Ông Đinh Thế Huynh - ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Trung ương Đảng, trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương (thứ hai từ phải qua) - trao giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS cho các tân GS, PGS - Ảnh: Thu Hà |
Theo GS Trần Văn Nhung, để hội nhập quốc tế, vấn đề xem xét, đánh giá, công nhận đạt tiêu chuẩn tiến sĩ, PGS, GS và bổ nhiệm GS, PGS cũng phải hội nhập với khu vực và quốc tế, từ tư duy, khái niệm, tiêu chuẩn khoa học cho đến cách thức tiến hành.
“Chính phủ, Bộ GD-ĐT, Hội đồng chức danh GS nhà nước đã có chủ trương, hoan nghênh và thực hiện việc phân cấp, giao quyền tự chủ từng bước công việc này theo lộ trình vừa khẩn trương nhưng cũng phải vừa đảm bảo chất lượng khoa học quốc gia để hội nhập quốc tế” - GS Nhung nhấn mạnh.
GS Nhung cũng cho biết Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo Hội đồng chức danh GS nhà nước, Bộ GD-ĐT nghiên cứu, đề xuất trình Thủ tướng sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để phù hợp điều kiện, hoàn cảnh thực tế trong nước, từng bước hội nhập với thế giới.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Đinh Thế Huynh - ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Trung ương Đảng, trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương - cũng đánh giá quy trình, tiêu chuẩn xét chọn chức danh PGS, GS đang từng bước được hội nhập quốc tế nhưng vẫn cần phải tiếp tục nỗ lực đổi mới hơn.
“Chênh lệch về trình độ phát triển, hạ tầng cơ sở, khoa học - công nghệ cũng như về chất lượng giáo dục - đào tạo còn lớn so với các nước trong khu vực và thế giới. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải vượt khó vươn lên. Ở điểm xuất phát thấp thì càng cần phải đổi mới mạnh mẽ, chủ động và tích cực hội nhập khu vực và thế giới về chất lượng, phù hợp điều kiện thực tế của Việt Nam” - ông Đinh Thế Huynh nói.
Năm 2015, cả nước có thêm 470 tân PGS và 52 tân GS. Như vậy, cho đến nay tổng số GS, PGS đã được phong và công nhận ở nước ta là hơn 11.600 người, trong đó có gần 1.700 GS và hơn 9.900 PGS. Trường ĐH Tôn Đức Thắng có duy nhất một tân PGS được Hội đồng chức danh GS nhà nước công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh PGS là bà Lê Thị Mai (63 tuổi, ngành xã hội học).
Như vậy, cho đến nay Việt Nam cũng chỉ có 0,43 GS hoặc PGS trên một vạn dân; 5,8 GS hoặc PGS trên 100 giảng viên ĐH. Trong khi đó, tỉ lệ này tại các nước cao hơn gấp nhiều lần: tỉ lệ GS hoặc PGS trên một vạn dân ở Trung Quốc là 3,85; tại Đức có 3 GS trên một vạn dân...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận