Thông qua tiếp công dân, UBND tỉnh Đồng Tháp đã giải quyết vướng mắc cho hai hộ dân và họ đồng ý di dời nhà cửa, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công - Ảnh: NGỌC TÀI
Đồng Tháp có mô hình “Cà phê doanh nhân” hay “Hội quán nông dân” cũng là không gian mở để lãnh đạo tỉnh gần dân, sâu sát với xã hội. Thông qua đó, những vấn đề bức xúc mà người dân, doanh nghiệp được chia sẻ và lãnh đạo tỉnh cùng các ngành chuyên môn có các giải pháp tháo gỡ, tạo ra sự bình đẳng, công khai, minh bạch giữa chính quyền và người dân
Ông LÊ MINH HOAN (bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp)
Ngày 3-9, ông Nguyễn Văn Dương, chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết việc Thanh tra Chính phủ chỉ ra sai phạm không tiếp công dân của các giám đốc Sở Nông nghiệp & phát triển nông thôn, Sở Văn hóa, thể thao & du lịch, Sở Nội vụ, Cục Thuế tỉnh trong hơn 5 năm là chính xác.
UBND tỉnh đã yêu cầu làm kiểm điểm và thành lập tổ công tác do ông làm tổ trưởng đến từng đơn vị để làm việc, xử lý, chỉ ra hạn chế yếu kém và yêu cầu chấn chỉnh ngay.
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật về thanh tra, tiếp công dân, khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng và công tác quản lý, sử dụng đất đai tại tỉnh Đồng Tháp (từ năm 2012 đến tháng 6-2017), lãnh đạo tỉnh đã dành nhiều thời gian cho việc tiếp công dân kể cả định kỳ và đột xuất (đạt 290%, 192 ngày/66 tháng) thì nhiều sở, ngành còn lơ là. Cá biệt, một số giám đốc sở không tiếp công dân ngày nào trong suốt 5 năm rưỡi!
Ông Dương cũng cho biết thêm theo quy định của tỉnh, giám đốc sở phải tiếp công dân vào các ngày 1 và 15 hằng tháng.
Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp các sở không có đơn thư, yêu cầu gặp gỡ từ công dân hoặc không nhất thiết phải đợi đến lịch ngày 1 và 15 mới tiếp, mà nếu công dân trực tiếp đến sở sẽ được giải quyết hoặc hướng dẫn đến đúng cơ quan có thẩm quyền, nhưng lại không ghi nhận cụ thể bằng biên bản tiếp xúc.
"Xét về mặt nào đó, người dân vẫn thích trực tiếp gặp lãnh đạo tỉnh để đối thoại hơn là gặp lãnh đạo sở rồi chờ tham mưu, lĩnh vực tiếp công dân đa số lại liên quan đến khiếu kiện đất đai. Nhưng giám đốc các sở cũng phải nghiêm chỉnh thực hiện quy định, thể hiện cụ thể bằng văn bản, biên bản tiếp xúc" - ông Dương nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Công, giám đốc Sở Nông nghiệp & phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, cho biết đã viết kiểm điểm và đồng ý hoàn toàn với kết luận của Thanh tra Chính phủ.
"Đoàn thanh tra chỉ ra vậy là hoàn toàn đúng, phải nghiêm túc nhận sai, sửa chữa và cũng không muốn phân bua gì thêm" - ông Công chia sẻ.
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận thời gian qua tỉnh Đồng Tháp được người dân đánh giá cao về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Cụ thể như thời gian từ tháng 8-2017 đến tháng 8-2018, tỉnh đã tổ chức tiếp công dân thường xuyên 4.227 lượt đến khiếu nại, tố cáo; tiếp công dân định kỳ của chủ tịch UBND các cấp, thủ trưởng các sở, ngành là 812 lượt. Nội dung chủ yếu là khiếu nại đất đai chiếm 82%.
Không chỉ qua những kênh chính thống như trụ sở tiếp công dân, các cấp lãnh đạo tỉnh còn tiếp nhận phản ánh qua mạng xã hội (Facebook, Zalo).
Hơn 3 năm qua, từ sau khi tỉnh có chủ trương tiếp nhận phản ánh, tố cáo của người dân qua fanpage Cổng thông tin điện tử Đồng Tháp, toàn bộ phản ánh qua mạng của người dân được chuyển đến các cơ quan chức năng trả lời, giải quyết.
Theo thống kê của Cổng thông tin điện tử Đồng Tháp, trung bình mỗi tuần tiếp nhận khoảng 20 kiến nghị, phản ánh và đa số được trả lời, giải quyết đúng hạn.
Gần đây nhất, khi người dân bức xúc về việc bí thư UBND xã Tân Hộ Cơ (Tân Hồng) lấn chiếm đất công, UBND tỉnh đã yêu cầu UBND huyện Tân Hồng xác minh, trả lời cho người dân.
Kết quả đã phát hiện vị "quan xã" này lấn chiếm 470m2 đất công và yêu cầu hoàn trả ngay. Riêng những cơ quan "né", chậm trễ trả lời sẽ bị chủ tịch UBND tỉnh "điểm mặt" phê bình.
Một số chương trình như Đồng hành cùng nhân dân (2 kỳ/tháng), Khởi nghiệp do Đài truyền hình Đồng Tháp phối hợp với lãnh đạo các sở, ngành thực hiện cũng đã trả lời trực tiếp những kiến nghị, thắc mắc của người dân trên sóng truyền hình.
Kể cả các đài truyền thanh địa phương cũng tổ chức các buổi đối thoại cùng nhân dân với mức 2-3 lần/tháng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận