâm y tế dự phòng quận, huyện cũng tham gia kiểm tra liên ngành trên địa bàn quản lý. UBND cấp xã cũng có ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh attp xã, phường, thị trấn.

ÁI NHÂN - YẾN TRINH

ÁI NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên