12/07/2014 07:53 GMT+7

Sẽ họp liên ngành xem xét "kỳ án vườn mít"

TÂM LỤA
TÂM LỤA

TT - Chiều 11-7, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình có buổi trao đổi với TS Vũ Đức Khiển (nguyên chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) và bà Nguyễn Thị Hoài Thu (nguyên chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội) về vụ án Lê Bá Mai (Bình Phước).

iLHiaQk4.jpgPhóng to
TS Vũ Đức Khiển (nguyên chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) và bà Nguyễn Thị Hoài Thu (nguyên chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội) tại buổi trao đổi - Ảnh: H.T.

Vụ án Lê Bá Mai hay còn gọi “kỳ án vườn mít” kéo dài 10 năm với hàng chục phiên xét xử. Lê Bá Mai bị cáo buộc giết cháu Thị Út tại vườn mít thuộc xã An Khương, huyện Bình Long năm 2004 (nay là huyện Hớn Quản, Bình Phước). Qua nhiều phiên tòa, lúc Lê Bá Mai bị tuyên tử hình, lúc bị tuyên tù chung thân, lúc lại được trả tự do ngay tại tòa. Tại phiên xét xử phúc thẩm lần 3 ngày 30-8-2013, tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại TP.HCM đã y án chung thân với Lê Bá Mai.

Tại buổi trao đổi, TS Vũ Đức Khiển cho rằng nếu khẳng định Lê Bá Mai hiếp dâm rồi giết cháu Út chưa đầy 12 tuổi thì phải tuyên tử hình chứ không thể tuyên chung thân. Bản án lúc tuyên tử hình, lúc tuyên chung thân mà không có tình tiết giảm nhẹ. Theo ông Khiển, việc kết luận Lê Bá Mai phạm tội hiếp dâm và giết cháu Thị Út là không có căn cứ vững chắc mà chỉ căn cứ vào lời khai của Lê Bá Mai.

Riêng bà Nguyễn Thị Hoài Thu cho biết đã tự đến hiện trường vụ việc ở Bình Phước và hết sức ngỡ ngàng khi không thấy có đường chạy xe máy vào vườn mít mà cháu Út nằm chết, như hồ sơ vụ án thể hiện. Bà Thu cho rằng vụ án được dàn dựng không khéo léo.

Theo ông Nguyễn Thanh Sơn - phó viện trưởng Viện thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử phúc thẩm tại TP.HCM, chứng cứ cơ bản kết luận Lê Bá Mai phạm tội giết người và hiếp dâm trẻ em. Kết luận này không phải dựa trên một vài lời khai mà dựa vào chứng cứ có trong hồ sơ và đã được khẳng định tại phiên tòa.

Về việc Lê Bá Mai khai bị dùng nhục hình dẫn đến nhận tội, ông Sơn cho biết quá trình điều tra, luật sư bào chữa cho bị cáo xác nhận không có bức cung nhục hình, bị cáo thừa nhận kêu oan là để kéo dài sự sống. “Đây là vụ án rất phức tạp, kéo dài, xét xử nhiều lần từ sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, cũng có nhiều quan điểm xét xử khác nhau. Chúng tôi rất thận trọng, bằng kinh nghiệm và cả trách nhiệm, rất suy nghĩ về vụ án này. Làm oan cho một người không chỉ làm đau khổ đến họ và gia đình họ mà cả những người làm công tố hiện nay cũng không yên tâm được” - ông Sơn nói.

Sau khi lắng nghe các ý kiến nêu trên, Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình cho biết trước khi phiên tòa phúc thẩm lần 3 ngày 30-8-2013 diễn ra, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao lập hai tổ độc lập, do hai lãnh đạo viện kiểm sát nghiên cứu độc lập, cọ xát với nhau trên cơ sở hồ sơ vụ án và ý kiến luật sư. Hai tổ này ngồi tranh luận với nhau cả tuần mới diễn ra phiên tòa. “Có thể chúng ta còn băn khoăn về việc có dàn dựng. Vụ Nguyễn Thanh Chấn thì công an là người dàn dựng, bị xử lý rồi. Riêng vụ án này, dẫu có những lời khai mâu thuẫn với nhau, nhưng có những chứng cứ phản ánh bản chất vụ việc. Chúng tôi đã cho anh em tranh tụng trước khi ra tòa. Đó là cách làm cầu thị và thận trọng. Có nhiều chứng cứ phù hợp với nhau khi kết tội Lê Bá Mai” - ông Bình nhấn mạnh.

Về điều kiện để vụ án được kháng nghị giám đốc thẩm, Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình khẳng định phải có vi phạm tố tụng nghiêm trọng hoặc có tình tiết mới. “Chung thân hay tử hình đều nằm trong một khung. Đây không phải vụ án duy nhất giết người hiếp dâm mà không tử hình. Quá trình điều tra, cơ quan tố tụng cũng có những sơ suất, nhưng những chứng cứ mấu chốt để khẳng định bản chất vụ án, xét về tổng thể là đúng. Vụ án có đơn, trách nhiệm theo luật chúng tôi phải xem lại lần nữa và có trả lời sớm. Lần này không phải Viện Kiểm sát nhân dân tối cao xem xét độc lập. Chúng tôi sẽ đề nghị có sự tham gia của liên ngành Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Khi đó sẽ có trả lời hai câu hỏi: Lê Bá Mai có tội hay không có tội? Có cần thiết giám đốc thẩm, đủ điều kiện để nâng lên tử hình hay không?” - ông Nguyễn Hòa Bình nói.

TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên