Năm 2016, bộ phim Nữ đại gia đã phải cắt bớt cảnh diễn viên sử dụng rượu và thuốc lá theo yêu cầu của hội đồng duyệt phim mới được ra rạp - Ảnh: Đ.P.
Trong phim điện ảnh, nhất là các phim phản ánh hiện thực thì vai hút thuốc lá, uống rượu bia rất nhiều. Đó cũng là thực tế cuộc sống. Tôi không ủng hộ sử dụng hình ảnh diễn viên hút thuốc trong các phim dành cho trẻ em. Nhưng có phim cần nhân vật hút thuốc từ đầu đến cuối vẫn phải để cho làm chứ, vấn đề là hạn chế độ tuổi khán giả cho phù hợp thôi
Đạo diễn PHAN ĐĂNG DI
Thông tư số 25/2018 của Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch hướng dẫn thực hiện quy định việc hạn chế hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá trong tác phẩm sân khấu, điện ảnh sẽ có hiệu lực vào ngày 15-11-2018.
Theo đó, việc kiểm soát hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá trong các tác phẩm sân khấu, điện ảnh sẽ được quy định cụ thể hơn, trong đó thông tư hướng dẫn thực hiện quy định tuyệt đối không sử dụng hình ảnh có liên quan đến thuốc lá dành cho các tác phẩm sân khấu, điện ảnh dành cho trẻ em.
Không đưa hình ảnh thuốc lá vào phim dành cho trẻ em
Việc để diễn viên sử dụng thuốc lá trong tác phẩm sân khấu, điện ảnh phải nhằm mục đích phục vụ nội dung và nghệ thuật của tác phẩm, và phải thuộc các trường hợp sau đây: tác phẩm sân khấu và điện ảnh khắc họa hình tượng nhân vật lịch sử có thật; tái hiện một giai đoạn lịch sử nhất định; phê phán, lên án hành vi sử dụng thuốc lá.
Riêng với điện ảnh, trường hợp phim có nhiều cảnh diễn viên sử dụng thuốc lá theo đánh giá của hội đồng thẩm định thì việc phổ biến phim phải bảo đảm một trong các yêu cầu: được phân loại để phổ biến theo lứa tuổi phù hợp. Việc phân loại phim dựa vào các tiêu chí tại phụ lục ban hành kèm theo thông tư; có cảnh báo sức khỏe về tác hại của thuốc lá bằng chữ hoặc hình ảnh.
Năm 2014, Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch đã ban hành thông tư số 02/2014 hướng dẫn thực hiện quy định hạn chế sử dụng thuốc lá trong tác phẩm sân khấu, điện ảnh. Nhưng thông tư này không có phụ lục đính kèm về tiêu chí phân loại phim có hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá (dành cho nhãn P, C13, C16, C18) như thông tư mới nêu trên.
Về thông tư mới này, ông Lê Thanh Liêm - phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch) - cho biết trong quá trình lấy ý kiến của các nghệ sĩ trong lĩnh vực điện ảnh, sân khấu, tất cả đài truyền hình cả nước cho thông tư, ban soạn thảo thậm chí đã nhận được nhiều góp ý của các nghệ sĩ là cấm tuyệt đối luôn. "Xu hướng không sử dụng thuốc lá hiện đã trở thành xu hướng văn minh trong xã hội nên thông tư được các nghệ sĩ rất ủng hộ" - ông Thanh Liêm cho hay.
Là một người mê điện ảnh, anh Nguyễn Tiêu Quốc Đạt cho rằng phim, kịch cho trẻ em thì đương nhiên không được có hình ảnh hút thuốc lá. Anh dẫn ví dụ, ngay như trong truyện tranh Lucky Luke, tác giả đã phải thay đổi hình ảnh anh cao bồi ngậm thuốc bằng ngậm một nhánh cỏ trước sức ép của cộng đồng.
Một cảnh trong bộ phim Những tháng năm rực rỡ - Ảnh: ĐPCC
Hút ít, thời lượng ngắn, bao nhiêu là ít và ngắn?
Đối với nhãn P (phổ biến rộng rãi đến mọi đối tượng), thông tư quy định: "Không chấp nhận hình ảnh diễn viên sử dụng thuốc lá trừ trường hợp nhằm phê phán, lên án hành vi này hoặc các trường hợp nhằm mục đích nghệ thuật nhưng không miêu tả chi tiết, diễn ra ít, thời lượng rất ngắn".
Tiêu chí "diễn ra ít", "thời lượng rất ngắn" có vẻ khá mơ hồ. Đạo diễn Vũ Xuân Hưng - chủ tịch Hội đồng trung ương thẩm định và phân loại phim truyện - cho biết: "Nghệ thuật điện ảnh rất phong phú. Đơn cử một người cầm điếu thuốc trong phim để giải quyết vấn đề về mặt tâm lý, có thể thời lượng tương đối dài, nhưng khán giả cảm thấy ngắn. Hay một nhân vật chỉ ngậm điếu thuốc để tạo cho mình một dáng vẻ gì đó thì dù thời lượng ngắn khán giả cũng cảm thấy dài. Về cơ bản pháp luật thường đưa ra các quy định chung, còn khi áp dụng vào các trường hợp cụ thể, hội đồng sẽ phải thảo luận, cân nhắc".
Theo đạo diễn Phan Đăng Di - người từng thực hiện khá nhiều cảnh nhân vật sử dụng thuốc lá trong phim Bi, đừng sợ!, việc ra các quy định hạn chế các chất gây hại cho cơ thể cũng tốt, nhưng nên cố gắng làm sao để sáng tạo nghệ thuật và các quy định không mâu thuẫn nhau. Về quy định các cảnh hút thuốc, anh góp ý: "Thay vì nói chung chung "thời lượng ngắn", cần cụ thể bao nhiêu giây để người làm biết mà thực hiện".
Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng - người từng làm bộ phim Thầu Chín ở Xiêm - cho rằng: "Dù có hút thuốc, nhưng tôi cũng không thích hình ảnh có sử dụng thuốc lá trong phim, nên trong Thầu Chín ở Xiêm chỉ có một, hai cảnh hút thuốc. Việc quy định về thời lượng cảnh nóng trong phim mới khó, chứ với tôi quy định về thời lượng sử dụng hình ảnh có thuốc lá trong phim cũng dễ thực hiện".
Khán giả Bá Anh (Hà Nội) cũng tiết lộ anh đã hút thuốc từ năm 16 tuổi vì thấy Nguyễn Thành Luân hút thuốc trong phim Ván bài lật ngửa “oai quá”.
Sân khấu đã hạn chế việc hút thuốc
NSƯT, đạo diễn Sĩ Tiến của Nhà hát Tuổi Trẻ chia sẻ từ chục năm nay Nhà hát Tuổi Trẻ đã chủ động không đưa bất cứ hình thức "hút xách" nào lên sân khấu, kể cả sân khấu trẻ em lẫn người lớn.
Ngoài lý do tuân thủ các quy định về phòng chống tác hại của thuốc lá thì những nguyên tắc trong phòng chống cháy nổ cũng không cho phép diễn viên hút thuốc trên sân khấu.
Trước câu hỏi: với những vai diễn thể hiện các nhân vật có tính cách gai góc, phức tạp, cần cho nhân vật hút thuốc trên sân khấu thì Nhà hát Tuổi Trẻ có gặp khó khăn với quy định trong thông tư mới này không?
Đạo diễn Sĩ Tiến khẳng định dứt khoát nhà hát sẽ không thực hiện cảnh diễn đó. "Cho diễn viên diễn cảnh hút một điếu thuốc chẳng làm nên mùa xuân" - đạo diễn Sĩ Tiến hài hước nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận