Cảnh báo về tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp sản xuất thuốc trong bối cảnh thuốc sản xuất nội địa “giẫm chân lên nhau” được ông Trương Quốc Cường - cục trưởng Cục Quản lý dược Bộ Y tế - đặt ra tại hội nghị triển khai chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam ngày 6-12.
Theo ông Cường, sản xuất thuốc trong nước còn tự phát, trùng lặp, chủ yếu sản xuất thuốc bào chế đơn giản, trong khi phần lớn thuốc đặc trị ở dạng bào chế phức tạp thì Việt Nam chưa đầu tư sản xuất được.
Đến tháng 6-2014, thuốc ngoại nhập có 11.000 số đăng ký tương đương với gần 1.000 hoạt chất, trong khi 12.000 số đăng ký của thuốc sản xuất trong nước lại chỉ từ 520 hoạt chất. Như vậy, trung bình một hoạt chất có đến 23 số đăng ký, dẫn đến rất nhiều hoạt chất có hàng trăm số đăng ký, “kỷ lục” như Paracetamol có hơn 780 số đăng ký, Clorpheniramin gần 300 số đăng ký, Cefixim gần 200 số đăng ký...
19 năm tù với bác sĩ Tường “còn thấp” Đó là khẳng định của ông Lương Ngọc Khuê - cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh Bộ Y tế - ngay tại hội nghị. Ông Khuê cho rằng bản án 19 năm tù đối với bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường trong vụ thẩm mỹ viện Cát Tường là “còn thấp”, “chưa thỏa đáng”. “Người thầy thuốc không có lương tâm khi tự mình làm những thứ thuốc ở trong phòng mạch mà chưa được phép. Một bác sĩ chỉnh hình chuyên môn phẫu thuật cắt chân, cắt tay lại đi làm phẫu thuật tạo hình. Với một người bệnh có 49kg thì lấy đâu ra mỡ mà hút?” - ông Khuê nói. |
Cục Quản lý dược đề nghị Hiệp hội Các doanh nghiệp dược cần họp, phân chia thống nhất mỗi loại thuốc, dây chuyền thì chỉ một số doanh nghiệp có thế mạnh sản xuất. Từ đó hạn chế tối đa cạnh tranh, trùng lắp, phân chia thị trường nhỏ, dẫn tới giảm lợi nhuận, thậm chí bán dưới giá thành.
Ngoài ra, hệ thống phân phối thuốc trong nước cũng bị đánh giá đang rất phức tạp, gây khó cho việc quản lý giá thuốc, quản lý chất lượng thuốc nói chung, thu hồi thuốc kém chất lượng và kiểm soát nguồn gốc thuốc trên thị trường nói riêng.
Theo ông Cường, cả nước hiện có trên 1.900 doanh nghiệp đạt GDP (được bán buôn), trên 39.000 cơ sở bán lẻ thuốc... tạo nên một hệ thống phân phối thuốc phức tạp, thuốc đến tay người dùng lòng vòng qua nhiều khâu trung gian bị đẩy giá cao lên gây nhiều bức xúc.
Vì vậy, ngành y tế sẽ xây dựng năm trung tâm phân phối thuốc tại miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ, Nam Trung bộ - Tây nguyên, Đông Nam bộ và Tây Nam bộ.
Thời gian tới, bộ trưởng Bộ Y tế sẽ thành lập hội đồng tư vấn quốc gia về đấu thầu thuốc. Cục Quản lý dược cũng đang làm đầu mối xây dựng các danh mục thuốc đấu thầu tập trung, danh mục thuốc đàm phán giá, danh mục thuốc trong nước đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng tại chỗ.
Tại hội nghị, Bộ Y tế cũng công bố mục tiêu đến năm 2020, 100% thuốc được cung ứng kịp thời cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh, phấn đấu tự chủ được 20% nguyên liệu cho sản xuất thuốc (hiện tại chỉ đạt xấp xỉ 10%), thuốc sản xuất trong nước chiếm 80% tổng giá trị thuốc tiêu thụ trong năm (trong khi hiện tại sản xuất trong nước chỉ đáp ứng gần 50% nhu cầu thuốc), văcxin sản xuất trong nước đáp ứng 100% nhu cầu của chương trình tiêm chủng mở rộng và 30% nhu cầu tiêm chủng dịch vụ...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận