Đó là khẳng định của ông Đào Minh Tú, phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, tại họp báo thông tin về hoạt động ngân hàng quý 1, do Ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 19-4.
Liên quan vụ xét xử Vạn Thịnh Phát và Trương Mỹ Lan, trong đó có những sai phạm của SCB, ông Tú cho biết quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là tất cả các sai phạm do cá nhân gây ra. Các chính sách, quy định về cho vay, quản lý của Chính phủ, của ngành đã đầy đủ, rõ ràng.
"Những vi phạm là do một số cá nhân cố tình thực hiện sai các quy định của Nhà nước. Do đó họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Các cơ quan chức năng đã và đang xử lý rất nghiêm minh các cá nhân có liên quan", ông Tú nhấn mạnh.
Theo ông Tú, Ngân hàng SCB rơi vào tình trạng khó khăn, thậm chí có thể coi là khủng hoảng.
Với chức năng của Chính phủ, của ngân hàng trung ương các nước, khi có ngân hàng thương mại khó khăn, các nước đều phải có những giải pháp cụ thể, kịp thời để đảm bảo cho ngân hàng đó không đổ vỡ, gây hệ lụy chung cho hệ thống tài chính cũng như an toàn của các hệ thống ngân hàng thương mại.
Chính vì vậy, với Ngân hàng SCB, từ tháng 10-2022 đã xảy ra mất cân đối thanh khoản, Ngân hàng Nhà nước có chức năng và luật pháp cũng quy định những điều khoản phải thực hiện những biện pháp ổn định ngân hàng, đảm bảo an toàn hệ thống.
SCB không phải là ngân hàng đầu tiên, trước đó cũng có những ngân hàng yếu kém, có những ngân hàng phải đưa vào kiểm soát đặc biệt và mua bắt buộc.
Ngân hàng Nhà nước có những giải pháp phải can thiệp để đảm bảo sự ổn định cho ngân hàng, ổn định hệ thống và đảm bảo an ninh trật tự xã hội.
Chỉ có điều SCB là ngân hàng có quy mô, tổng tài sản lớn. Do đó đòi hỏi giải pháp xử lý cũng phải đủ lớn để thực hiện.
"Chúng tôi tiếp tục xây dựng lộ trình tái cơ cấu từng bước Ngân hàng SCB. Nghiên cứu khẩn trương, tích cực tìm ra giải pháp cơ chế, tạo điều kiện cho SCB từng bước ổn định, phục hồi và hoạt động bình thường", ông Tú khẳng định.
Trong các biện pháp ổn định SCB, có những khoản cho vay của Ngân hàng Nhà nước đối với ngân hàng thương mại yếu kém. Việc cho vay cung ứng tiền, dù ít hay nhiều đều có công cụ điều hòa lượng tiền đưa ra thông qua việc cho vay Ngân hàng SCB.
Còn đối với ba ngân hàng mua bắt buộc (Dầu khí Toàn cầu, Đại Dương và Xây dựng), Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thiện việc định giá để đưa vào đề án tái cơ cấu trong thời gian tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận