18/10/2018 16:29 GMT+7

Sẽ không còn 'cuộc đua tới đáy' trong thương mại và đầu tư

N.AN
N.AN

TTO - 65% thuế nhập khẩu đối với hàng hóa xuất khẩu vào EU sẽ được xóa bỏ ngay khi hiệp định có hiệu lực, cùng lúc những rào cản phi thuế quan đang tồn tại trong ngành ôtô, bảo hộ chỉ dẫn địa lý sẽ được gỡ bỏ.

Sẽ không còn cuộc đua tới đáy trong thương mại và đầu tư - Ảnh 1.

Các sản phẩm trái cây sẽ rộng cửa hơn vào thị trường EU - Ảnh: ĐỨC TRONG

Ủy ban Châu Âu (EC) ngày hôm nay đã thông qua việc đệ trình Hiệp định Tự do Thương mại và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU), chuẩn bị cho việc ký kết và hoàn tất tiến trình. Thông tin vừa được phái đoàn EU tại Việt Nam đưa ra ngày 18-10.

Ông Jean-Claude Juncker, Chủ tịch EC, cho rằng hai hiệp định này là "minh chứng cho chính sách thương mại của châu Âu, mang lại những lợi thế và lợi ích chưa từng có trong tiền lệ cho các công ty, người lao động và người tiêu dùng ở châu Âu và Việt Nam".

Cao Ủy về Thương mại của EU, bà Cecilia Malmström cho rằng Việt Nam có những tiềm năng to lớn về làm ăn cho các nhà đầu tư và xuất khẩu EU cả hiện tại và trong tương lai. Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ở Đông Nam Á, với một thị trường sôi động có trên 95 triệu người tiêu dùng, với tầng lớp trung lưu đang gia tăng về số lượng và một lực lượng lao động trẻ và đầy năng động.

"Việc thông qua hai hiệp định này sẽ lan tỏa các tiêu chuẩn cao của châu Âu cũng như tạo ra các cơ hội để thực hiện những thảo luận có chiều sâu về quyền con người và bảo hộ công dân" - bà Cecilia Malmström nói.

Theo cam kết, EVFTA sẽ xóa bỏ trên 99% thuế quan đánh vào hàng hóa giao thương giữa hai phía. Trong đó, Việt Nam sẽ xóa bỏ 65% thuế nhập khẩu đối với hàng xuất khẩu từ EU ngay khi hiệp định có hiệu lực và các dòng thuế còn lại sẽ được giỡ bỏ dần trong thời gian 10 năm.

Hiệp định cũng có những điều khoản giải quyết các hàng rào phi thuế quan đang tồn tại trong ngành ôtô, cũng như bảo hộ chỉ dẫn địa lý (GIS) cho 169 sản phẩm thực phẩm và đồ uống của Châu Âu tại Việt Nam, ví dụ như các GIS như là rượu vang Rioja hay pho mai Roquefort.

Thông qua hiệp định tự do thương mại, các công ty EU sẽ có thể tham gia một cách bình đẳng với các công ty của Việt Nam trong các gói thầu mua sắm (chính phủ) của các cơ quan nhà nước và hay doanh nghiệp nhà nước.

Cùng với việc tạo ra các cơ hội kinh tế quan trọng, EVFTA còn đảm bảo rằng thương mại, đầu tư và phát triển bền vững. Theo đó, hiệp định đặt ra những tiêu chuẩn cao nhất về lao động, an toàn, bảo vệ môi trường và bảo vệ người tiêu dùng, nhằm đảm bảo là sẽ không có "cuộc đua tới đáy" nhằm thu hút thương mại và đầu tư.

EVFTA đặt ra ràng buộc hai bên phải tôn trọng và thực hiện hiệu quả các nguyên tắc của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về các quyền lao động căn bản; ràng buộc các bên thực thi các hiệp ước quốc tế về môi trường như Hiệp ước Paris.

Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU tại ASEAN chỉ đứng sau Singapore, với thương mại hàng hóa trị giá 47,6 tỉ euro và thương mại dịch vụ ở mức 3,6 tỉ euro một năm. 

Trong khi đầu tư của châu Âu vào Việt Nam còn ở mức khiêm tốn là 8,3 tỉ euro trong năm 2016, đang ngày càng có nhiều các công ty châu Âu được thành lập tại đây, biến Việt Nam thành một trung tâm vùng phục vụ cho khu vực Mekong. 

Sắp tới, EC sẽ đệ trình lên Hội đồng châu Âu đề xuất về việc ký kết và hoàn tất hai hiệp định.

Ngay khi Hội đồng Châu Âu có ủy quyền, hai hiệp định này sẽ được ký kết và sẽ được trình lên Nghị viện châu Âu phê chuẩn.

Ngay khi Nghị viện châu Âu phê chuẩn hiệp định, Hội đồng châu Âu sẽ kết thúc tiến trình đối với Hiệp định Tự do Thương mại và đưa hiệp định đi vào thực thi.

Hiệp định Bảo hộ Đầu tư với Việt Nam sẽ được các Quốc gia Thành viên phê chuẩn tuân thủ theo các quy trình nội tại của mỗi nước.


N.AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên